Dự cảm xấu, nếu căng thẳng thương mại Nhật - Hàn leo thang
Căng thẳng thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp tục leo thang có thể ảnh hưởng đến kinh tế và tình hình phát triển công nghệ của cả hai nước.
Thương chiến Nhật - Hàn có nguy cơ đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu. (Nguồn: Reuters)
Thương chiến mới?
Ngày 1/7, Nhật Bản thông báo siết chặt các quy định xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao sử dụng trong sản xuất các chất bán dẫn và màn hình - gồm fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo), hydrogen fluoride và resist (chất cản màu). Ngoài ra, Tokyo đã loại Seoul ra khỏi danh sách các "quốc gia trắng" – danh sách những nước mà Nhật Bản cho là có hệ thống kiểm soát xuất khẩu đáng tin cậy.
Các chuyên gia đánh giá, động thái trên đã mở màn cho một tranh chấp mới giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại một cuộc họp báo sau động thái này, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng, các biện pháp này được đưa ra bởi lý do an ninh. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, đây là động thái đáp trả của Tokyo, vì không giải quyết được mâu thuẫn trong việc xử lý các phán quyết của tòa án Hàn Quốc trong giải quyết đền bù cho các nạn nhân Hàn Quốc phải lao động trong thời chiến.
Theo tờ South China Morning Post, ngày 9/7, Nhật Bản khẳng định, vẫn tiếp tục quy định hạn chế một số mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao từ Hàn Quốc, bất chấp tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Thương mại Hiroshige Seko rằng, Tokyo "cởi mở với các cuộc trao đổi". Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đe dọa, Seoul đã chuẩn bị "các biện pháp đáp trả cần thiết".
Những diễn biến trên nhiều khả năng sẽ gây khó khăn cho các tập đoàn công nghệ của Hàn Quốc như LG hay Samsung. Các tập đoàn này phụ thuộc khá nhiều vào các công ty cung cấp vật liệu Nhật Bản. Ngược lại, thị trường cung ứng Nhật Bản cũng sẽ phải chịu tác động không nhỏ khi họ giờ đây phải tìm kiếm nguồn khách hàng mới thay cho Hàn Quốc.
Về phía Hàn Quốc, các nhà phân tích dự đoán, chính quyền nước này sẽ đáp trả Nhật bằng cách ngăn không xuất khẩu màn hình OLED (vốn được dùng trong các thiết bị như màn hình TV, màn hình máy tính, điện thoại di động, máy chơi điện tử cầm tay). Hành động này chắn chắn sẽ giáng một đòn nặng nề vào khả năng sản xuất TV cao cấp của các công ty Nhật Bản.
Căng thẳng Nhật - Hàn đang gây ra những lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới. (Nguồn: AFP)
Ngành công nghệ ''ngấm đòn''
Ngành công nghệ của Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ ''ngấm đòn'' thiệt hại đầu tiên sau tranh chấp này. Ngành công nghệ hai nước vốn có sự liên kết và bổ sung chặt chẽ cho nhau. Nhật Bản là nguồn cung quan trọng của Hàn Quốc và ngược lại Seoul cũng là thị trường chủ chốt của Tokyo. Ông Hiroshige Seko, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản khẳng định, trước mắt, động thái của Nhật Bản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới.
Trong quý đầu tiên của năm nay, Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) cho biết, các công ty Hàn Quốc đã nhập 94% polyamit fluoride, 92% photoresists và 43,9% hydro florua từ Nhật Bản. Đặc biệt, fluorinated polyimide là thành phẩm quan trọng được sử dụng chế tạo màn hình điện thoại thông minh.
Theo số liệu của KITA, kiểm soát xuất khẩu sẽ trở thành một vấn đề ‘‘đau đầu’’ đối với các công ty công nghệ Hàn Quốc. Điển hình như Samsung và SK Hynix - hai công ty kiểm soát hơn 63% thị trường chip nhớ toàn cầu.
Không chỉ thế, nếu tranh chấp xảy ra giữa hai nước, các các tập đoàn công nghệ khổng lồ của Hàn Quốc như Samsung, SK Hynix, LG Electronics... sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Hơn thế, điều này còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung màn hình điện thoại thông minh cho hãng iPhone của Apple, LG hay Samsung.
Trong một tuyên bố với CNN, đại diện công ty Samsung cho biết, họ đang đánh giá tình hình hiện tại và xem xét một số biện pháp để giảm thiểu tác động đến việc sản xuất của công ty.
Hai bên cùng thiệt
Giáo sư Ryo Hinata - Yâmguchi thuộc Học viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế (Hàn Quốc) nhận định, quan hệ Nhật - Hàn không chỉ đơn giản dừng ở việc Hàn Quốc phụ thuộc một chiều vào Nhật Bản. Căng thẳng thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ gây thiệt hại cho cả đôi bên.
Một số chuyên gia kinh tế Nhật Bản cũng nhận thấy, các công ty Nhật Bản sẽ bị tổn thất nghiêm trọng trước bất cứ động thái nào từ Chính phủ Hàn Quốc.
Theo chuyên gia Scott Seaman, Giám đốc châu Á tại Eurasia Group, hầu hết công ty Nhật Bản đã ngừng sản xuất các mặt hàng này trong những năm gần đây. Ông Scott Seaman cho biết thêm, mặc dù Hàn Quốc không độc quyền các công nghệ này, nhưng rất khó để tìm nguồn thay thế nhanh chóng. “Nhật Bản là nơi sản xuất các công nghệ và hóa chất quan trọng với các ngành công nghệ Hàn Quốc, trong khi đó Hàn Quốc lại là thị trường tiêu thụ những mặt hàng trên”, ông Yamaguchi cho biết.
Đồng quan điểm, Giảng viên Kinh tế chính trị toàn cầu thuộc Đại học George Mason (Mỹ) June Park cũng đánh giá rằng, nền kinh tế hai nước kết nối và bộ trợ lẫn nhau. Điển hình là việc các công ty Hàn Quốc sẽ chế tạo các chất bán dẫn sử dụng vật liệu Nhật, sau đó bán các sản phẩn này ngược lại thị trường Nhật.
“Tuy nhiên, với mức độ căng thẳng như hiện nay, sự chia tách giữa hai bên không phải là viễn cảnh không thể xảy ra. Những tranh cãi này nếu tiếp tục kéo dài có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, tác động đến chuỗi cung ứng chíp điện tử toàn cầu, cũng như ảnh hưởng đến các nhà sản xuất điện thoại thông minh trên thế giới như Apple và Huawei”, bà Park cho biết thêm.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/du-cam-xau-neu-cang-thang-thuong-mai-nhat-han-leo-thang-97379.html