Dự án tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate ngày càng đi vào bế tắc
Tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate thuộc thế hệ thứ năm của Nga có thể sẽ không bao giờ cất cánh.

"Tiêm kích tàng hình Su-75 Checkmate của Nga, chính thức được giới thiệu vào năm 2021 để cạnh tranh với F-35 Lightning II và F-22 Raptor của Mỹ, có thể sẽ không bao giờ cất cánh".

Tuyên bố trên được nhà báo người Mỹ Caleb Larsen đưa ra trong một bài phân tích đăng trên ấn phẩm 19FortyFive (1945) vào ngày 9/4/2025 và thu hút sự quan tâm lớn từ giới chuyên môn.

Ông Larsen nói rõ, dự án Checkmate đang phải đối mặt với những rào cản không thể vượt qua do lệnh trừng phạt của phương Tây, sự thay đổi trong ưu tiên quân sự của Nga và thiếu quan tâm từ khách hàng tiềm năng nước ngoài.

Theo nhà phân tích, tiêm kích tàng hình hạng nhẹ Su-75 vẫn chỉ là mô hình trình diễn, chưa có mẫu thử nghiệm nào dù chỉ là trên mặt đất, điều này khiến tương lai của chiếc chiến đấu cơ ngày càng trở nên mờ mịt.

Su-75 được ra mắt tại Triển lãm hàng không quốc tế MAKS 2021 như một lựa chọn giá rẻ nhằm thay thế máy bay chiến đấu phương Tây, đối tượng nhắm đến là những quốc gia có ngân sách quốc phòng hạn chế, hoặc đang phải chịu các lệnh cấm vận của phương Tây.

Chiếc chiến đấu cơ này được ứng dụng công nghệ tán xạ sóng radar, tích hợp hệ thống điện tử hàng không hiện đại, có khả năng thực hiện cả nhiệm vụ không đối không và không đối đất, Checkmate được kỳ vọng tạo ra bước đột phá cho ngành hàng không quân sự Nga.

Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của Su-75 được lên kế hoạch diễn ra vào năm 2023, nhưng dự định này đã phá sản. Thay vào đó, đại diện Tập đoàn Sukhoi chỉ đưa ra những tuyên bố mơ hồ và thời hạn liên tục bị lùi lại, làm dấy lên câu hỏi về tính khả thi của dự án.

Giới truyền thông nhận thấy thay vì đầu tư vào các dự án hàng không tốn kém, Bộ Quốc phòng Nga đã chuyển hướng nguồn lực vào việc sản xuất vũ khí pháo binh, máy bay không người lái và tên lửa nhằm đáp ứng yêu cầu từ chiến trường.

Áp lực kinh tế cũng gây tác động nhất định khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cắt đứt quyền tiếp cận của Nga với những thành phần quan trọng như chất bán dẫn và máy công cụ công nghệ cao - rất cần thiết để chế tạo máy bay chiến đấu hiện đại.

Vấn đề càng trầm trọng hơn do khách hàng tiềm năng đã giảm mạnh sự quan tâm, các quốc gia có khả năng mua máy bay chiến đấu tiên tiến đang lựa chọn những phương tiện đã chứng minh được sự ưu việt như F-35, thay vì đặt niềm tin vào chiếc máy bay mô hình của Nga.

Không chỉ có vậy, những đối tác quốc phòng truyền thống của Nga, bao gồm cả Ấn Độ và Algeria đều bày tỏ sự nghi ngờ về độ tin cậy của Su-75 do tình trạng chưa hoàn thiện của nó và đang cân nhắc lựa chọn F-35 của Mỹ hay J-35 do Trung Quốc chế tạo.

Nhà báo Larsen nhấn mạnh một lần nữa về việc những thách thức kỹ thuật liên quan đến công nghệ tàng hình và cả khó khăn về tài chính đã thực sự khiến dự án Checkmate đối diện nguy cơ đóng cửa.

Trường hợp điển hình được nhắc tới là vào tháng 1/2025, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - quốc gia trước đây tài trợ cho việc phát triển Su-75 đã phải rút khỏi dự án này và chuyển sang mua F-35 của Mỹ.

Tình hình đối với Su-75 Checkmate thậm chí còn có thể lặp lại với chiếc tiêm kích đánh chặn mang đầy kỳ vọng của Nga là MiG-41, khi máy bay thậm chí chưa có mô hình trình diễn.