Du học sinh nên ở lại hay về nước làm việc?
Du học là một cách để cá nhân tiếp cận nền giáo dục mới, những tri thức, phương pháp dạy, học, nghiên cứu mới và nhiều cơ hội khác. Kết thúc quá trình học tập, có một vấn đề mà du học sinh cần xác định: ở lại hay về nước xây dựng sự nghiệp?
Những du học sinh nhận được học bổng cao, song, không làm việc, xây dựng sự nghiệp ở trong nước dễ bị phê phán là thiếu tinh thần dân tộc, xây dựng đất nước vốn đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, họ cũng bị cho là thái độ không đúng đắn sau khi thụ hưởng những nguồn lực của quê hương nhưng không trở về lập nghiệp, cống hiến.
Cần nhiều điều kiện để người có kỹ năng làm việc tốt phát huy hết năng lực của mình
Hoàn thành chương trình học tập, rèn luyện, du học sinh có thể có kỹ năng làm việc, xử lý vấn đề tốt trong lĩnh vực chuyên môn, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của đất nước. Song, cũng cần hiểu rằng, để những trí thức cống hiến và phát huy hết năng lực của mình cũng cần những điều kiện nhất định về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, nguồn kiến thức…
Về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong – cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ quan điểm: Một bác sĩ muốn nghiên cứu sâu phương pháp chữa bệnh ung thư dạ dày, ngoài tri thức mà bác sĩ đó tích lũy được khi đi du học ở một quốc gia phát triển, còn cần phòng thí nghiệm hiện đại, đảm bảo đủ công cụ để vị bác sĩ ấy thử nghiệm, ứng dụng tốt điều học được vào quá trình nghiên cứu của mình. Nhưng nếu trong nước không đáp ứng được điều kiện đó, bác sĩ cũng không thể tiến hành được.
Khi người ta có kỹ năng, có hiểu biết nhưng không thể sử dụng chúng vào công việc, phát triển bản thân và đóng góp cho lĩnh vực chuyên môn của mình thì đó là một sự lãng phí.
Sống và làm việc ở đâu cũng được, miễn là… tử tế
Trong nền kinh tế tri thức, các quốc gia cạnh tranh nhau người có năng lực làm việc, do đó tạo ra nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân tài.
Ai cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc, được chuyển đến những nơi có điều kiện sinh sống, học tập và làm việc tốt hơn. Đây là nhu cầu chính đáng, nhân văn và cần được tôn trọng.
Ở góc độ nhà khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong cho rằng, với những người tài giỏi thực thụ, khái niệm biên giới cũng mềm hơn rất nhiều. Điều họ mong muốn là đóng góp năng lực, trí tuệ của mình cho nhân loại nói chung.
"Lọt sàng, xuống nia", trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, những sản phẩm tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống con người, những phương pháp mang lại hiệu quả lớn được phát hiện, sáng tạo ở quốc gia này, rồi những quốc gia khác, sớm hay muộn cũng sẽ được hưởng thụ thành quả đó.
Người tài, người có kỹ năng làm việc tốt, nếu trở về quê hương, vốn đang gặp nhiều khó khăn để đóng góp thì sẽ tốt hơn. Nhưng không nên quá nặng nề vấn đề này.
"Phải có điều gì đấy mà người ta không hài lòng với đất nước của mình thì họ mới bỏ nơi sinh ra và lớn lên, xa bố mẹ, anh chị em. Rời đi như vậy là một sự bất đắc dĩ chứ cũng không thoải mái gì...
Nhà nước cần có chính sách, cơ chế hợp lý để thu hút nhân tài, tạo điều kiện cho người có năng lực phát huy sở trường và đảm bảo nhu cầu cuộc sống của họ".
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong nói thêm: "Mục tiêu của giáo dục là tạo ra con người đi làm. Nếu những du học sinh trở thành chuyên gia rất giỏi của Mỹ, Trung Quốc, Nga hay ở Việt Nam, tức là họ được việc, có đóng góp cho nhân dân, xã hội, thì đó là thành công.
Miễn người ấy không làm hại nhân dân, không chống lại và gây điều xấu cho đất nước nơi họ sinh ra, nơi họ làm việc và sống tử tế thì cá nhân tôi không phê phán việc người ấy lập nghiệp ở đâu".
Có nhiều cách khác nhau để đóng góp, xây dựng quê hương, đất nước
Không phải chỉ ở Việt Nam, công dân mới đóng góp tích cực cho đất nước. Người Việt ở nước ngoài luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Bằng những hoạt động cụ thể khác nhau, họ vẫn đang góp phần xây dựng quê hương đất nước phát triển.
Năm 2021, kiều bào đã quyên góp số tiền lên tới hơn 80 tỉ đồng, cùng nhiều trang thiết bị, vật tư y tế ủng hộ Quỹ Vắc-xin phòng chống COVID-19 và công tác phòng, chống dịch ở trong nước.
Nhiều kiều bào tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với trong nước, thậm chí dành cả cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ chống dịch, tình nguyện về nước tham gia tuyến đầu chống dịch.
Kiều bào ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vắc-xin, vận động sở tại hỗ trợ vắc-xin, vật phẩm y tế cho Việt Nam.
Đặc biệt, mặc dù chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, nhưng lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 vẫn tăng 5,2% so với năm 2020 - ước đạt 18,1 tỉ USD (theo Ngân hàng Thế giới).
Nhiều chuyên gia, trí thức Việt Nam cũng đã tập hợp, thành lập các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo ở sở tại và đẩy mạnh hoạt động về trong nước như Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, châu Âu...
Bên cạnh đó, một số hội nhóm được thành lập mới như Liên hiệp các Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại châu Âu (tháng 9/2021); Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ (ra mắt tháng 12/2021). Kiều bào có nhiều sáng kiến, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo đóng góp cho đất nước.
Các du học sinh, hay Việt kiều là những "đại sứ" văn hóa, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Thế giới phẳng làm khoảng cách địa lý và ranh giới giữa các quốc gia được xóa mờ. Xây dựng công dân toàn cầu trong "ngôi nhà toàn cầu" đang trở thành mối quan tâm lớn của nhiều quốc gia.
Trong bối cảnh ấy, công dân làm việc, xây dựng sự nghiệp ở đâu không quan trọng. Khi tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc thì dù tại quốc gia nào, công dân vẫn sẽ có cách để đóng góp, xây dựng quê hương, đất nước phát triển.