Dự án Thủy cung Hòn Ngưu (TP. Vũng Tàu): Chưa khắc phục hết sai phạm

Sau 4 năm phải dừng thi công do sai phạm về xây dựng, Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu vừa được chấp thuận cho tiếp tục tổ chức thi công hạng mục kè biển chắn sóng và san lấp mặt bằng cho Dự án Thủy cung Vũng Tàu.

Khu du lịch cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu (TP. Vũng Tàu). Ảnh: Gia Huy

Khu du lịch cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu (TP. Vũng Tàu). Ảnh: Gia Huy

Sai phạm kéo dài 10 năm

Dự án Thủy cung Hòn Ngưu nằm trong quần thể Dự án Cụm Dịch vụ ga Cáp treo tại phường 1, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Dự án chính thức được hình thành vào năm 1999, khi UBND tỉnh có Quyết định số 7487/QĐ-UB cho phép thành lập Dự án Khu du lịch và trạm ga số 1 Vũng Tàu.

Để thực hiện Dự án, ngày 15/9/2003, Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký Hợp đồng thuê đất mặt nước số 27 HĐ/TĐ với Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu. Theo đó, diện tích đất mặt nước cho thuê là 67.415,7 m2, tại phường 1, TP. Vũng Tàu, sử dụng vào mục đích đầu tư xây dựng cáp treo Vũng Tàu. Hợp đồng nêu rõ, việc xây dựng các công trình trên khu đất mặt nước thuê phải phù hợp với mục đích sử dụng đất mặt nước.

Ngày 4/5/2007, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cấp giấy chứng nhận cho phép Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu được xây dựng dự án với 10 thành phần, trong đó Khu thủy cung Hòn Ngưu nằm trước Bạch Dinh thuộc thành phần số 8. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, trong đó vốn để xây dựng là 300 tỷ đồng, vốn khai thác công trình 300 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu, kêu gọi đầu tư 400 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 400 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2003 tới năm 2015.

Ngày 17/2/2010, chủ đầu tư khánh thành giai đoạn I, đưa hệ thống cáp treo vào hoạt động, với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng. Ngay sau đó, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng giai đoạn II. Tuy nhiên, bất cập của dự án này bắt đầu xuất hiện, khi các công trình xây dựng được chủ đầu tư xây dựng, mà không hề xin giấy phép.

Cuối năm 2013, Thanh tra tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có kết luận cho thấy, có 2 nhóm sai phạm cơ bản tại Dự án. Đó là sai phạm từ phía nhà đầu tư về công tác triển khai Dự án và sai phạm từ phía các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong công tác quản lý.

Về lĩnh vực xây dựng, nhà đầu tư đã tự động xây dựng 11 công trình không giấy phép, xây dựng 4 công trình chưa có quyết định giao đất hoặc cho thuê đất, 6 hạng mục công trình không có trong nội dung Đồ án quy hoạch khu biệt thự cao cấp Đồi Mây được duyệt. Nghiêm trọng hơn, tất cả công trình đã và đang được triển khai xây dựng sai lệch vị trí so với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt.

Về lĩnh vực đất đai, nhà đầu tư chưa thực hiện theo đúng kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; tự ý san lấp, sử dụng thêm 1.847,9 m2 đất; không nộp tiền bồi thường đất công thổ và kinh phí 20% đóng góp xây dựng khu tái định cư; không chi trả tiền bồi thường cho 4 hộ dân.

Kết luận cũng cho rằng, việc chấp hành không nghiêm các quy định về đất đai và xây dựng của nhà đầu tư thuộc Dự án Cụm du lịch Núi Lớn, Núi Nhỏ và cáp treo Vũng Tàu kéo dài trong 10 năm là có sự buông lỏng trong quản lý, cũng như trong công tác tham mưu của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp.

Tự vẽ ra dự án 23 tầng

Cao trào của sai phạm để Dự án phải dừng thi công 4 năm là giữa năm 2018, Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu đã tự vẽ ra dự án khu A gồm một khách sạn 5 sao 22 tầng, nhà dịch vụ - nhà hàng, đường nội bộ - bãi xe và cây xanh, bến tàu, khu thể thao biển, tượng nghệ thuật và các công trình phụ trợ khác; khu B là nhà thủy cung, khu thể thao biển - bãi tắm, khu hồ tắm nhân tạo, bãi xe, cây xanh..., với tổng mức đầu tư 50 triệu USD, trên diện tích hơn 6,7 ha mà doanh nghiệp này đã thuê đất mặt nước của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Để thực hiện dự án này, chủ đầu tư đã xin UBND tỉnh được đánh giá tác động môi trường Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu. Tại Báo cáo đánh giá tác động môi trường (được doanh nghiệp công bố tháng 9/2018 do Công ty TNHH KTAT&MT Phúc An là đơn vị tư vấn), mục 1.3.5. hiện trạng quản lý và sử dụng đất trên diện tích đất của Dự án có nêu đánh giá một phần Dự án Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu (khu A) đã được san lấp; Nhà ga số 1 đã được đưa vào hoạt động, nhà dịch vụ 23 tầng và khu thủy cung chưa xây dựng.

Hợp đồng thuê đất mặt nước số 27 HĐ/TĐ giữa Sở Tài nguyên và Môi trường Bà Rịa - Vũng Tàu và Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu nêu rõ, thời hạn thuê đất mặt nước là 50 năm tính từ ngày 31/7/2023. Giá cho thuê đất mặt nước là 203 đồng/m2. Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu sẽ thanh toán một lần cho cả thời gian thuê đất mặt nước.

Tại tất cả các phần trong bản đánh giá tác động môi trường, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đều dùng chữ nhà dịch vụ cáp treo 23 tầng. Tuy nhiên, trong Quyết định Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 Cụm dịch vụ ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu do UBND tỉnh cấp số 1471/QĐ-UBND ký ngày 6/6/2018, trong phần 3, phân khu chức năng và tổ chức cảnh quan, UBND tỉnh chỉ cho phép chủ đầu tư xây dựng 2 phân khu A, B và cả 2 phân khu này đều không có nhắc tới việc cho phép doanh nghiệp xây dựng dự án nào 23 tầng.

Ngoài ra, một điểm đáng chú ý ở bản đánh giá tác động môi trường này là toàn bộ phần đánh giá các tác động môi trường của Dự án không đánh giá tác động tới dòng nước vì Dự án san lấp lấn biển với diện tích gần 7 ha; các đánh giá chủ yếu xoay quanh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn, nước thải…

Tới ngày 11/1/2019, UBND tỉnh có Quyết định số 62/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Cụm du lịch ga cáp treo và thủy cung Hòn Ngưu được lập bởi Công ty cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu. Trong quyết định này, chủ đầu tư được xây dựng khu du lịch với tổng diện tích khoảng 69.268 m2, bao gồm các hạng mục công trình theo Quyết định 1471/QĐ-UBND.

Nghĩa là tại khu A, doanh nghiệp chỉ được xây dựng khu nhà ga, dịch vụ gồm khối nhà ga số 1, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, đường nội bộ, bãi xe và cây xanh, bến tàu, khu thể thao biển, tượng đài nghệ thuật và các công trình phụ trợ khác. Khu B là khu thủy cung, gồm nhà thủy cung, thể thao biển - bãi tắm, khu hồ tắm nhân tạo, chòi cứu hộ, bãi xe, cây xanh.

Tuy nhiên, tháng 9/2019, chủ đầu tư đã tiến hành san lấp mặt biển rộng hàng ngàn m2. Ngoài ra, dù không được phép xây dựng biệt thự, nhưng doanh nghiệp vẫn san lấp 2 khu đất tại đỉnh núi Lớn và xây dựng hàng chục căn biệt thự tại đây. Chủ đầu tư cũng chủ động công bố sẽ xây dựng dự án cao ốc cao 23 tầng tại chính diện tích mặt nước biển đang san lấp.

Ngay sau khi phát hiện những sai phạm trên của chủ đầu tư, UBND tỉnh đã quyết định đình chỉ Dự án để xem xét lại toàn bộ Dự án.

Ngày 28/5/2024, ông Lê Ngọc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đã có văn bản chấp thuận cho Công ty cổ phần Du lịch cáp treo Vũng Tàu tiếp tục tổ chức thi công hạng mục kè biển chắn sóng và san lấp mặt bằng cho Dự án thủy cung Vũng Tàu. Việc cấp phép thi công dự án cao ốc 23 tầng vẫn chưa được phía lãnh đạo tỉnh đồng ý tiếp tục cho xây dựng.

Gia Huy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/du-an-thuy-cung-hon-nguu-tp-vung-tau-chua-khac-phuc-het-sai-pham-d217198.html