Du học sinh đón Tết: Vị quê hương không nơi nào có được
Tết là ngày đoàn viên. Những ngày này, nhiều du học sinh người Việt xa nhà đau đáu, nghẹn lòng nỗi nhớ quê hương...
Nhớ hương vị quê nhà
Gần 6 năm đi học xa nhà, dù đã quen với những ngày Tết không được quây quần đông đủ gia đình, Tiến Đạt (26 tuổi, Thái Bình, du học sinh tại Nhật Bản) vẫn không khỏi chạnh lòng khi thêm một mùa đoàn viên nữa không được về nhà.
Nhắc đến Tết, Đạt không giấu nổi sự xúc động: "Đối với du học sinh như tôi, về quê ăn Tết là một điều xa xỉ, bởi thời gian này vé máy bay rất đắt. Lướt mạng xã hội, thấy ai cũng chia sẻ những hình ảnh bánh chưng, bữa cỗ tất niên hay đi chùa cầu may khiến tôi nhớ nhà đến nao lòng".
Đạt nhớ những lần dọn nhà cùng bố, sửa soạn cơm cúng giao thừa cùng mẹ, rồi tối 30 Tết cả nhà ngồi xem Táo quân. Mỗi lần gọi điện về nhà, nhìn thấy gia đình quây quần bên nhau nhưng Đạt cố kìm nén, chỉ đến khi kết thúc cuộc gọi, Đạt mới dám rơi nước mắt để gia đình khỏi lo lắng.
Năm nay, Đạt cùng các bạn tự gói nem, luộc gà, làm mâm ngũ quả... để vơi nỗi nhớ nhà. Tại Nhật Bản, khu Đạt sống có nhiều người Việt và có đến ba siêu thị châu Á nên những ngày này cũng có chút không khí Tết.
Gác lại những nỗi buồn tủi, Đạt tự an ủi bản thân rằng, học tập nơi xứ người là cơ hội. Đó là những trải nghiệm giúp bạn trẻ trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống. Đây cũng chính là điều giúp bố mẹ phần nào yên tâm và tự hào về con trai mình.
Tương tự, đối với Nguyễn Hương (24 tuổi, du học sinh Hàn Quốc), Tết chỉ thực sự có ý nghĩa khi được ở cạnh gia đình. Nhắc về Tết, Hương cho biết: "Năm nay đã là năm thứ 3 không được ăn Tết ở Việt Nam. Hè vừa rồi, tranh thủ thi học kỳ I xong, tôi cũng về 1 tuần thăm nhà, nhưng sum họp với gia đình vào ngày Tết là khoảng thời gian vô cùng thiêng liêng đối với những người xa quê".
Hương kể về quãng thời gian đầu mới sang Hàn Quốc, đó là dịp cận Tết, Hương chỉ có thể lên mạng xã hội để nhìn thấy không khí mua sắm rộn ràng, các món ăn truyền thống được chuẩn bị ra sao. Nhưng chỉ xem thôi, nhìn thôi chứ không được chạm vào, không được thưởng thức. Dó vậy, Tết càng trở nên cô đơn và nỗi nhớ nhà như thêm da diết.
Thông thường vào dịp cuối năm, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẽ phối hợp Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức Tết Cộng đồng, Hương cho hay, đây là cơ hội được ăn những món ăn truyền thống, nói ngôn ngữ của mình cho đỡ nhớ quê.
Lưu giữ phong tục Tết Việt ở nơi xa xứ
Dù xa quê hương và một lòng khắc khoải nỗi nhớ Tết, thế nhưng cứ mỗi dịp Tết đến là Anh Nguyễn (du học sinh Mỹ) vẫn luôn cố gắng lưu giữ phong tục đón Tết. "Cứ đến ngày 30 Tết Âm lịch, du học sinh chúng tôi lại tranh thủ người đi chợ Việt sắm Tết, người ở nhà trang trí nhà cửa, rồi nấu những món ăn đặc trưng như hành muối, giò lụa, bánh tét, củ kiệu, thịt kho... đúng phong tục ăn Tết tại quê hương".
Chia sẻ việc sắm Tết tại nước ngoài, Anh Nguyễn chia sẻ, mua thực phẩm quê nhà không hề khó, các khu chợ của người Việt ở nước ngoài luôn sôi động, trưng bày và bán đầy đủ các vật phẩm phục vụ. Chất lượng và đa dạng về mẫu mã ở đây không kém phần hấp dẫn so với các khu chợ Tết trong nước.
Với lòng yêu quê hương, muốn các nước bạn biết đến nét đẹp truyền thống của người Việt Nam, vào sáng mùng 1 Tết, Anh Nguyễn sẽ mời các bạn cùng lớp đến từ các nước khác nhau đến nhà thưởng thức món ăn truyền thống, mặc áo dài và lì xì theo đúng phong tục Việt Nam.
"Mang trong mình dòng máu Việt Nam, những người con xa quê luôn vẹn nguyên tình yêu quê hương, lòng tự hào về dân tộc...", Anh Nguyễn cho hay.