Dự án tàu ngầm mới giúp Ba Lan thách thức vị thế của Nga ở Biển Baltic

Công ty quốc phòng Hàn Quốc Hanwha Ocean mới đây đã đưa ra một đề nghị đầy tham vọng: cung cấp cho Ba Lan các tàu ngầm KSS-III Batch 2 tiên tiến như một phần trong Chương trình Orka của Warsaw. Động thái này được cho là có thể thay đổi cán cân sức mạnh hải quân ở Biển Baltic.

Theo đề xuất được công bố vào đầu tháng 4/2025, Hanwha Ocean sẽ cung cấp cho Ba Lan 3 tàu ngầm diesel-điện tiên tiến kèm theo gói bảo trì, sửa chữa và đại tu toàn diện, đầu tư vào cơ sở hạ tầng đóng tàu của Ba Lan, và một tàu cho thuê để huấn luyện thủy thủ đoàn.

Tàu ngầm đầu tiên có thể được giao trong vòng 6 năm kể từ khi ký hợp đồng. Cả 3 tàu sẽ được đưa vào biên chế trong lực lượng hải quân Ba Lan trong vòng 8 năm rưỡi.

Kế hoạch này thể hiện quyết tâm của Ba Lan trong việc hiện đại hóa đội tàu lạc hậu và củng cố vị trí chiến lược trong khu vực, trong bối cảnh căng thẳng với Nga ngày càng gia tăng.

Vì sao một nhà đóng tàu Hàn Quốc lại quyết giành hợp đồng hải quân châu Âu và điều gì làm cho KSS-III trở thành một yếu tố có thể thay đổi cục diện trên biển Baltic Ba Lan?

Mô hình tàu ngầm KSS-III Batch 2 tại triển lãm hàng hải quốc tế MADEX 2023 ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh: Naval News

Mô hình tàu ngầm KSS-III Batch 2 tại triển lãm hàng hải quốc tế MADEX 2023 ở Busan, Hàn Quốc. Ảnh: Naval News

Tàu ngầm KSS-III Batch 2: Đỉnh cao công nghệ tàu ngầm Hàn Quốc

KSS-III Batch 2, còn được gọi là lớp Dosan Ahn Changho, là đỉnh cao của công nghệ tàu ngầm Hàn Quốc. Tàu do Hanwha Ocean và HD Hyundai Heavy Industries thiết kế và chế tạo, là một phần quan trọng trong nỗ lực hiện đại hóa Hải quân Hàn Quốc.

Với lượng choán nước khi nổi khoảng 3.600 tấn và lượng choán nước khi lặn khoảng 4.000 tấn, chiều dài 89,3 mét và chiều rộng 9,6 mét, KSS-III lớn hơn so với nhiều tàu ngầm hoạt động ở Biển Baltic nhưng vẫn đủ linh hoạt cho các vùng nước nông trong khu vực.

Hệ thống động lực của tàu là một yếu tố nổi bật, kết hợp động cơ diesel-điện với động cơ sử dụng không khí độc lập (AIP). Hệ thống này kết hợp với pin lithium-ion từ Samsung SDI giúp tàu ngầm có thể lặn lâu gấp 3 lần so với phiên bản KSS-III Batch 1 trước đó và giảm tiếng ồn động cơ, tăng cường khả năng tàng hình. Đây là một lợi thế quan trọng ở Biển Baltic, nơi độ sâu trung bình chỉ khoảng 50 mét và luôn có sự hiện diện của các tài sản chống tàu ngầm, săn ngầm của đối phương, chẳng hạn như máy bay tuần tra Nga.

Vũ khí trang bị trên tàu ngầm này cũng là một điểm đáng chú ý. KSS-III Batch 2 được trang bị 6 ống phóng ngư lôi 533mm, có thể phóng các ngư lôi nặng như K761 Tiger Shark của Hàn Quốc hoặc các loại tương đương phương Tây, cũng như các tên lửa chống tàu như Harpoon của Mỹ hay Haeseong của Hàn Quốc.

KSS-III Batch 2 còn được trang bị 10 ống phóng thẳng đứng (VLS), điều hiếm thấy đối với tàu ngầm không chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể phóng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Hyunmoo-IV-4 hoặc tên lửa hành trình Chonryong. Những vũ khí này có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền và biển cách hàng trăm km, mang lại cho Ba Lan khả năng chiến lược chưa từng có trong lịch sử hải quân của nước này.

Hệ thống quản lý tác chiến trên tàu, do Hanwha Systems phát triển, tích hợp một mảng sonar hình móng ngựa từ LIG Nex1, mang lại khả năng phát hiện vượt trội trong môi trường âm học nhiều thách thức của Biển Baltic.

Các cảm biến bổ sung bao gồm sonar phát hiện mìn của Thales, hệ thống hỗ trợ điện tử radar của Indra và ăng-ten quang học Series 30 của Safran, đảm bảo nhận thức tình huống toàn diện. Mức độ tự động hóa cao giúp thủy thủ đoàn có thể rút xuống còn 33 người, mặc dù tàu vẫn đủ chỗ cho 50 người, bao gồm lực lượng đặc biệt cho các nhiệm vụ bí mật.

Hải quân Ba Lan và lực lượng tàu ngầm hiện tại

Năng lực hải quân hiện tại của Ba Lan tương đối khiêm tốn khi so với nhiều nước khác. Hải quân Ba Lan hiện chỉ sở hữu duy nhất một tàu ngầm lớp Kilo thời Liên Xô, là tàu ORP Orzeł được đưa vào biên chế từ năm 1986. Với lượng choán nước 2.450 tấn khi lặn và chiều dài 72,6 mét, tàu lớp Kilo sử dụng động lực diesel-điện và cần phải nổi lên thường xuyên để sạc lại pin.

Vũ khí trang bị của tàu ORP Orzeł bao gồm 6 ống phóng ngư lôi 533mm có thể phóng cả ngư lôi và tên lửa chống hạm, nhưng không có khả năng phóng VLS và hệ thống AIP như KSS-III. Các cảm biến lỗi thời và tiếng ồn cao khiến nó dễ bị các hệ thống chống tàu ngầm hiện đại, đặc biệt là của Hạm đội Baltic Nga, phát hiện.

Ba Lan đã loại biên 4 tàu ngầm lớp Kobben của Na Uy từ năm 2017 đến 2021 và ORP Orzeł là tàu ngầm duy nhất của nước này từ đó tới nay. Chương trình Orka, bắt đầu từ năm 2014 và được tái cấu trúc vào năm 2023, dự kiến mua 3-4 tàu ngầm mới để thay thế đội tàu cũ này, tập trung vào khả năng tàng hình, khả năng phóng tên lửa hành trình và có thể phối hợp với lực lượng NATO.

Lợi thế chiến lược và thách thức của KSS-III

Ưu điểm kỹ thuật của KSS-III mang lại lợi thế chiến lược lớn cho Ba Lan. Hệ thống AIP và pin lithium-ion cho phép nó thực hiện các cuộc tuần tra kéo dài, theo dõi các động thái hải quân của Nga ở Biển Baltic mà không bị phát hiện.

Các ống phóng VLS mang lại khả năng răn đe, cho phép tấn công các cơ sở quân sự của Nga, chẳng hạn như khu vực Kaliningrad, hoặc các tài sản hải quân khác của Moscow từ khoảng cách an toàn. Điều này đánh dấu sự chuyển mình của hải quân Ba Lan từ thế phòng thủ bị động trở thành một lực lượng nắm sức mạnh chủ động.

Với khả năng linh hoạt, tàu ngầm KSS-III có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ, bao gồm chống tàu ngầm, chống tàu mặt nước, thu thập thông tin tình báo và rải mìn, đáp ứng nhu cầu của hải quân Ba Lan về một nền tảng đa nhiệm.

Biển Baltic với những vùng nước nông và hẹp đòi hỏi các tàu ngầm có thể hoạt động bí mật và tránh bị phát hiện. KSS-III với lớp phủ âm học chống dội và động cơ ít tiếng ồn giúp tàu rất khó bị phát hiện, thậm chí so với các phiên bản mới hơn của tàu ngầm Kilo của Nga, như dự án 636.3 Varshavyanka.

Đề nghị của Hanwha Ocean không chỉ dừng lại ở việc cung cấp tàu ngầm mà còn bao gồm các giải pháp vận hành và công nghiệp cho Ba Lan. Công ty này đề xuất cho thuê một tàu ngầm lớp Jang Bogo (KSS-I) đã loại biên, là một tàu 1.200 tấn dựa trên thiết kế Type 209 của Đức, để làm nền tảng huấn luyện.

Hải quân Hàn Quốc dự kiến loại biên tàu Jang Bogo vào năm 2027. Sau đó, con tàu sẽ được cải tạo với các hệ thống chỉ huy tương thích với KSS-III, giúp thủy thủ Ba Lan có kinh nghiệm vận hành trước khi nhận tàu ngầm mới.

Giải pháp tạm thời này giúp giảm nguy cơ trì hoãn trong việc đạt được khả năng sẵn sàng chiến đấu, một thách thức thường gặp khi chuyển đổi sang các nền tảng tiên tiến.

Dù sở hữu nhiều điểm mạnh, KSS-III vẫn tồn tại không ít thách thức. Một số sĩ quan tàu ngầm Ba Lan bày tỏ lo ngại rằng lượng giãn nước 3.600 tấn của KSS-III là quá lớn so với vùng biển hẹp và nông như Biển Baltic, khiến họ nghiêng về các thiết kế nhỏ gọn hơn như Type 212CD của Đức. Việc tích hợp các hệ thống phương Tây cũng sẽ đòi hỏi sự phối hợp với các nhà sản xuất châu Âu, có thể phát sinh các rào cản liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, gây phức tạp cho quá trình xuất khẩu và vận hành.

Chi phí cao của chương trình Orka, ước tính vượt mốc 2,5 tỷ USD, có thể tạo thêm áp lực cho ngân sách quốc phòng của Ba Lan, vốn đã bị căng mỏng bởi hàng loạt cam kết mua sắm xe tăng, máy bay và khinh hạm. Trong khi đó, dù trung tâm bảo trì, sửa chữa, đại tu (MRO) do Hanwha đề xuất hứa hẹn mang lại lợi ích lâu dài, nhưng các nhà máy đóng tàu của Ba Lan lại thiếu kinh nghiệm với công nghệ tàu ngầm tiên tiến, đặt ra nghi vấn về khả năng tiếp nhận nhanh chóng kiến thức và công nghệ từ phía Hàn Quốc.

Những rào cản này tuy không phải không thể vượt qua, nhưng vẫn cho thấy rõ rủi ro của việc chọn một nền tảng ngoài châu Âu trong khu vực vốn nằm trong sự chi phối của các công ty quốc phòng Đức và Pháp.

Hoàng Phạm/VOV.VN Theo Bulgarian Military

Nguồn VOV: https://vov.vn/quan-su-quoc-phong/du-an-tau-ngam-moi-giup-ba-lan-thach-thuc-vi-the-cua-nga-o-bien-baltic-post1195892.vov