Dự cảm bất an, các đồng minh Đông Á tìm cách 'câu giờ' trước thềm bầu cử Mỹ
Chuyến đi tới Đông Á, tham dự Đối thoại Bộ Tứ lần này của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo diễn ra trong bối cảnh Bầu cử Mỹ đầy những rối ren và tâm trí của các đồng minh Đông Á 'chưa vững theo một hướng'.
Thông điệp gửi tới Bắc Kinh
Nhiều khả năng, những màn chào đón nồng nhiệt và các tuyên bố thể hiện tinh thần đoàn kết đợi chờ Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong tuần này, khi ông có chuyến công du Đông Á lần đầu tiên trong một năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc bầu cử tại Mỹ sắp đến gần, các đồng minh châu Á của Mỹ sẽ phải suy xét trước khi đưa ra những cam kết cụ thể đối với Washington.
Theo dự kiến ban đầu, ông Pompeo bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản, Mông Cổ và Hàn Quốc từ ngày 4/10. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 3/10 thông báo chuyến công du Đông Á của ông Pompeo bị rút ngắn và ông chỉ thăm Nhật Bản từ ngày 4-6/10, sau khi Tổng thống Donald Trump phải nhập viện do mắc Covid-19.
Chuyến thăm Đông Á lần này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh đang ở vào thời điểm tồi tệ nhất trong suốt nhiều thập kỷ qua và đại dịch Covid-19 đã khiến vợ chồng Tổng thống Trump cùng hàng triệu người Mỹ khác mắc bệnh.
Cuộc gặp vào ngày 6/10 giữa Ngoại trưởng Pompeo cùng những người đồng cấp đến từ Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, các quốc gia thành viên nhóm Bộ Tứ (Quad) chắc chắn sẽ là điểm nhấn của chuyến công du lần này. Mặc dù trước đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ phụ trách khu vực Đông Á David Stilwell ngày 2/10 thừa nhận rằng cuộc gặp có thể sẽ không đưa ra một tuyên bố chung, bất chấp thực tế là cả 4 nước đều chia sẻ quan ngại về Trung Quốc.
Tổng thống Trump đã đổ lỗi cho Trung Quốc vì để cho dịch Covid-19 lây lan khiến hơn 1 triệu người trên khắp thế giới thiệt mạng. Ông Trump cũng biến quan điểm cứng rắn chống Bắc Kinh trở thành trọng tâm trong nỗ lực tái đắc cử của ông trong cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới.
Phần lớn các đồng minh châu Á hài lòng với sự cứng rắn mà Washington đang thể hiện với Trung Quốc trong khu vực, nhưng các đồng minh này không quá nhiệt tình ủng hộ những lời lẽ chỉ trích mạnh mẽ gần đây nhằm vào Bắc Kinh và vẫn lo ngại về việc đi quá xa khi công khai phản đối Trung Quốc.
Miyeon Oh, chuyên gia về an ninh châu Á tại Hội đồng Atlantic, cho hay: "Mọi người biết rằng Mỹ là đối tác an ninh số một, nhưng Trung Quốc là đối tác thương mại số một của họ. Chính phủ Mỹ đang nói với các nước châu Á rằng 'Chúng tôi không yêu cầu bạn phải lựa chọn', nhưng rốt cục họ đang buộc các nước này phải lựa chọn".
Cuộc bầu cử tại Mỹ là một yếu tố nữa. Tổng thống Trump có thể sẽ thất bại trước ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden, hoặc sẽ tái đắc cử và có khả năng củng cố hơn nữa lập trường của ông về Trung Quốc. Cho tới khi kết quả ngã ngũ, các nhà lãnh đạo châu Á chắc chắn sẽ không có bất kỳ động thái lớn nào.
Theo chuyên gia Oh, cả Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ nỗ lực hành động cân bằng để không mạo hiểm trong quan hệ với Trung Quốc, nhưng đồng thời vẫn bày tỏ ủng hộ Mỹ, trong trường hợp ông Trump thắng cử.
Hành động cân bằng
Ông Pompeo là người lớn tiếng nhất chỉ trích Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh che đậy đại dịch Covid-19. Randall Schriver, từng là quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc về khu vực Đông Á, cho rằng thực tế việc lưỡng đảng ở Washington cùng ủng hộ một quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh, điều vẫn sẽ xảy ra trong trường hợp ông Biden đắc cử - có nghĩa rằng Ngoại trưởng Pompeo có thể có các cuộc đối thoại mạnh mẽ hơn.
Mỹ đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về các chuỗi cung ứng thiết bị y tế là những thiết bị khác liên quan tới an ninh, và vận động hành lang mạnh nhằm buộc các đồng minh cắt đứt hợp tác với Huawei - "người khổng lồ" trong lĩnh vực viễn thông của Trung Quốc - và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc.
Theo chuyên gia Green, mặc dù cuộc gặp của Bộ Tứ có thể không đưa ra một kế hoạch hành động cụ thể nào, song thực tế rất rõ ràng là cuộc gặp này sẽ là lời cảnh báo gửi tới Trung Quốc và làm dấy lên quan ngại một ngày nào đó Bộ Tứ sẽ phát triển trở thành một tập hợp nhóm chính thức như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từng kiềm chế Liên Xô trước đây.
Nhật Bản vừa có thủ tướng mới, ông Suga Yoshihide, người được cho là không có nhiều kinh nghiệm ngoại giao. Nhật Bản cũng đang tranh chấp với Trung Quốc về quyền sở hữu một số đảo ở Biển Hoa Đông. Như vậy, ông Suga phải nỗ lực xoay sở để duy trì quan hệ với nước láng giềng của Nhật Bản và đáp ứng yêu cầu của Mỹ về việc phải có một quan điểm cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Akio Takahara, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Tokyo, nói: "Nếu Nhật Bản áp dụng cách tiếp cận đối đầu hoàn toàn, nó sẽ gây ra một sự phản ứng tại Nhật Bản, dư luận bị chia rẽ và điều đó sẽ làm rung chuyển nền tảng của chính phủ của tân Thủ tướng Suga".
Hàn Quốc, một đồng minh khác của Mỹ đang có các cuộc đàm phán đầy khó khăn với chính quyền Tổng thống Trump về việc chia sẻ chi phí quốc phòng, vẫn tỏ ra hoài nghi về Bộ Tứ. Nước này tỏ ra lạnh nhạt với ý tưởng Hàn Quốc gia nhập Bộ Tứ hay một liên minh có tính chính thức hơn.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha tháng trước đã phát biểu: "Chúng tôi sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận về những vấn đề cụ thể, nhưng nếu đó là một liên minh có cấu trúc, chúng tôi chắc chắn sẽ cần suy nghĩ rất kỹ càng về việc nó có phục vụ lợi ích an ninh của chúng tôi hay không".
(theo New York Times)