Dự án Vành đai 3 vẫn 'khát' cát, TP.HCM nỗ lực tìm giải pháp

TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn cung cấp vật liệu trên thị trường để đảm bảo tiến độ dự án vành đai 3.

UBND TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo về việc khai thác, cung ứng cát cho các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực phía Nam, trong đó có dự án vành đai 3.

Tìm nguồn cát bằng nhiều giải pháp

Nhằm đảm bảo dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM hoàn thành đúng tiến độ, UBND TP.HCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) yêu cầu các nhà thầu trúng đấu giá, đã được giao mỏ vật liệu khẩn trương lập và nộp các hồ sơ để UBND các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long cấp phép khai thác cho các mỏ cát đủ điều kiện khai thác.

UBND TP.HCM cũng yêu cầu Ban giao thông tổ chức giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các nhà thầu, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những nhà thầu không đảm bảo tiến độ thi công.

 Dự án vành đai 3 TP.HCM dài 47km. Ảnh: ĐT

Dự án vành đai 3 TP.HCM dài 47km. Ảnh: ĐT

Đồng thời, Ban này phải chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu chủ động phối hợp với các địa phương rà soát, tìm kiếm thêm nguồn từ các mỏ và triển khai các thủ tục để bổ sung nguồn, công suất khai thác đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của dự án. Yêu cầu nhà thầu tích cực triển khai tìm kiếm các nguồn cung cấp vật liệu có sẵn trên thị trường.

"Nghiên cứu hướng dẫn của các bộ về sử dụng cát nhiễm mặn làm vật liệu đắp nền đường; về sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp phục vụ các công trình giao thông để chủ động sử dụng nguồn cát biển, giảm áp lực cho nguồn cát sông", UBND TP.HCM yêu cầu.

Đẩy mạnh nhập khẩu cát

Theo báo cáo mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, hiện TP.HCM đang đẩy nhanh thi công dự án để đảm bảo tiến độ đã đề ra, tuy nhiên, dự án vẫn đang gặp khó do thiếu hụt, khan hiếm nguồn vật liệu cát san lấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ.

Theo Sở này, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp nền đường của DATP1 (vành đai 3) là khoảng 6,6 triệu m3 (đoạn trên địa bàn TP Thủ Đức là 1,5 triệu m3; đoạn trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh là 5,1 triệu m3); nhu cầu cát cho công tác xử lý đất yếu khoảng 4,2 triệu m3.

Tổng khối lượng cát đã huy động về công trường mới chỉ 1,55 triệu m3 (từ nguồn cát thương mại trong nước là 1,15 triệu m3, nguồn cát nhập khẩu là 0,35 triệu m3 và nguồn cát từ mỏ của tỉnh Vĩnh Long 50.000 m3). Khối lượng cát còn lại tiếp tục phải huy động cho dự án là 5,05 triệu m3, năm 2025 cần huy động là 4,7 triệu m3 và năm 2026 cần 0,35 triệu m3.

 Vành đai 3 qua TP Thủ Đức dự kiến hoàn thành cuối năm nay.

Vành đai 3 qua TP Thủ Đức dự kiến hoàn thành cuối năm nay.

Trước thực trạng đó, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long đã cam kết cấp phép 13 mỏ cát với tổng khối lượng 10 triệu m3. Cụ thể, tỉnh Tiền Giang có 7 mỏ với khối lượng 6,6 triệu m3; tỉnh Vĩnh Long có 3 mỏ với khối lượng 1,4 triệu m3 và tỉnh Bến Tre có 3 mỏ với tổng khối lượng 2 triệu m3.

"Tuy nhiên, đến nay các tỉnh chỉ mới cấp phép được 6/13 mỏ, tổng trữ lượng đạt 3,35 triệu m3, tiến độ cấp phép các mỏ cát còn chậm, chưa đáp ứng theo kế hoạch đã cam kết. Dự kiến trong tháng 2 sẽ hoàn thành cấp phép cho 13/13 mỏ", Sở GTVT TP.HCM thông tin.

Theo Sở GTVT TP.HCM, với công suất khai thác cho phép tối đa, các mỏ sẽ cấp cho dự án khối lượng khoảng 2,5 triệu m3 so với nhu cầu 4,7 triệu m3 của năm 2025 thì còn thiếu khoảng 2,2 triệu m3. Trường hợp, nếu các địa phương thống nhất tăng công suất khai thác lên tối đa 50% cho 13 mỏ thì khối lượng cấp cho dự án đạt 3,75 triệu m3, còn thiếu khoảng 0,95 triệu m3 so với nhu cầu năm 2025.

Trong năm 2025, nguồn cát huy động cho dự án vành đai 3 chủ yếu từ 3 tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, phần lớn khối lượng cát còn thiếu các nhà thầu chủ động huy động bổ sung nguồn cát nhập khẩu từ Campuchia và nguồn cát thương mại trong nước (hiện rất khan hiếm).

NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/du-an-vanh-dai-3-van-khat-cat-tphcm-no-luc-tim-giai-phap-post835013.html