Dự án tâm linh 3.000 tỉ đồng ở Hòa Bình: Huyện nghèo lấy ruộng chơi sang

Tỉnh Hòa Bình vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Khu du lịch sinh thái - tâm linh hơn 3.000 tỉ đồng tại huyện nghèo Lạc Thủy. Đáng chú ý, trong 120ha dự án thì có tới 48ha đất trồng lúa.

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định dự án của tỉnh Hòa Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét.

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định dự án của tỉnh Hòa Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét.

Dự án nghìn tỉ nơi huyện nghèo

Theo đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình, Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy dự kiến được triển khai tại xã Phú Lão, huyện Lạc Thủy. Dự án do Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình làm chủ đầu tư. Theo đó, dự án này được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016. Quy hoạch được phê duyệt tháng 7/2019 cho thấy, dự án có diện tích 120 ha, trong đó gần 48 ha đất trồng lúa, vốn đầu tư dự kiến 2.884 tỉ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác từ năm 2023, được kỳ vọng thu hút khoảng 3 triệu lượt khách mỗi năm.

Về kinh phí xây dựng, cuối tháng 8/2019, chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư thành 3.028 tỉ đồng; trong đó vốn doanh nghiệp có 455 tỉ đồng, còn lại là vốn vay và huy động. Thời gian hoàn thành, khai thác dự án được lùi đến tháng 3/2025. Hiện tại, dự án này đã được Bộ Quốc phòng thống nhất về địa điểm quy hoạch nhưng lưu ý không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.

Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu tỉnh Hòa Bình chỉ đạo chủ đầu tư không liên doanh, liên kết với nước ngoài, kể cả Việt kiều, không dùng người nước ngoài thực hiện dự án. Nếu thay đổi chủ đầu tư, địa phương phải có ý kiến thỏa thuận của Bộ Quốc phòng.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay, vừa rồi, UBND tỉnh Hòa Bình có văn bản đề nghị Thủ tướng cho phép sử dụng gần 48ha đất trồng lúa để xây Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy. Đề nghị này đã được Văn phòng Chính phủ chuyển đến Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT xem xét.

Lấy đất ruộng làm du lịch

Khu vực được tỉnh Hòa Bình đề xuất xây dựng Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy.

Khu vực được tỉnh Hòa Bình đề xuất xây dựng Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy.

Theo đề xuất của nhà đầu tư, Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy được chia thành 2 phân khu. Phân khu 1 diện tích sử dụng đất khoảng 81ha xây dựng tuyến cáp treo Hương Bình; đường giao thông, khuôn viên cây xanh; xây dựng công viên làng du lịch Việt Nam; xây bảo tàng nguồn cội; xây biệt thự trên núi, biệt thự ven hồ và xây dựng các công trình thương mại dịch vụ.
Phân khu 2 rộng 38,9ha xây dựng các công trình thương mại dịch vụ, xây biệt thự trên núi, biệt thự ven hồ, xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe.

Việc tỉnh Hòa Bình đề nghị đầu tư 3.000 tỉ đồng phục vụ du lịch tâm linh cho một huyện nghèo là cần xem xét. Nhưng việc lấy 48ha đất ruộng để làm du lịch thì cần xem xét kỹ hơn.

Bạn Huyền Anh, nhà gần chùa Tiên (huyện Lạc Thủy) cho biết: “Cảnh vật ở đây tự nhiên và rất đẹp, mỗi ngày có hàng nghìn khách thập phương tới tham quan. Nhưng mở rộng tôi không ủng hộ khi ngày nay chùa hay bị thương mại hóa”. Bạn Huyền Anh cũng góp ý thêm, Hòa Bình là tỉnh miền núi, nếu mở rộng khu du lịch thì nên lấy vùng đất khô cằn, còn đất ruộng thì để người dân canh tác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, việc chuyển đổi diện tích trồng lúa trên 10ha đều phải xin ý kiến Thủ tướng, những dự án lớn như thế này phải có ý kiến tham mưu, đề xuất, đánh giá của các cơ quan bộ, ngành Trung ương. “Dự án của tỉnh Hòa Bình hiện nay chưa đủ điều kiện để Chính phủ xem xét”, ông Mai Tiến Dũng khẳng định.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Mậu Dũng - giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam phân tích: “Hiện nay, Chính phủ vẫn cố gắng duy trì tổng diện tích 3,8 triệu ha đất trồng lúa, nếu chuyển đổi một diện tích nhỏ sẽ không đáng kể. Tuy nhiên, hiệu quả đất trồng lúa hiện nay cũng tương đối thấp, vì vậy, cần tính toán vấn đề an ninh lương thực ở mức độ nào, cần duy trì ở đâu”.

Huyện nghèo có cần chơi sang?

Lạc Thủy là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Hòa Bình. Địa hình chủ yếu là đồi núi, đá vôi nên kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Ngay cả diện tích đất sử dụng cho nông nghiệp cũng bị hạn chế, chính vì vậy, việc chuyển đổi 48ha đất ruộng sang làm du lịch khiến nhiều người lo ngại.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng phải xem xét cẩn thận việc sử dụng quỹ đất của người dân để xây dựng những khu tâm linh kết hợp du lịch. Riêng ở tỉnh Hòa Bình, đề xuất xây khu du lịch tâm linh như thế là rất lớn, cần xem xét các yếu tố một cách thấu đáo. “Nếu tỉnh nào cũng muốn xây dựng khu tâm linh thì quỹ đất sẽ ngày càng cạn kiệt mà đất thì không sinh ra được. Không được cho phép các cá nhân, tổ chức lợi dụng vấn đề tâm linh để xây dựng những công trình du lịch”, ông Hòa nói.

Luật Đất đai hiện nay có quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Trong đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cả thời kỳ cũng như của từng năm ở phạm vi cả quốc gia cũng như ở mỗi địa phương tỉnh, huyện. Chính vì vậy, đề xuất chuyển đổi 48ha đất nông nghiệp của huyện Lạc Thủy cần xem xét kỹ.

Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình chủ đầu tư dự án Khu du lịnh sinh thái - tâm linh Lạc Thủy được Sở KH&ĐT tỉnh Hòa Bình cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 11/10/2016, đăng ký thay đổi lần thứ nhất ngày 20/11/2018. Ngày 18/11/2016 tức hơn 1 tháng sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, UBND tỉnh Hòa Bình ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Hòa Bình sau được đổi tên thành dự án Khu du lịch sinh thái - tâm linh Lạc Thủy.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/du-an-tam-linh-3000-ti-dong-o-hoa-binh-huyen-ngheo-lay-ruong-choi-sang-4037937-b.html