Dự báo sự 'bùng nổ' FDI vào Việt Nam thời gian tới

Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài xem Việt Nam là một địa bàn hấp dẫn để đầu tư lâu dài.

Trong xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng như sự cạnh tranh về địa chính trị giữa các nước thì nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn đã có hướng dịch chuyển các lĩnh vực chế biến, chế tạo sang các nước châu Á, đặc biệt là khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Theo ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư,đây là cơ hội "trăm năm có một" để chúng ta tận dụng, thu hút đầu tư có chất lượng. Dưới góc độ vĩ mô, Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế để cạnh tranh với các nước trên thế giới.

Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về đường bộ, đường biển, hàng không và tương lai là đường sắt.

Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về đường bộ, đường biển, hàng không và tương lai là đường sắt.

"Ví dụ như ổn định chính trị, hiện nay, các nhà đầu tư coi Việt Nam là một địa bàn hấp dẫn để đầu tư lâu dài. Thứ hai là nền kinh tế Việt Nam nhiều năm duy trì được mức độ tăng trưởng cao, ổn định.

Về vấn đề nguồn nhân lực, Việt Nam có thị trường hơn 100 triệu dân, trong đó khoảng 57-59% số người trong độ tuổi lao động. Lực lượng lao động này đang được đào tạo, được bổ sung về trình độ rất tốt.

Điểm nữa là, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khi có 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nó tạo ra không gian, cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam.

Điểm nữa, các đột phá chiến lược mà Chính phủ đang tập trung thực hiện như về hạ tầng, Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc cả về đường bộ, biển, hàng không và tương lai là đường sắt.

Chúng ta cũng thấy được sự quyết liệt từ Chính phủ trong vấn đề cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, khoảng 5 năm trở lại đây chúng ta đã nâng cấp các quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác lớn. Đây đều là những nước phát triển về công nghệ cao, bán dẫn, chip, trí tuệ nhân tạo.

Những điều này tạo ra rất nhiều cơ hội để "bùng nổ" đối với hoạt động đầu tư nước ngoài vào Việt Nam".

Xu hướng của Việt Nam hiện nay là chuyển từ trạng thái thu hút đầu tư nước ngoài sang hợp tác đầu tư nước ngoài. Điều này thể hiện rằng giữa nhà đầu tư với quốc gia tiếp nhận đầu tư và các đối tượng liên quan đều cùng nhau hợp tác, cùng nhau phát triển và cùng nhau hưởng thành quả. Ông Vũ Văn Chung cũng cho biết,Bộ KH&ĐT đang tập trung tham mưu cho Chính phủ để xây dựng các cơ chế chính sách, các ưu đãi nhằm "bứt tốc" hơn nữa trong việc thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc trong thời gian tới.

"Hiện nay, liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo thì Chính phủ đã giao cho Bộ KH&ĐT xây dựng Nghị định quy định về thành lập, quản lý quỹ hỗ trợ đối với hoạt động đầu tư, phục vụ mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc. Trong đó có các chính sách, cơ chế có thể sử dụng nguồn quỹ này để hỗ trợ cho các hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư. Ngoài ra, nguồn này cũng được sử dụng để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước cho việc phát triển một số ngành, lĩnh vực mũi nhọn của Việt Nam. Chúng tôi cũng được Chính phủ giao rà soát toàn bộ các cơ chế, chính sách ưu đãi hiện nay để tạo ra sự tập trung, trọng tâm, trọng điểm. Khi các chính sách này được Quốc hội, Chính phủ ban hành thì tin rằng nó sẽ phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu thu hút các nguồn lực, trong đó có đầu tư nước ngoài".

Năm 2023, FDI duy trì mức tăng 34% và trong 7 tháng đầu năm 2024 cũng đã tăng gần 11% so với cùng kỳ. Có thể thấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh thu hút FDI trên toàn cầu suy giảm. Thực tế này cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam dưới con mắt của nhà đầu tư nước ngoài và cũng phản ánh rõ nét môi trường đầu tư nước ngoài thuận lợi tại Việt Nam.

Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/du-bao-su-bung-no-fdi-vao-viet-nam-thoi-gian-toi-102240802085836426.htm