Dự đoán 8 xu thế phát triển thị trường bất động sản sắp tới
Sau hơn 30 năm phát triển, thị trường bất động sản Việt Nam đã có nhiều bước chuyển vượt bậc và dự kiến sẽ tiếp tục xuất hiện nhiều xu thế phát triển mới trong tương lai.
Mới đây, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) PGS.TS Trần Kim Chung đã đưa ra dự báo về 8 xu thế phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Thứ nhất là xu hướng phát triển các đại đô thị như Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long; TP.HCM - Biên Hòa - Thủ Dầu Một - Long An; Đà Nẵng - Hội An - Điện Bàn; Nha Trang - Cam Ranh. Đây là các tỉnh, thành phố lớn của cả nước, là điểm đến hấp dẫn của nhiều ngành, nghề, đặc biệt trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Thứ hai là các khu đô thị mới, thông minh, tổng thể, sống xanh như Ecopark, TP Thủ Đức, TP thông minh phía Bắc sông Hồng. Đây là xu hướng trong những năm gần đây, đặc biệt khi các gia đình trẻ ngày càng săn đón, lựa chọn bất động sản xanh làm nơi cư trú,
Thứ ba là các đại resort như Hạ Long, Sầm Sơn, Phú Quốc, Vân Đồn, Hồ Tràm, Nhơn Hội,...
Thứ tư là các khu liên hợp công nghiệp - đô thị như Bắc Ninh (Samsung), Thái Nguyên (Samsung), Tràng Duệ (LG), tới đây sẽ là các địa bản của Apple dự kiến sắp đặt nhà máy tại Việt Nam. Cùng với đó là sự phát triển vượt bậc của thị trường bất động sản công nghiệp khi phân khúc nhà kho, nhà xưởng xây sẵn được săn đón, giá thuê tăng mạnh khi các doanh nghiệp muốn mở rộng quy mô sản xuất.
Thứ năm là các khu đổi mới sáng tạo, công nghệ hiện đại như Quang Trung, Đà Nẵng, Láng Hòa Lạc.
Thứ sáu là thị trường các khu đô thị biệt thự cao cấp, đặc biệt là khi nguồn cung căn hộ hạng A, hạng B rất dồi dào và đa dạng. Việc hình thành các khu đô thị siêu sang ngày càng được khẳng định chắc chắn.
Thứ bảy là các tòa nhà, căn hộ siêu sang khi ngày càng nhiều người có thu nhập tốt hơn, tạo ra những quan niệm mới, xu hướng mới về chất lượng sống và nhà ở.
Thứ tám là chuyển đổi công năng các khu phố cổ, phố cũ, dần hình thành lên chuỗi tòa nhà liên hợp. Bên cạnh đó, xu hướng này cũng sẽ thúc đẩy các chuỗi khách sạn hạng sang, cao cấp được xây dựng, phát triển ngay tại các khu phố cổ, dần thay thế các căn nhà phố.
Người đại diện CIEM cũng nhận định, do tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển mạnh mà các xu hướng thị trường bất động sản mới đang dần hình thành, dịch chuyển. Các phân khúc nhà ở bình dân và nhà ở xã hội đang được Chính phủ hỗ trợ, tăng cường với nhiều dự án. Đồng thời, nhu cầu bất động sản cao cấp, hạng sang ngày càng tăng cao cộng với nguồn cung dồi dào từ các dự án mới. Ông Chung cho hay: "Sự gia tăng của nhóm người trung lưu, cùng với việc cơ cấu sản phẩm bất động sản dịch chuyển ra hai đầu, đó là nhu cầu bất động sản siêu sang hình thành".
Nền kinh tế hội nhập với độ mở cao cùng với quá trình đô thị hóa và nguồn lực dồi dào đang biến Việt Nam trở thành điểm đến thay thế một số quốc gia khác khi nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài có ý định đặt trụ sở. Trong thời gian tới, các dự án và công trình sẽ ngày càng mở rộng quy mô, kéo theo việc gia tăng quy mô bất động sản. Các công trình hạ tầng lớn sẽ liên tục được khánh thành, đi cùng những thay đổi lớn về tiếp cận thị trường, quy mô thị trường và giá trị bất động sản. Ngoài ra, theo ông Chung, việc tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm gắn liền sẽ làm gia tăng giá trị của bất động sản dưới tác động của phát triển cơ sở hạ tầng.