Dự báo chiến lược lãi suất và tỷ giá những tháng đầu năm 2025

Sự yên bình ngắn ngủi vào cuối tháng 1 sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump cuối cùng đã bị phá vỡ vào đầu tháng 2 bởi những lời đe dọa mới về thuế quan trừng phạt đối với Canada, Mexico và Trung Quốc. Mặc dù tại thời điểm hiện tại, Canada và Mexico dường như đã giành được một tháng trì hoãn thuế quan quý giá, nhưng mức thuế 10% đối với Trung Quốc vẫn có khả năng được thực thi và Trung Quốc đã tuyên bố các biện pháp trả đũa.

Mối đe dọa thuế quan leo thang

Những điều chỉnh thuế quan có tính rủi ro cao của Tổng thống Trump, kết hợp với các cuộc đàm phán vào phút chót với các đối tác thương mại của Hoa Kỳ sẽ trở thành "bình thường mới". Thị trường tài chính có thể đang chủ quan khi chưa nhìn nhận đầy đủ các tác động vĩ mô của các mối đe dọa thuế quan và chưa định giá đầy đủ một "Mức phí bảo hiểm rủi ro thuế quan" thích hợp. Trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát của Hoa Kỳ tăng trở lại, đồng đôla Mỹ là đối tượng hưởng lợi chính của "Mức phí bảo hiểm rủi ro thuế quan" này. Dự báo chỉ số USD (DXY) sẽ tăng lên đến 112,6 vào quý II/2025.

Thị trường tài chính trải qua giai đoạn biến động mạnh kể từ đầu tháng 2. Tổng thống Hoa Kỳ Trump ban đầu đe dọa sẽ áp dụng mức thuế thương mại trừng phạt 25% đối với Canada và Mexico ngay lập tức (với mức thuế nhập khẩu năng lượng từ Canada được áp dụng ở "mức ưu đãi" là 10%), nhưng sau đó lại đồng ý hoãn thực hiện trong một tháng để chờ đàm phán thêm với cả hai nước. Nếu được thực hiện đầy đủ, cả hai mức thuế đối với Canada và Mexico sẽ gây tác động tiêu cực đáng kể đến nền kinh tế của hai quốc gia này. Theo uớc tính chung, nền kinh tế của cả Canada và Mexico nhiều khả năng sẽ rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của các biện pháp thuế quan này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Đối với Trung Quốc, tại thời điểm viết báo cáo này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dường như đáp trả bằng các mức thuế trả đũa đối với than, khí tự nhiên hóa lỏng, dầu thô và các hàng hóa khác có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã công bố lệnh hạn chế xuất khẩu đối với nhiều kim loại hiếm. Điều này diễn ra sau khi Hoa Kỳ ra hiệu rằng họ sẽ tiến hành áp dụng mức thuế toàn diện 10% đối với hàng hóa Trung Quốc vào Hoa Kỳ. Điều quan trọng cần lưu ý là Canada và Mexico chiếm đến 41% tổng giá trị nhập khẩu của Hoa Kỳ. Trong lĩnh vực năng lượng, 2 quốc gia này cung cấp tới 75% lượng dầu thô nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Theo ước tính chung, với kịch bản cơ sở, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể chịu tác động giảm 1% GDP cùng với mức tăng 0,5% trong lạm phát.

Trong thời gian tới, các thị trường tài chính và nhà đầu tư toàn cầu sẽ phải thích nghi với nguy cơ thuế quan liên tục và các cuộc đàm phán căng thẳng đến phút chót trong những tháng sắp tới. Sự bất định này cùng với những biến động mạnh trong ngày, có thể trở thành trạng thái "bình thường mới". Điều này đặt ra câu hỏi liệu thị trường tài chính đã phản ánh đầy đủ rủi ro thuế quan đang diễn ra thông qua một "Mức phí bảo hiểm rủi ro thuế quan" hay chưa.

Hệ quả tức thì của mức "Mức phí bảo hiểm rủi ro thuế quan" ngày càng tăng này là sự gia tăng kỳ vọng lạm phát tại Mỹ. Do đó, thị trường hợp đồng tương lai lãi suất Fed (Fed Fund Futures) đã bắt đầu điều chỉnh giảm kỳ vọng về các đợt cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, trong khi nhiều quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hiện đang nhấn mạnh quan điểm thận trọng "chờ đợi và theo dõi" ở thời điểm hiện tại.

Trong kịch bản bi quan, rủi ro là DXY có thể vọt lên 115 và USD/CNY có thể tăng lên 8,0. Sẽ không phải là một quyết định khôn ngoan nếu chống lại xu hướng mạnh lên của đồng USD, ít nhất cho đến cuối năm nay, khi chúng ta có thể đánh giá rõ hơn phạm vi và tác động của các biện pháp thuế quan đối với nền kinh tế Mỹ.

USD sẽ mạnh lên

Đồng USD đã giảm lần đầu tiên sau 4 tháng vào tháng 1, khi Tổng thống Trump không ngay lập tức áp thuế sau khi nhậm chức vào ngày 20/01. Trước đó, thị trường đẩy mạnh mua vào USD với kỳ vọng ông Trump sẽ thực hiện các biện pháp thuế quan ngay từ ngày đầu tiên đối với các đối tác thương mại quan trọng như Canada, Mexico và Trung Quốc. Do đó, khi không có động thái tức thì, một số nhà đầu tư đã chốt lời khiến chỉ số USD (DXY) - vốn đã đạt mức cao nhất trong 2 năm vào đầu tháng 1 - điều chỉnh nhẹ.

Hiện thị trường tài chính trải qua giai đoạn biến động mạnh

Hiện thị trường tài chính trải qua giai đoạn biến động mạnh

Tuy nhiên, sự bình ổn ngắn ngủi trên thị trường tài chính nhanh chóng bị phá vỡ khi Tổng thống Trump ký phê duyệt đợt thuế quan đầu tiên trong nhiệm kỳ mới vào ngày 01/02, áp dụng với Mexico, Canada và Trung Quốc, trước khi đồng ý hoãn thuế đối với Mexico và Canada thêm một tháng. Tại thời điểm hiện tại, có vẻ như các biện pháp thuế bổ sung đối với Trung Quốc sẽ vẫn được triển khai, và Trung Quốc cũng đang chuẩn bị đáp trả tương ứng. Câu hỏi đặt ra là: Chúng ta sẽ điều hướng qua cuộc chiến thuế quan đầy biến động này như thế nào? Liệu đồng USD có tiếp tục tăng sau khi đã ổn định vào tháng 1?

Hầu hết các đồng tiền Châu Á đã có một khởi đầu tích cực trong năm 2025, khi các biện pháp thuế quan ngay từ ngày đầu nhậm chức của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc - vốn bị lo ngại từ trước - đã không xảy ra. Ngay cả khi ông Trump cuối cùng công bố mức thuế 10% đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày 01/02, phản ứng ôn hòa của Trung Quốc so với Canada và Mexico cho thấy tuyến đầu của cuộc chiến thương mại mới có thể với các nước láng giềng của Mỹ, một điểm khác biệt quan trọng so với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung năm 2018. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu tác động lan tỏa đối với CNY và các đồng tiền Châu Á có giảm đi không? Hay vẫn còn khả năng leo thang thuế quan đối với Trung Quốc?

Mặc dù Tổng thống Trump mới chỉ áp mức thuế khiêm tốn 10% lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, rủi ro gia tăng thuế quan trong tương lai vẫn rất cao. Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) công bố vào ngày 24/01 rằng họ đang xem xét lại Thỏa thuận Kinh tế và Thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc để đánh giá liệu Trung Quốc có tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hay không. Đây có thể là bước đệm để đưa ra khuyến nghị về thuế đối với Tổng thống.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent được cho là đang thúc đẩy việc áp mức thuế nhập khẩu phổ quát, khởi điểm 2,5% và tăng dần theo thời gian trong khi ứng viên Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cũng là một người ủng hộ mạnh mẽ việc tăng thuế nhập khẩu. Đặc biệt, có lo ngại rằng Mỹ có thể thu hồi quy chế "tối huệ quốc" (MFN) của Trung Quốc.

"Dù vậy, phản ứng của Trung Quốc cho đến nay vẫn khá kiềm chế. Việc Tổng thống Trump triển khai một cuộc chiến thuế quan kéo dài trên nhiều mặt trận có thể khiến tác động lan tỏa ngay lập tức lên CNY và các đồng tiền Châu Á trở nên nhẹ nhàng hơn. Mặc dù chúng tôi dự báo sẽ có thêm các đợt thuế quan mới đối với Trung Quốc sau khi cuộc điều tra của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) hoàn tất, kịch bản bi quan với mức thuế 60% có khả năng chưa xảy ra ở thời điểm này. Do đó, chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc ở mức 4,3% cho năm 2025, với giả định thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng từ 10% lên 25% theo kịch bản cơ sở. Ngoài ra, một gói kích thích kinh tế đáng kể từ Trung Quốc trong năm nay cũng có thể giúp giảm bớt tác động suy giảm và hạn chế mức độ điều chỉnh của CNY", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho hay.

Triển vọng USD/VND trước những bất định

VND đã có một khoảng thời gian tạm lắng trong tháng 1 khi Tổng thống Trump không áp dụng thuế ngay từ ngày đầu tiên đối với Trung Quốc. Điều này khiến USD/VND rút khỏi mức cao kỷ lục gần 25.500, giảm xuống khoảng 25.100 trong suốt tháng 1. Thế nhưng sự bình ổn này nhanh chóng bị phá vỡ sau khi Trump công bố thuế đối với Mexico, Canada và Trung Quốc vào đầu tháng 2, khiến USD/VND tăng trở lại lên khoảng 25.300. Với lập trường thận trọng hơn của Fed về việc cắt giảm lãi suất trong năm 2025, cùng với những bất ổn từ thuế quan và Trung Quốc, USD/VND có khả năng duy trì xu hướng tăng.

Nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng

Thị trường vàng đang chứng kiến những diễn biến đáng chú ý. Kể từ đầu năm, lượng vàng vật chất được giao vào COMEX đã tăng đột biến, cùng với mức tăng mạnh trong kho dự trữ vàng vật chất tại sàn giao dịch này. Đồng thời, mức chênh lệch giá giữa hợp đồng tương lai vàng tháng gần nhất và giá vàng LBMA so với giá giao ngay cũng đang nới rộng. Các báo cáo trong ngành cũng chỉ ra rằng lượng vàng vật chất được vận chuyển từ London, Châu Âu và nhiều khu vực khác ở Châu Á đến New York đang gia tăng. Tổng hợp những yếu tố này có thể thấy, nhu cầu vàng vật chất tại Mỹ đang tăng lên đáng kể trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Mỹ và các đối tác lớn ngày càng leo thang. Những tín hiệu mới nhất về nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng đối với vàng càng củng cố triển vọng tích cực; đồng thời duy trì dự báo giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce vào cuối năm 2025.

VĂN TOÀN - TRÚC GIANG

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/thi-truong/tai-chinh-chung-khoan/du-bao-chien-luoc-lai-suat-va-ty-gia-nhung-thang-dau-nam-2025_173811.html