Dự án tàu ngầm tỷ đô giữa Mỹ, Anh, Australia là để đối trọng với Trung Quốc
Theo hãng Reuters, kế hoạch cung cấp tàu ngầm giữa Mỹ, Anh, Australia là bước đi lớn đối trọng với tham vọng của Trung Quốc.
Thỏa thuận Aukus là cam kết về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở
Tại họp báo ở căn cứ hải quân Mỹ tại San Diego, California ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Anh Rishi Sunak ra thông báo chung công bố kế hoạch của nhóm Aukus (gồm 3 quốc gia trên).
Theo đó, Mỹ dự định bán cho Australia 3 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp US Virginia vào đầu những năm 2030, bao gồm tùy chọn bán thêm 2 chiếc nữa. Tổng thống Biden khẳng định các tàu này sẽ chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng không được trang bị vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ cho rằng, thỏa thuận Aukus là cam kết của Washington cùng 2 đồng minh về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Sunak bày tỏ tin tưởng: “Lần đầu tiên, 3 hạm đội tàu ngầm sẽ cùng phối hợp hoạt động ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương để bảo vệ các vùng biển tự do và rộng mở trong hàng thập kỷ tới”.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Australia Albanese cho rằng thỏa thuận Aukus là khoản đầu tư đơn lẻ lớn nhất trong lịch sử của Australia nhằm nâng cao năng lực quốc phòng, củng cố an ninh quốc gia và ổn định trong khu vực.
Một quan chức quốc phòng Australia cho biết, quốc gia này sẽ chi 368 tỷ đô la Australia để mua và duy trì hoạt động của đội tàu ngầm tính tới năm 2055.
Theo nội dung thông báo, dự án này gồm nhiều giai đoạn, bao gồm việc sản xuất, vận hành lớp tàu ngầm mới có tên SSN-Aukus. Đây là tàu ngầm do “ba bên phát triển” dựa trên thiết kế thế hệ mới của Anh, công nghệ tối tân của Mỹ, được chế tạo tại Anh và Australia.
Theo thông báo của Chính phủ Anh, các tàu ngầm đầu tiên của Anh chế tạo dựa trên thiết kế này sẽ được bàn giao vào cuối những năm 2030 trong khi tàu của Australia sẽ được bàn giao vào đầu những năm 2040.
Cuối tuần trước, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, dự án Aukus sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, đặc biệt trong lĩnh vực chế tạo sản xuất, tại các vùng Nam Australia và Tây Australia. Ông Albanese kỳ vọng dự án Aukus sẽ mang lại khoản đầu tư trị giá 6 tỷ đô la Australia cho năng lực công nghiệp của quốc gia này trong 4 năm tới và tạo ra khoảng 20.000 việc làm trong 30 năm tới.
Về phần mình, Chính phủ Anh cũng cho rằng dự án Aukus sẽ giúp cải thiện tốc độ phát triển kinh tế vốn đang ở mức thấp của quốc gia này.
Còn Thủ tướng Anh Rishi Sunak kỳ vọng dự án Aukus sẽ giúp thắt chặt quan hệ giữa Anh với các đồng minh thân cận cũng như đem lại lợi ích về phát triển kinh tế, công nghệ mới cho Anh.
Đối phó với mối đe dọa tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Dự án Aukus sẽ là lần đầu tiên Washington chia sẻ công nghệ động lực hạt nhân tối mật sau khi hỗ trợ London thiết kế hạm đội tàu ngầm vào những năm 1950.
Trao đổi với Reuters, một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, dự án Aukus nhằm đối phó trước những mối đe dọa tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, không chỉ từ việc Trung Quốc gia tăng hoạt động tại Biển Đông và tập trận xung quanh đảo Đài Loan (hòn đảo Bắc Kinh coi là phần lãnh thổ chờ thống nhất) mà còn từ Nga - quốc gia tổ chức tập trận chung với Trung Quốc trong khu vực và chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.
Hãng tin Reuters dẫn lời quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, trong thỏa thuận có điều khoản triển khai tàu ngầm Anh, Mỹ tại Tây Australia để hỗ trợ huấn luyện đội ngũ thủy thủ của Australia và tăng cường chiến lược răn đe.
Mỹ và Anh sẽ bắt đầu các đợt triển khai tàu ngầm luân phiên này sớm nhất từ năm 2027.
Theo quan chức Mỹ kể trên, giai đoạn đầu của kế hoạch đã được tiến hành khi tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mang tên lửa hành trình Virginia đang ghé thăm cảng Perth, Australia. Trong vài năm tới, số lượng tàu triển khai luân phiên sẽ tăng lên tới 4 tàu ngầm Mỹ, 1 tàu Anh.
Hiện Trung Quốc chưa bình luận về thông tin trên nhưng trước đây, Bắc Kinh từng lên án dự án Aukus là hành vi phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ở giai đoạn đầu khi đột ngột hủy thỏa thuận mua tàu ngầm hạt nhân thông thường với Pháp để chuyển sang dự án Aukus, Australia cũng khiến Pháp “mất lòng”.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Australia Richard Marles, quốc gia này đã thông báo với Trung Quốc về thỏa thuận tàu ngầm nhưng ông Marles không nắm được thông tin về phản hồi từ Bắc Kinh.
Trong tuần qua, Chính phủ Australia cũng thực hiện hơn 60 cuộc gọi thông báo về thỏa thuận tới lãnh đạo các nước, bao gồm tại khu vực Thái Bình Dương, Đông Nam Á.
Cuối tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng cho biết Mỹ đã từng trao đổi với Trung Quốc về thỏa thuận Aukus. Đồng thời, ông Sullivan bác bỏ chỉ trích của Bắc Kinh về dự án Aukus cho rằng, Trung Quốc cũng đang phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.