Dự đoán thị trường fintech Đông Nam Á năm 2024

Giống như những khu vực khác, Đông Nam Á cũng đang trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tấn công mạng, v.v. nhưng lĩnh vực fintech của khu vực đã cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ trong thời gian qua…

Dự đoán thị trường fintech Đông Nam Á năm 2024

Dự đoán thị trường fintech Đông Nam Á năm 2024

Hiện tại, fintech Đông Nam Á là thị trường có tài sản kỹ thuật số lớn nhất, với tài sản được quản lý (AUM)–tổng giá trị thị trường của các khoản đầu tư mà một tổ chức thay mặt cho khách hàng quản lí - đạt 2,772 tỷ USD vào năm 2024. Theo Tech Collective, trong năm nay, thị trường thanh toán kỹ thuật số sẽ có tổng giá trị giao dịch là 287,20 tỷ USD.

NHỮNG THÁCH THỨC MÀ FINTECH PHẢI ĐỐI MẶT TẠI ĐÔNG NAM Á

Một trong những nỗi lo của nền kinh tế số là nguy cơ mất dữ liệu trực tuyến. Các cuộc tấn công mạng như ransomware và lừa đảo, cùng nhiều mối đe dọa khác xuất hiện ngày càng nhiều. Vì các ứng dụng fintech yêu cầu quyền truy cập vào thông tin chi tiết trước khi xử lý giao dịch nên việc giữ an toàn cho dữ liệu tài chính và cá nhân là điều cần thiết.

Bên cạnh đó, lãi suất/suy thoái kinh tế cũng đang cản trở sự phát triển của lĩnh vực fintech khu vực. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất để giải quyết các khó khăn kinh tế nội bộ của Mỹ. Quyết định này đã đẩy giá cả tại Đông Nam Á tăng cao. Hơn nữa, chi phí năng lượng và sản xuất tăng lên, giá cả tăng cao làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Do đó, các nhà đầu tư trở nên thận trọng trong việc bơm tiền vào lĩnh vực công nghệ tài chính. Thay vào đó, họ quyết định giữ lại số tiền và tập trung vào việc xác định các công ty khởi nghiệp có thể hoạt động tốt với nguồn vốn phù hợp. Những doanh nghiệp mới này phải có lãi, có lãnh đạo giỏi phụ trách và tìm cách thực hiện các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).

Một bài toán chung cho tất cả ngành nghề của khu vực là thiếu lao động, ngành công nghệ vẫn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nhân tài và chỉ một số nhỏ nhân sự đủ khả năng quản lý các hệ thống trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số. Theo trang Nikkei Asia, các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân tài công nghệ bất chấp các đợt sa thải hàng loạt gần đây của các công ty công nghệ lớn do các doanh nghiệp ngoài ngành cũng tăng cường tuyển dụng với mức lương cạnh tranh.

DỰ ĐOÁN THỊ TRƯỜNG FINTECH ASEAN 2024

Bất chấp những rào cản trên, fintech Đông Nam Á vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển và cung cấp các ứng dụng thanh toán thuận tiện và hiệu quả hơn.

Theo Báo cáo Triển vọng và Tình hình Kinh tế Thế giới năm 2024 của Liên hợp quốc, GDP toàn cầu sẽ giảm từ 2,7% của năm ngoái xuống 2,4% trong năm nay. Do đó, mặc dù các khoản đầu tư sẽ giảm trên diện rộng nhưng vẫn có hy vọng rằng các nhà đầu tư có thể chuyển hướng nguồn vốn sang các lĩnh vực định hướng bền vững như năng lượng xanh.

Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp lực lượng lao động ổn định trong tương lai bằng cách đóng vai trò là người hỗ trợ và động lực để hợp lý hóa các hoạt động. Công nghệ có thể giảm lượng khí thải carbon bằng cách đảm nhận một số lao động và phân tích dữ liệu để cải thiện dịch vụ fintech của khách hàng, một số lợi ích khác bao gồm quản lý rủi ro, phát hiện gian lận và xác minh danh tính.

Hơn hết, fintech có thể góp phần chống biến đổi khí hậu bằng cách tạo ra các nền tảng hoặc ứng dụng để bù đắp lượng tín chỉ carbon. Các công nghệ như blockchain có thể hỗ trợ việc lưu trữ hồ sơ, nhưng điều cần thiết là phải sử dụng nó theo cách không gây hại cho môi trường. Khi các ngân hàng và tổ chức tài chính chuyển từ hệ thống truyền thống sang hệ thống kỹ thuật số, ngành này sẽ tăng cường tự động hóa và sử dụng AI để thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn.

Nhìn chung, fintech khu vực Đông Nam Á hứa hẹn sẽ tạo ra nhiều cơ hội để các nhà đầu tư kiếm tiền trong năm nay. Còn với các nhà sáng lập, khả năng thích ứng và đổi mới liên tục là rất quan trọng để vượt qua giai đoạn thử thách này…

Ngô Huyền

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/du-doan-thi-truong-fintech-dong-nam-a-nam-2024.htm