Dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng cho vay

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành từ 0,5 - 2%.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú trả lời câu hỏi của các cơ quan báo chí. Ảnh: An Đăng - TTXVN

Trao đổi tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra chiều tối 4/7 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần hạ lãi suất điều hành từ 0,5 - 2%.

Tính đến hết tháng 6, lãi suất huy động bình quân giảm 0,7 - 0,8%, lãi vay giảm 1 - 1,2%. Các ngân hàng thương mại cổ phần vốn nhà nước đi đầu trong việc giảm lãi suất, nhiều ngân hàng công bố mức giảm rất sâu. Xu hướng chung, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục hạ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Dù thừa nhận lãi suất đã giảm, song Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thừa nhận dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, trong khi mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo kỳ vọng cả năm 2023 là 14 - 15%; trong đó, dư nợ cho vay khoảng 12,4 triệu tỷ đồng, dư nợ tiền gửi là 12,6 triệu tỷ đồng.

Phó Thống đốc chia sẻ, room (hạn mức) tín dụng cả năm đã giao 11% nhưng đến nay mới đạt 4,2%, cho thấy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng cho vay.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, “nói ế tiền cũng không hẳn”, mà là tốc độ tín dụng đang tăng trưởng chậm lại. Một số nước tăng trưởng tín dụng còn âm, dù Việt Nam hạ lãi suất lẽ ra tín dụng phải tăng nhưng thực tế có câu chuyện tăng tín dụng chậm trong khi lãi suất giảm nhanh.

Chia sẻ về lý do dẫn đến tình trạng khác thường về tín dụng so với các năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú lý giải do tình hình nền kinh tế có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng đang rất thấp, nên cầu tín dụng không thể tăng cao. Sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp rất khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, kể cả doanh nghiệp FDI.

Cùng với đó, thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại, vẫn vướng cả dự án thương mại lẫn nhà ở xã hội, dù ngành ngân hàng đã rất quan tâm đẩy mạnh cho tín dụng bất động sản.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng thông tin thêm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trước đây rất khó tiếp cận tín dụng, nay càng khó hơn. Để gỡ khó, các hiệp hội doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng với khu vực này.

Cũng tại cuộc họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh, cũng có tình trạng nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có trả nợ được không. Ngược lai, nhiều doanh nghiệp thì ngân hàng mời chào vay nhưng không có nhu cầu vay, vì cầu sản xuất, đầu tư, tiêu dùng thấp.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, tập trung nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời gia tăng khả năng tiếp cận vốn. Hy vọng với hàng loạt chính sách đồng bộ, lãi suất tiếp tục giảm sẽ tăng được tín dụng trong 6 tháng cuối năm.

*Phát triển điện mặt trời mái nhà tuân thủ đúng các quy định của pháp luật

Xung quanh vấn đề về cơ chế mua bán điện mặt trời mái nhà đang được Bộ Công Thương xây dựng và xin ý kiến các bộ, ngành liên quan; trong đó, các hệ thống này được phục vụ tự dùng nhưng phải nối lưới với hệ thống điện. Hệ thống này có cần thiết phải nối lưới không khi mà chỉ phục vụ tự dùng? Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, về điện mặt trời mái nhà, hiện nay Chính phủ có chỉ đạo các bộ, đặc biệt là Bộ Công Thương, các địa phương rà soát chấn chỉnh việc đầu tư điện mặt trời mái nhà để đảm bảo phát triển điện mặt trời mái nhà phát triển bền vững tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Dự thảo nêu rõ, Quyết định quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam để tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác. Quyết định này không điều chỉnh đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà quy định tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo đó, tổng công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà tự dùng trên toàn quốc được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch điện VIII) Quyết định số 500/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện. Cùng đó, các hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở được ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân đầu tư và sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà được miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt vào hệ thống điện đã được đấu nối theo quy định về hệ thống điện phân phối không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối. Các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã lắp đặt trước đây đáp ứng điều kiện là đối tượng của Quyết định này thì được áp dụng quy định này.

Tổ chức, cá nhân đầu tư, lắp đặt, sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn điện, an toàn công trình xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ theo quy định hiện hành./.

Hoàng Tùng - Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-dia-con-rat-nhieu-de-cac-ngan-hang-cho-vay/298074.html