Du học sinh kể chuyện học MBA ở Mỹ khi dịch Covid-19 bùng phát
Dịch ập đến khiến cuộc sống du học sinh đảo lộn, khó khăn trong cuộc sống, học tập lẫn khi xin thực tập, thậm chí có lúc, họ nghi ngờ quyết định sang Mỹ học MBA của bản thân.
“New York vỡ trận rồi”. Vy Chế, du học sinh MBA tại ĐH Connecticut, nhận tin nhắn từ bạn khi dịch mới ập đến New York. Tiếp đó là chuỗi ngày khó khăn, cuộc sống đảo lộn mà Vy cũng như các du học sinh Việt Nam gặp phải tại Mỹ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Họ phải nỗ lực rất nhiều để cầm tấm bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) và để có thể cùng nhau chia sẻ những ngày tháng đáng nhớ ấy trong lễ tốt nghiệp online dành cho sinh viên MBA Việt Nam tại Mỹ hôm 6/6.
Cuộc sống du học đảo lộn vì dịch
Vy kể thời gian đầu, cô liên tục nhận thông báo trấn an từ trường. Rồi đến một ngày, trường quyết định đóng cửa, chuyển sang học online. Lúc đó, Vy bất an, ngỡ ngàng vì cô vừa sang Mỹ vài tháng, mới làm quen bạn bè trong lớp. Cô cũng biết kế hoạch về nước nghỉ hè xả hơi trước khi thực tập tại công ty mơ ước có thể đổ bể vì dịch.
“Nỗi sợ, hoang mang ập đến, sợ bị nhiễm bệnh vì chi phí y tế đắt đỏ, không có người thân, bạn bè chăm sóc, không dám đi mua nhu yếu phẩm vì siêu thị gần nhà đóng cửa do dịch, và hơn hết là nỗi mơ hồ về tương lai không đoán trước”, Vy Chế nhớ lại những ngày sống trong âu lo.
Hồng Đoàn, sinh viên MBA tại ĐH William & Mary, cũng trải qua khó khăn tương tự. Cô thừa nhận dịch bệnh bùng phát từ sau kỳ nghỉ xuân năm 2020 tại Mỹ đặt du học sinh trước nhiều thử thách, xáo trộn.
Việc học chuyển sang online. Du học sinh đối diện cảm giác hụt hẫng, thiếu vắng tương tác trực tiếp với giáo sư cũng như cơ hội kết nối với bạn học, nhà tuyển dụng.
Dịch bệnh còn đẩy các du học sinh vào tình cảnh bị chấm dứt thị thực nếu học hoàn toàn qua hình thức trực tuyến. Họ rơi vào tình thế lựa chọn sức khỏe hay thị thực và hy vọng về công bằng cho sinh viên quốc tế tại Mỹ.
“Đôi khi, chúng tôi nghi ngờ về sự lựa chọn của chính mình về giấc mơ Mỹ”, Hồng tâm sự.
Rất may, vấn đề thị thực được gỡ bỏ. Tuy nhiên, thị trường việc làm chạm đáy, sa thải người lao động hàng loạt đẩy du học sinh vào nỗi lo thất nghiệp.
Mãi đến tận ngày tốt nghiệp, Hồng Đoàn vẫn nhớ cảm giác hoang mang khi cơ hội thực tập với công ty tại New York bị thu hồi do dịch ảnh hưởng tình hình kinh doanh của doanh nghiệp và lệnh phong tỏa thành phố.
Nước mắt du học sinh
Không chỉ khó khăn do dịch bệnh, cuộc sống du học còn khiến các bạn trẻ phải đối mặt với nhiều thách thức khác, thậm chí đến mức họ nghi ngờ, hối hận về quyết định du học.
Vũ Đinh, sinh viên MBA tại ĐH San Francisco đã trải qua những ngày tháng như thế. Anh đến Mỹ với tâm lý thoải mái, tự tin vì đã đi làm 5 năm trước khi du học lại có học bổng toàn phần, không áp lực tài chính.
Thế nhưng, Vũ vẫn phải bật khóc vì sốc văn hóa, khó hòa nhập, cô đơn, nhớ nhà. Những ngày đầu, 50% bạn bè, thầy cô không hiểu anh nói gì.
Trong lớp, giáo sư đặt câu hỏi, khi Vũ đang sắp xếp suy nghĩ, bạn học đã giơ tay phát biểu. Khi làm việc nhóm, chàng trai từng quản lý hàng chục nhân viên nay phải cố gắng để không trở thành người vô hình.
Động lực lớn nhất của anh lúc đó là cố gắng học để đến hè sẽ về nước thăm nhà. Nhưng Covid-19 ập đến, mọi chuyến bay thương mại đến Việt Nam bị hủy. Cùng lúc đó, Mỹ rơi vào giai đoạn nhạy cảm với bầu cử tổng thống, biểu tình, tình trạng kỳ thị, tấn công người châu Á.
“Những lần như thế, nước mắt rơi ướt đẫm cả gối. Tôi tự hỏi du học MBA sao mà vất vả, khó khăn và đầy nỗi sợ hãi thế”, Vũ Đinh tâm sự.
Nhưng trải nghiệm khó khăn, đau đớn nhất với anh lại là vấn đề tìm nơi thực tập. Ở Việt Nam, Vũ là nhân viên xuất sắc, được nhiều nhà tuyển dụng săn đón. Nhưng ở Mỹ, anh nhận ra mình chỉ là con số 0 - không phải người bản xứ, không có kinh nghiệm làm ở tập đoàn lớn nổi tiếng toàn cầu, không học ở những trường hàng đầu như Harvard, Stanford.
Hồ sơ của anh chìm nghỉm giữa hàng nghìn ứng viên khác. Anh từng nhận mail từ chối chỉ một phút sau khi ấn gửi hồ sơ do không qua được máy lọc hồ sơ tự động. Anh gửi 100 đơn ứng tuyển mới may mắn có được một cuộc gọi phỏng vấn.
Kể cả khi Vũ chuẩn bị cẩn thận, cách phát âm tiếng Anh với giọng châu Á cũng là yếu tố gây mất điểm. Anh từng luyện tập ngày đêm, ngồi máy bay 5 tiếng để đến trụ sở một công ty ở New York phỏng vấn. Hôm đó, buổi phỏng vấn có hai vòng và Vũ là người duy nhất bị loại ở vòng đầu tiên. Anh bật khóc, nhận ra mình không giỏi như mình nghĩ, đặc biệt ở thị trường cạnh tranh như Mỹ.
Trong một buổi phỏng vấn xin thực tập khác, mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, người phỏng vấn lẫn được phỏng vấn vui vẻ trò chuyện. Nhưng 3 ngày sau, thứ anh nhận được vẫn là lá thư từ chối.
“Điều khó chịu nhất của những lần thất bại là cảm giác hoài nghi về bản thân, cảm giác mình là kẻ ngu ngốc, mọi cố gắng đều sẽ trở thành vô nghĩa. Thật đau đớn khi nhận ra tôi bay nửa vòng Trái đất đến Mỹ học lại để đánh mất đi thứ quý giá nhất - lòng tin vào chính mình”, Vũ Đinh chia sẻ.
Lễ tốt nghiệp đặc biệt trong dịch
Thế nhưng, Vũ cũng như những du học sinh Việt Nam sang Mỹ với khát vọng nhận bằng MBA vẫn kiên trì, vượt qua khó khăn, bất ổn. Ngày 6/6, ban quản trị nhóm sinh viên MBA Việt Nam ở Mỹ quyết định tổ chức lễ tốt nghiệp online cho khóa tốt nghiệp năm 2021 như để tạm đặt dấu chấm cho hành trình vừa qua.
30 tân thạc sĩ Quản trị kinh doanh cùng nhau chia sẻ về trải nghiệm đáng nhớ của mình. Với Vy Chế, Covid-19 không chỉ mang lại trắc trở mà còn giúp cô học cách sắp xếp thời gian, không gian kết nối với chính con người mình.
Cô gia nhập nhiều hội nhóm khác nhau, tham gia các dự án để học hỏi thêm và khiến mình bận rộn. Các cuộc gặp online giúp Vy tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, dành dụm để sống sót qua dịch.
Việc học online cho phép Vy linh động thời gian và không gian. Cô quyết định chuyển qua chỗ ở mới khí hậu ấm áp hơn, có nhiều đồ ăn Việt Nam, thị trường lao động sôi động hơn nếu kinh tế phục hồi.
Còn với Hồng Đoàn, trong sự khó khăn, cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau để giới thiệu nhiều cơ hội việc làm mới, động viên tinh thần nhau.
Thời gian học tập tại Mỹ trong dịch của Vũ Đinh cũng có những hạnh phúc. Nó là khoảnh khắc hít hà tô phở Việt trên đất Mỹ, khi bài thi được điểm cao nhất lớp, nhận lời khen từ giáo sư và khi nhận lời mời thực tập từ công ty lớn sau hàng trăm lần thất bại.
Vũ Đinh chia sẻ trải qua khó khăn, thử thách, thậm chí cả khi tưởng chừng mất tất cả, anh nhận ra mình vẫn luôn còn tài sản vô giá - niềm tin, sự yêu thương giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, thầy cô và cộng đồng người Việt ở Mỹ.
Nhóm MBA Việt ở Mỹ mới chỉ hơn 400 người nhưng thành viên luôn nhận được sự giúp đỡ khi cần, từ luyện tập phỏng vấn, giới thiệu hồ sơ hay chỉ đơn giản là cùng nhau đón Tết, tâm sự lúc nhớ nhà, khó khăn.
Đó cũng là những gì bà Lê Diệp Kiều Trang, Cựu sinh viên MBA trường MIT Sloan, người sáng lập Alabaster, cựu giám đốc Facebook Việt Nam, đã chia sẻ trong lễ tốt nghiệp online của du học sinh MBA hôm 6/6.
Bà cho rằng 10 năm nữa nhìn lại, điều quý giá nhất sẽ là những mối quan hệ, những người bạn cũ, những người đã luôn đồng hành trong lúc khó khăn. Họ làm mình khóc khi nhớ về họ, nhưng là giọt nước mắt của tình thân, tình đồng bào và tình người.