Nuôi vịt chạy đồng, nâng cao hiệu quả kinh tế
Người dân Đăk Hà (Kon Tum) tận dụng nguồn thức ăn còn sót lại sau vụ thu hoạch để nuôi vịt chạy đồng giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập.
Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có
Những năm qua, nhiều bà con nông dân tại xã Đăk La (huyện Đăk Hà, Kon Tum) đã phát triển mô hình chăn nuôi vịt thả đồng sau các vụ lúa. Đây là hướng đi mới, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Chăn nuôi vịt thả đồng là phương thức được áp dụng rộng rãi ở những vùng trồng lúa, tập trung nhiều nhất vào cuối các vụ lúa sắp thu hoạch. Mục đích của nuôi vịt chạy đồng là tận dụng thức ăn và lúa rơi vãi sau thu hoạch trên đồng. Ngoài ra còn bổ sung chất hữu cơ cho đồng ruộng và tiêu diệt các loại côn trùng trên đồng ruộng trước, trong và sau thu hoạch.
Khi ruộng lúa được bà con thu hoạch xong, những hộ nuôi vịt chạy đồng bắt đầu vào đợt chăn nuôi mới. Những con vịt được thả ra đồng không chỉ có nguồn thức ăn tự nhiên, như: cá, cua, ốc… mà còn giúp loại bỏ các loại động vật gây hại cho lúa.
Mấy ngày qua, bà Trần Thị Mai (thôn 1, xã Đăk La) luôn tất bật với đàn vịt hơn 4.000 con của gia đình. Bà Mai chia sẻ, chăn vịt thả đồng vất vả hơn so với phương pháp nuôi nhốt truyền thống. Bởi bất kể ngày mưa hay nắng đều phải theo sát đàn vịt, tránh để vịt đi lạc.
Tuy nhiên, nuôi vịt thả đồng giúp chất lượng vịt thương phẩm có giá tốt hơn, được thị trường ưa chuộng, đặc biệt là giúp gia đình bà tiết kiệm được phần chi phí mua thức ăn cho đàn vịt. Với cách chăn nuôi này, bà tiết kiệm chi phí thức ăn mỗi ngày khoảng 3 triệu đồng.
Theo bà Mai, bà nuôi vịt đẻ trứng nên mỗi ngày thu được khoảng 3.000 trứng. Với giá bán 2.200 đồng/quả, mỗi ngày mang về thu nhập khoảng 5,5 triệu đồng.
“Vịt chạy đồng sử dụng thức ăn tự nhiên, lại di chuyển nhiều nên đẻ trứng đều, to hơn. Bên cạnh đó, chất lượng trứng cũng cao, lòng đỏ nhiều, ăn có vị thơm, béo bùi nên rất được ưa chuộng. Chính vì vậy, vịt đẻ trứng ra đều được thu mua hết chứ ít có dư.
Sau khi bán trứng, thịt vịt cũng được bán với giá cao hơn bởi chúng nhanh nhẹn, ít mỡ, thịt thơm và chắc hơn”, bà Mai nói.
Nâng cao hiệu quả kinh tế
Còn ông Nguyễn Ngọc Minh đã gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng được hơn 20 năm nay.
Ông Minh cho biết, để vịt sinh trưởng, phát triển tốt trong môi trường tự nhiên thì việc chọn giống rất quan trọng. Bởi giống tốt sẽ mang lại hiệu quả cao, tăng năng suất, chất lượng trứng.
Sau nhiều năm gắn bó với công việc này, ông chọn giống vịt cỏ bởi loại này chân cao, lội đồng khỏe nên dễ cho việc chăn nuôi. Đặc biệt nếu chọn được con giống tốt sẽ cho sản lượng trứng cao. Chính vì thế, ông Minh luôn mua con giống ở những cơ sở tin cậy, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Không chỉ chọn giống, nuôi vịt chạy đồng lấy trứng đòi hỏi người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt là sau 2 năm, ông Minh thay đàn vịt mới để tăng năng suất và chất lượng trứng.
Mỗi năm, ông Minh chăn vịt chạy đồng 2 đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 2 tháng, sau khi người dân thu hoạch xong lúa. Năm nay, đàn vịt của gia đình ông có 3.000 con, nếu chăn nuôi như cách thông thường thì chi phí thức ăn khoảng 5 triệu đồng/ngày.
“Nuôi vịt trong chuồng thì năng suất, chất lượng không cao. Với 3.000 con tôi thu khoảng 1.500 quả trứng/ngày. Nhiều khi lỗ vốn hoặc không đủ công chăm sóc. Còn vịt chạy đồng dễ nuôi, chi phí thấp nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Với cách nuôi này, mỗi ngày tôi thu được khoảng 1.800 quả trứng, bán giá 2.200 đồng/quả trứng, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi khoảng 70 triệu đồng/vụ”, ông Minh cho hay.
Cũng theo ông Minh, nhờ chăn nuôi thả đồng, chúng tự kiếm thức ăn nên mỗi ngày ông chỉ cần bổ sung thêm khoảng 120kg thức ăn, tiết kiệm được khoảng 3,7 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Ca - Chủ tịch UBND xã Đăk La cho hay, địa phương có 597,5ha lúa nước. Những năm qua, sau thu hoạch người dân tận dụng nguồn thức ăn phong phú tại đồng ruộng để phát triển nghề chăn nuôi vịt chạy đồng, cải thiện kinh tế gia đình.
Mặc dù vậy, địa phương cũng không quên tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và công tác tiêm phòng dịch bệnh trên đàn gia cầm. Khi phát hiện vật nuôi bị bệnh, cần nhanh chóng tách đàn và thông báo cho cán bộ thú y để có biện pháp can thiệp.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nuoi-vit-chay-dong-nang-cao-hieu-qua-kinh-te-post690032.html