Dư địa kìm chế giá xăng dầu tối ưu hiện chỉ có thể tập trung vào thuế

Từ thời điểm 15h ngày 13/6 vừa qua giá xăng tiếp tục lập đỉnh mới khi xăng RON95 đã tăng giá lên mức 32.370 đồng/lít. Xăng dầu tăng giá chính là một trong những nhân tố tác động mạnh nhất đến tình trạng lạm phát.

Không ít tài xế xe ôm công nghệ phải tạm ngừng việc vì giá xăng tăng cao. Ảnh: T.L.

Không ít tài xế xe ôm công nghệ phải tạm ngừng việc vì giá xăng tăng cao. Ảnh: T.L.

Lạm phát đang xảy ra gần như trên toàn cầu đặc biệt là tại Mỹ, Châu Âu... Tại Việt Nam, lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, chính vì thế chúng ta càng cần phải chủ động hơn về các giải pháp và công cụ kìm chế lạm phát nhằm bảo vệ nền kinh tế, nền sản xuất cũng như việc làm và đời sống dân sinh.

Trên thực tế, thời gian qua các giải pháp và công cụ để điều tiết giá xăng dầu đã được sử dụng tới và cũng đã đóng góp tích cực giúp kìm chế giá xăng dầu trên thị trường tại Việt Nam.

Tuy nhiên, khi các công cụ đã được sử dụng nhưng tình hình giá xăng dầu trên thế giới vẫn chưa thể giảm nhiệt, dư địa để điều tiết và kìm chế việc tăng giá xăng dầu hiện hầu như chỉ còn có thể trông chờ vào thuế.

Ngày 1/4 vừa qua, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được điều chỉnh giảm 50%, theo đó, mức thuế bảo vệ môi trường còn lại đối với xăng là 2.000 đồng/lít và dầu là 1.000 đồng/lít.

Bộ Tài chính đang dự kiến tiếp tục đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ tài chính Hồ Đức Phớc trong trả lời chất vấn tại Quốc hội mới đây cho biết, với mức 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường còn lại đối với xăng, thẩm quyền giảm 1.000 đồng nữa thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội; còn muốn giảm về mức 0 đồng thì thẩm quyền thuộc về Quốc hội.

Trong một cuộc trao đổi, PGS-TS.Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM – cho rằng, Chính phủ cần tập trung một phần nguồn lực nhất định để kìm chế lạm phát trong năm 2022. Nếu không kìm chế được lạm phát, các gói ưu đãi về lãi suất 2% cho doanh nghiệp được Quốc hội thông qua sẽ không còn phát huy được hiệu quả.

Trên thực tế, giá xăng dầu tăng đang không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, khối doanh nghiệp, mà cả người lao động cũng đang bị tổn thương ở những mức độ khác nhau.

Tài xế GrabBike Nguyễn Ngọc Cẩm (TPHCM) trong cuốc xe chở người viết bài này cho biết, giá xăng tăng lên hơn 32.000 đồng/lít trong khi giá cước không tăng đã bào mòn sức lao động của các bác tài vì chi phí xăng nhớt tăng cao cho nên thu nhập của các bác tài bị giảm mạnh.

“Nhiều người tắt app không chạy nữa, chuyển sang kiếm việc khác”, tài xế Cẩm cho biết.

Trong các mặt hàng trên thị trường, giá xăng tăng có lẽ tác động trực tiếp và gián tiếp rộng nhất, mạnh nhất tới nền kinh tế, nền sản xuất, thương mại và dịch vụ cũng như việc làm và đời sống dân sinh. Việc kìm chế giá xăng dầu ở một mức độ tạm chấp nhận được sẽ có thể góp phần dẫn đến thành công trong việc kìm chế lạm phát.

Dư địa thuế để giúp kìm chế giá xăng dầu hiện còn khả dĩ. Ngoài thuế bảo vệ môi trường, thẩm quyền thuộc về Quốc hội còn các loại thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) và thuế giá trị gia tăng (VAT, 10%).

Theo Thế Lâm/laodong.vn

https://laodong.vn/y-kien-ban-doc/du-dia-kim-che-gia-xang-dau-toi-uu-hien-chi-co-the-tap-trung-vao-thue-1056458.ldo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/du-dia-kim-che-gia-xang-dau-toi-uu-hien-chi-co-the-tap-trung-vao-thue-141624.html