Du học sinh Mỹ: Những người bị bỏ rơi giữa đại dịch Covid-19
Khi các trường đại học tại Mỹ đột ngột đóng cửa vào tháng trước khi đại dịch virus Corona bùng phát, rất nhiều du học sinh rơi vào tình cảnh khó khăn khi không nhà, không việc làm, không tiền bạc, tìm cách sinh tồn tại nước Mỹ giữa tâm dịch.
Trường đại học Yale vắng vẻ vì đại dịch. Ảnh: GI
Rất nhiều du học sinh trong số hơn 1 triệu người đang theo học tại Mỹ đều sống trong các khu ký túc xá đại học, khiến họ phải nhanh chóng tìm một nơi ở tạm trong khi đối mặt với nhiều vấn đề khác.
Một số du học sinh, vì hạn chế của visa, không thể làm việc bên ngoài trường học, khiến cho khả năng tài chính trở nên ngày càng hạn hẹp khi bản thân chẳng có được khoản tiết kiệm dự phòng nào. Ngoài ra, họ còn phải lo vấn đề học phí, vốn cao hơn nhiều so với những học sinh bản địa.
Khi mà tình hình quá eo hẹp, một số du học sinh nói rằng họ đã phải tới các khu từ thiện để xin một bữa ăn. Nếu như gia đình không đủ khá giả để thuê một ngôi nhà riêng bên ngoài khu ký túc xá, hay thậm chí là đặt vé máy bay về nước, những du học sinh này chỉ còn cách là sống nhờ ở nhà một ai đó, và chẳng biết khi nào sẽ bị đuổi ra vì sự bất tiện này.
"Thế giới của tôi đang dần sụp đổ", Elina Mariutsa, một du học sinh người Nga tại đại học Northeastern cho biết. Cô nói rằng cô không chắc sẽ có thể quay lại nước Mỹ hay không, khi bố mẹ cô đã phải bán cả một căn nhà, thậm chí vay mượn thêm để trả tiền học những tháng trước của cô.
Cô chắc chắn rằng với việc đồng Rúp mất giá, gia đình cô sẽ không thể trả nổi khoản học phí 27.000 USD cho học kỳ cuối này, chưa kể tới các chi phí sinh hoạt đắt đỏ.
"Tôi chẳng biết liệu mình có thể tốt nghiệp hay không. Ngay lúc này, gia đình tôi chắc chắn không thể trả nổi học phí của kỳ cuối, với 4 môn học còn lại", cô nói.
Các trường học nói rằng họ đã nhanh chóng giúp đỡ các du học sinh bằng việc cho mở cửa 1 số ký túc xá khi có thể, đưa học sinh về nước trong một số trường hợp. Trường đại học New York University, nơi có nhiều du học ính hơn bất kỳ trường nào khác trên cả nước Mỹ, nói rằng họ đã tạo nên một quỹ tài trợ khẩn cấp cho các du học sinh.
"Tất cả mọi người đang làm hết sức mình vào thời điểm khó khăn này", Jigisha Patel, cố vấn cho các học sinh nước ngoài tại New York University cho hay.
Chính phủ đang làm mọi thứ để giúp đỡ những sinh viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch, tuy nhiên với chính sách "nước Mỹ trước tiên" mà chính phủ của ông Trump đề ra, những sinh viên quốc tế sẽ không được nhận trợ cấp trong gói 6 tỷ đô viện trợ.
Nhiều du học sinh tại Mỹ gặp khó khăn khi dịch Covid-19 xuất hiện
Rất nhiều học sinh nói rằng sự trợ giúp từ phía các trường đại học là không đủ. "Đây là thời điểm hỗn loạn và tôi không biết đi đâu", Anna Scarlato, một du học sinh người Italy cho biết.
Cô nhận được tin hồi tháng 3 rằng cô sẽ bị trục xuất khỏi ký túc xá của trường đại học Chicago trong vài ngày tiếp theo vì lệnh cách ly. Scarlato đã phải tới tá túc nhờ tại phòng trọ của bạn trai tại một trường đại học khác.
Tuy nhiên, chỉ hôm sau, cả hai biết rằng họ cũng sẽ phải rời khỏi ký túc xá đó. Cô đã chấp nhận thuê lại một căn phòng trong một chung cư ở Chicago, nhưng sau đó biết được rằng, vì lệnh cách ly tại Italy, cha mẹ cô sẽ không thể tới ngân hàng để gửi tiền thuê nhà cho cô.
Vào phút cuối, mẹ của bạn trai cô đã mua vé cho cả hai cùng quay trở về California. "Tôi không biết mình sẽ đi đâu và làm gì trong vòng 2 tuần hay 2 tháng tới", cô nói. "Tôi cảm thấy mình như một kẻ ăn bám vậy".
Khi các lớp học bị tạm hoãn tại đại học Yale, Sam Brakarsh, một du học sinh từ Zimbabwe, lo ngại rằng mình có thể lây nhiễm virus cho bố mẹ ở nhà hoặc bị kẹt ở sân bay nào đó vì lệnh cách ly. Vì thế, anh quyết định vào sống cùng với gia đình một người bạn học ở Amherst.
Giờ đây, vì lo ngại gia đình người bạn thân cảm thấy bất tiện và bảo hiểm y tế của anh chỉ có tác dụng khi ở gần trường, Brakarsh quyết định dọn vào ở chung với một giáo sư của mình. "Tuy nhiên, không gì là mãi mãi cả", anh nói.
Rất nhiều học sinh không muốn gia đình biết về tình hình khó khăn của bản thân, khi chính họ cũng đang chật vật để kiếm tiền đóng học phí.
Stephany da Silva Triska nói rằng mẹ cô ở Brazil đã dừng ăn ở các nhà hàng, không đổi xe và không đi du lịch để con gái có thể theo học tại đại học California.
Dù đạt được các thành tích học tập cao và được nhận học bổng, tuy nhiên cô vẫn lo lắng không biết mình có thể tốt nghiệp hay không. Khi học bổng của cô vẫn chưa có hiệu lực, công việc kinh doanh nội thất của mẹ cô gặp trở ngại.
Triska, người phải đi làm thêm để trả tiền thuê nhà, nói rằng cô vẫn nợ 600 đô tiền học phí học kỳ cuối. "Bất kể khi nào tôi đăng nhập vào tài khoản của mình đều thấy khoản tiền nợ 600 đô. Tôi chẳng biết mình nên làm gì và nên hỏi ai để có thể giúp đỡ trong vấn đề này", cô nói.
Những người may mắn hơn, kịp mua vé để trở về với gia đình thì đang lo ngại các vấn đề pháp lý cần giải quyết khi muốn quay trở lại học.
Mercy Idindili, một du học sinh tại đại học Yale, nói rằng cô đã trở lại Tanzania sau khi nhận được hàng loạt email của trường, nói rằng họ sẽ "cho phép rất ít trường hợp" các du học sinh được ở lại các ký túc xá ở Mỹ.
Du học sinh tại Mỹ gặp khó khăn ngay cả khi học trực tuyến trên mạng
Trước đó, Idindili từng muốn ở với bạn tại Georgia, nhưng sau khi bạn cô nói rằng sẽ không thể ở chung trong khoảng thời gian dài, cô quyết định quay trở về nhà.
Trước khi trở về bằng vé do nhà trường tài trợ, cô đã nói với các giáo sư trước về việc chênh lệch múi giờ và Internet không ổn định ở quê nhà.
"Tuần đó thật sự rất kinh khủng", cô nói. "Tôi khóc suốt vì không biết phải làm gì và cảm thấy thật thất vọng". Ban đầu, cô phải dậy lúc 3 giờ sáng để học online. Sau đó, các giáo sư đã phải ghi lại toàn bộ buổi học để giúp cô có thể dễ dàng theo sát hơn.
Tuy nhiên, vấn đề khác là visa của cô sẽ hết hạn vào tháng 7, và các lãnh sự quán Mỹ tại Tanzania thì đều đã đóng cửa vô thời hạn. Phía Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ngừng cấp visa tới khi có thông báo mới.
Visa du học sinh cũng yêu cầu họ phải trực tiếp tới lớp chứ không phỉa học online. Điều này cũng gây nên trở ngại cho các du học sinh. Phía Bộ An ninh nói rằng đã tạm thời nới lỏng các luật lệ này trong thời kỳ khủng hoảng, nhưng có thể đảo ngược quyết định này bất kỳ lúc nào.
Emma Tran, một du học sinh người Việt tại đại học bang California nói rằng cô chỉ còn đủ tiền để sinh hoạt thêm 1 tháng nữa và có khả năng sẽ phải quay về nhà. Cô dã mất cả hai công việc làm thêm tại trường vì đại dịch.
Thu nhập của gia đình cô, tới từ việc cho người nước ngoài thuê nhà, cũng gần như bằng không trong thời kỳ đại dịch bùng phát. Cô kể rằng có lần cô đã tới các khu từ thiện để ăn cơm nhằm tiết kiệm chi phí, lúc khác thì chỉ ăn cơm trắng hoặc nhiều khi bỏ cả bữa.
"Mẹ tôi nói rằng nếu tình hình không cải thiện trong 2-3 tháng tới, tôi sẽ phải về nhà", cô cho hay.
Mariutsa, một du học sinh người Nga tại đại học Northeastern kể rằng cô đang đi thực tập tại Geneva khi đại dịch bùng phát. Một buổi sáng cô thức dậy và thấy thông tin về việc biên giới Mỹ sẽ đóng cửa trong chiều hôm đó, kèm theo một lá thư của trường gọi cô về Mỹ ngay lập tức. Chuyến bay cuối cùng cất cánh sau đó 2 tiếng.
"Đó là khoảng thời gian khủng hoảng nhất của tôi", cô nói. Sau đó cô quyết định ở lại Thụy Sĩ khi sếp cô khuyên không nên quay trở về New York vì đây đang là tâm dịch.
Giờ cố sống không có thu nhập và bảo hiểm. Khi hết tiền, cô dự định dọn vào ở chung với các đồng nghiệp, những người đã ngỏ ý giúp đỡ cô.