Dự án tuyến đường số 1 TP Trà Vinh: Chính quyền và người dân đều 'mắc kẹt'
Dự án tuyến số 1 đường nội ô ở TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đã thi công hoàn thành, nghiệm thu và đưa vào sử dụng từ năm 2018 nhưng đến nay doanh nghiệp không được thanh lý hợp đồng. Còn người dân sau 13 năm bị thu hồi đất nhưng đến nay chưa được bố trí tái định cư…
Cần làm rõ dấu hiệu dàn xếp, thông thầu
Năm 2006, UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt chủ trương xây dựng tuyến số 1 đường nội ô TP Trà Vinh. Đến tháng 4/2009, dự án được triển khai thi công nhưng 5 tháng sau phải tạm dừng vì bị thanh tra.
Theo thiết kế ban đầu, tuyến số 1 có chiều dài 2.200m, chiều rộng 19,5m với tổng mức đầu tư hơn 141,6 tỷ đồng do Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất dự án phải thu hồi là 280.300m2, liên quan đến 253 hộ gia đình và 3 tổ chức. Trong số các hộ dân bị thu hồi đất, có 20 cán bộ công chức, trong đó 8 cán bộ của Sở Giao thông vận tải, với tổng diện tích lên đến 40.754 m2. Chủ đầu tư sau đó điều chỉnh, mở rộng lên thành 26m và bổ sung dự toán thêm gần 14,8 tỷ đồng, nâng tổng mức đầu tư dự án lên 160 tỷ đồng. Tuy nhiên, tờ trình của Sở Giao thông vận tải gửi UBND tỉnh Trà Vinh phê duyệt thì đoạn đường này lại dài đến 2.900m và thực tế xây dựng dự án là 3.010,47m. Chủ đầu tư tự ý thay đổi vị trí và quy mô dự án so với chủ trương của tỉnh. Tuyến đường bị “nắn” sang một vị trí khác, khiến nhiều hộ dân bức xúc nên dự án phải dừng lại. Thời điểm đó, Tỉnh ủy Trà Vinh đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra dự án, sau đó phát hiện nhiều sai phạm.
Theo kết luận thanh tra, dự án sai phạm ngay từ khâu lập dự án và trong quá trình thực hiện lại phạm rất nhiều sai sót. Trong những sai phạm này, có dấu hiệu thiếu trách nhiệm và cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, còn có dấu hiệu thông đồng, dàn xếp thầu giữa tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu; chủ đầu tư và các nhà thầu với mục đích tư lợi cá nhân, không đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu. Tổ chuyên gia giúp việc có nhiều sai phạm như: tự ý hiệu chỉnh giá dự thầu của nhà thầu, chấp nhận cho nhà thầu không đủ năng lực, kỹ thuật, không đủ tư cách hợp lệ trúng thầu.
Kết luận thanh tra nêu rõ, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Trà Vinh có dấu hiệu cố ý làm trái, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và gây thất thoát ngân sách, tạo dư luận xấu trong xã hội. Ông Sơn có dấu hiệu tư lợi cá nhân, khi cố tình thực hiện dự án với vị trí, quy mô trái chủ trương, sai quy hoạch. Ông Sơn có 7.340m2 đất nằm trên tuyến đường đang thi công.
Còn ông Nguyễn Trung Hoàng, Giám đốc Ban quản lý các dự án giao thông là đại diện chủ đầu tư - thành viên tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu, không làm hết trách nhiệm, để xảy ra nhiều sai phạm, như: dự án sai chủ trương, sai quy hoạch, sai trình tự thủ tục, sai phạm trong quá trình xét thầu.
Ông Trần Minh Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông - thành viên tổ chuyên gia giúp việc, thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu tư lợi cá nhân khi thực hiện dự án với vị trí, quy mô trái chủ trương và sai quy hoạch.Ông Hiếu có 761m2 đất và thân nhân có 774m2 đất nằm trên tuyến đường đang triển khai. Thanh tra tỉnh Trà Vinh đã kiến nghị chuyển hồ sơ sai phạm của dự án sang cơ quan điều tra để làm rõ sai phạm và dấu hiệu lợi ích nhóm nêu trên.
Thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh cũng đã đề nghị UBND tỉnh giải trình về các vướng mắc, sai phạm tại dự án tuyến số 1, trong đó làm rõ nguồn gốc số tiền 42 tỷ đồng đã quyết toán cho giai đoạn 1. Theo Thanh tra tỉnh Trà Vinh, số tiền trên là tạm ứng từ ngân sách nhà nước và đến nay hơn 10 năm vẫn còn “treo” tạm ứng, chưa thể quyết toán.
Nhiều vướng mắc, sai phạm
Theo Thanh tra tỉnh Trà Vinh, sau khi bị thanh tra, dự án tuyến số 1 bị ngưng trệ nhiều năm và tỉnh cho chủ trương kết thúc giai đoạn 1. Đến năm 2015, dự án mới tái khởi động trở lại và tiếp tục mời thầu giai đoạn 2. Thời điểm này, nguồn ngân sách tỉnh còn khó khăn nên cho chủ trương lập lại dự án mời gọi đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Theo đó, chủ đầu tư dùng quỹ đất tạo vốn, mở rộng phạm vi thu hồi đất mỗi bên nền đường 30m.
Ngày 6/2/2017, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Trà Vinh (đại diện theo ủy quyền của UBND tỉnh Trà Vinh ký kết và thực hiện hợp đồng BT) ký hợp đồng với DNTN Bình An. Sau khi công trình xây dựng hoàn thành, nhà đầu tư này sẽ được nhận 34.420m hợp đồng xây dựng - chuyển giao quỹ đất 2 bên của tuyến số 1 đã được nhà nước thu hồi, giải phóng mặt bằng để phân lô bán nền, thu hồi vốn. Hợp đồng BT chính thức có hiệu lực pháp luật từ ngày 10/2/2017. DNTN Bình An thi công láng nhựa 3 lớp, tiêu chuẩn 4,5kg/m2 tổng giá trị thực hiện hợp đồng hơn 88 tỷ đồng, hoàn thành tháng 8/2018; được nghiệm thu từ cuối năm 2018.
Tuy nhiên, đây là dự án BT đầu tiên của tỉnh nên việc tham mưu, đề xuất thực hiện hợp đồng chưa chặt chẽ, chưa đúng quy định pháp luật. Việc này ảnh hưởng đến người dân là không thể giao đất tái định cư và nhà đầu tư không được thanh toán quỹ đất như cam kết.
Theo lãnh đạo UBND TP Trà Vinh, phần lớn các hộ dân bị ảnh hưởng, thu hồi đất dự án tuyến số 1 đều đã đóng tiền tái định cư từ năm 2009 nhưng đến nay cơ quan chức năng chưa thể bàn giao đất. Ông Nguyễn Hùng (ngụ phường 9, TP Trà Vinh) cho biết gia đình ông có gần 1.400m2 đất. Khi dự án được triển khai, diện tích đất của gia đình ông bị thu hồi gần hết và chỉ còn lại 100m2 đất. “Từ đó đến nay đã hơn 10 năm nhưng không thấy chính quyền giao đất tái định cư. Tôi nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa có kết quả”, ông Hùng nói.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, nhìn nhận do năng lực cán bộ hạn chế nên đã xảy ra sai sót trong tham mưu, đề xuất thực hiện hợp đồng ở giai đoạn 2. Một số cán bộ, công chức liên quan đến sai phạm tại dự án tuyến đường số 1 (giai đoạn 1) đã bị kỷ luật, kiểm điểm. Dự án khi đó phải dừng lại, sau đó tỉnh Trà Vinh mới lập lại dự án mới, triển khai giai đoạn 2 nhưng quy mô giảm xuống. Tuy nhiên, khi dự án làm xong, đến nay tỉnh lại không thể thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất như thỏa thuận theo hợp đồng. Theo lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, nhà đầu tư cũng rất nóng lòng vì đã bỏ tiền ra làm nên tỉnh tạm ứng 71 tỷ đồng để doanh nghiệp giải quyết khó khăn.
Mới đây, DNTN Bình An có văn bản đề nghị trả lại 71 tỷ đồng đã tạm ứng của Trung tâm Phát triển Quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Trà Vinh. Lý do sau khi thi công hoàn thành dự án nhưng không thể giao 34.420m2 đất cho doanh nghiệp nên UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo chi tạm ứng số tiền trên để giải quyết khó khăn. Tuy nhiên, nhà đầu tư này cho rằng, hợp đồng BT đã được ký kết, có hiệu lực pháp luật thì phải thực hiện theo đúng cam kết hợp đồng là nhận đất chứ không thay thế bằng tiền.
Thanh tra Chính phủ vào cuộc
Đầu năm 2022, Cục Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nhận được thông tin phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật phòng, lợi ích nhóm liên quan đến thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, trong đó có dự án tuyến số 1. Cục Phòng, chống tham nhũng đề nghị UBND tỉnh Trà Vinh cung cấp các văn bản, tài liệu. Cụ thể: chủ trương, việc tổ chức thực hiện Dự án tuyến đường số 1; kết luận thanh tra; việc xử lý sau thanh tra (nếu có). Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã yêu cầu cơ quan Thanh tra rà soát và cung cấp hồ sơ và tài liệu liên quan đến dự án tuyến đường số 1 (TP Trà Vinh), kể từ khi triển khai dự án cho đến nay gửi Cục Phòng, chống tham nhũng.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh đang tập trung xử lý các vấn đề liên quan đến tuyến đường số 1, bởi dự án được triển khai đến nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hỗ trợ Trà Vinh xử lý vấn đề liên quan đến tuyến đường số 1. Ngoài việc mong muốn các bộ ngành trung ương hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với dự án tuyến đường số 1, lãnh đạo UBND tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc thanh tra toàn bộ dự án để có kết luận và thực hiện giải quyết dứt điểm vụ việc.