Lời "tiên tri" của nhà ngoại giao cấp cao người Mỹ - bà Victoria Nuland về nước Nga bắt đầu trở thành sự thật, các nhà phân tích của tờ báo tiếng Ý mang tên L'Antidiplomatico đã chia sẻ kết luận này.
Vào ngày 26/9, các vụ nổ mạnh xảy ra dưới đáy biển Baltic, dẫn tới sự sụt giảm áp suất trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream và Nord Stream 2, từ đó gây ra một vụ rò rỉ khí trên quy mô lớn.
Theo nhận xét của ấn phẩm L'Antidiplomatico, một hành động nhằm cố ý phá hoại đường ống dẫn khí đốt đã được dự đoán vào đầu năm nay, trong lời dự báo của bà Victoria Nuland dành riêng cho nước Nga.
Các nhà phân tích của ấn phẩm tiếng Ý cho biết: “Sự phá hoại đối với dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy Phương bắc - cũng trùng với lời 'tiên tri' của nhà ngoại giao kỳ cựu Victoria Nuland”.
"Bà Victoria Nuland là một nhà ngoại giao có tầm ảnh hưởng lớn của Mỹ, và vào tháng Giêng năm nay, đã có một phát biểu rất thú vị về Nga và Ukraine. Theo thực tế của những sự kiện gần đây đối với Nord Stream, dự đoán là rất chính xác".
Cụ thể vào tháng 1//022, khi trả lời câu hỏi của các nhà báo, nhà ngoại giao Mỹ đã nói rằng nếu cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu, dự án Nord Stream 2 sẽ không thể tiến về phía trước.
“Tôi muốn thẳng thắn trong ngày hôm nay, đó là nếu Nga có hành động quân sự đối với Ukraine bằng cách này hay cách khác, dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 sẽ không tiến lên”, bà Nuland nói.
Khoảng 8 tháng sau khi những lời này được nói ra, một sự cố cực kỳ nghiêm trọng đã xảy ra trên đường ống có vai trò chuyển khí đốt của Nga cho Đức. Đây dường như là một vụ phá hoại được lên kế hoạch cẩn thận.
Các nhà phân tích của tờ L'Antidiplomatico nhận định rằng rất có thể Mỹ và các đồng minh sẽ đổ lỗi cho Nga về những gì đã xảy ra đối với Nord Stream. Ngay cả khi thực tế là tất cả các sự kiện và bằng chứng đều đi ngược lại, phương Tây vẫn sẽ đặt mọi trách nhiệm lên Moskva.
Về phần mình, Nga cáo buộc rằng vụ phá hoại đường ống Nord Stream có liên quan tới Mỹ, bởi hơn ai hết, Washington không muốn dự án truyền dẫn khí đốt của Moskva được vận hành và để thực hiện hành động này phải là một cường quốc quân sự.
Moskva còn cho biết sự hiện diện của một tàu đổ bộ tấn công cỡ lớn của Hải quân Mỹ, có khả năng mang theo những thiết bị hoạt động đặc biệt dưới đáy biển sâu và hiện diện ngay gần khu vực xảy ra sự cố không thể coi là ngẫu nhiên.
Điện Kremlin đã yêu cầu châu Âu kết hợp cùng với mình để mở cuộc điều tra nhằm tìm ra đối tượng phải chịu trách nhiệm cho những gì đã diễn ra, từ đó buộc thủ phạm bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên trước mắt, "quân át chủ bài" thường được Nga mang ra gây áp lực lên các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu đó là đóng van đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc đã mất tác dụng.
Sự cố trên còn giúp EU đẩy nhanh tiến độ độc lập về năng lượng với Nga, thông qua những mặt hàng và nhà cung cấp khác, ví dụ như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Trung Đông.
Bạch Dương