Du học sinh Việt ở Paris làm thêm, tình nguyện viên mùa Olympic
Tiến Quốc làm tình nguyện viên tại Olympic Paris 2024. Trong khi đó, Minh Khôi hướng dẫn và điều tiết giao thông tại các trạm tàu, phục vụ Thế vận hội.
Ngày 26/7, 14h30 (giờ Paris), sau khi kết thúc một ngày thực tập, Bùi Tiến Quốc (du học sinh tại trường Kỹ thuật và Khoa học máy tính, Pháp - EPITA) vội vàng đến Quảng trường Trocadero, nơi diễn ra Lễ khai mạc Olympic Paris 2024.
Mùa hè năm nay, Tiến Quốc đã chọn ở lại Pháp để tham gia công tác tình nguyện, phục vụ Thế vận hội.
“Mùa hè đầu tiên của mình ở Pháp trở nên ý nghĩa và nhiều kỷ niệm hơn khi Olympics quay lại Pháp sau 100 năm”, Quốc chia sẻ.
Không riêng Quốc, trong khoảng 20 ngày diễn ra Olympic, Nguyễn Vũ Minh Khôi (du học sinh ngành Kiến trúc tại trường École Spéciale d’Architecture) cũng chọn làm thêm thời vụ tại Công ty đường sắt Paris RATP để có thêm trải nghiệm trong mùa hè “rực lửa" này.
Đăng ký làm tình nguyện viên, làm thêm tại Paris
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Tiến Quốc cho biết từ năm ngoái, khi biết Pháp sẽ đăng cai tổ chức Olympic 2024, nam sinh đã nảy sinh ý định đăng ký tham gia tình nguyện viên cho Thế vận hội. Ngay khi ban tổ chức mở đơn, Quốc lập tức đăng ký hỗ trợ tại lễ khai mạc và một số môn thi.
Điều kiện cơ bản để trở thành tình nguyện viên là có thể giao tiếp tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Tình nguyện viên cũng cần có tinh thần trách nhiệm, cam kết gắn bó và hết mình trong công việc.
“Ban tổ chức xét duyệt không quá khắt khe. Họ chào mừng tất cả tình nguyện viên đến từ bất kỳ quốc gia, chủng tộc hay độ tuổi, giới tính và cả người khuyết tật", Quốc nói.
Trong khi đó, Minh Khôi cho biết ở Paris, phương tiện công cộng là một phần thiết yếu. Nhiều người dân địa phương lo ngại kỳ Olympic sẽ gây ra tình trạng quá tải với 10 triệu khách du lịch. Vì vậy, công ty RATP đã tuyển thêm nhân viên thời vụ.
Khôi đã trải qua một cuộc phỏng vấn đơn giản, chủ yếu là kiểm tra mức độ thành thạo ngôn ngữ (tiếng Pháp, Anh) và cách xử lý linh hoạt để có thể hướng dẫn và điều tiết giao thông.
Chia sẻ thêm, Tiến Quốc cho hay một số bạn bè người Pháp thường không thích sự đông đúc, chật chội do Olympic mang lại, nên họ chọn cách về quê, hoặc đi du lịch giai đoạn này. Quốc thì ngược lại. Nam sinh thích tìm hiểu, tham gia và chứng kiến những sự kiện lớn như vậy.
“Từ nhiều tháng trước, mình rất hào hứng khi tận mắt chứng kiến công tác chuẩn bị cho Olympic. Pháp đã nỗ lực mang lại một Thế vận hội đáng nhớ bằng cách liên tục bảo trì, xây dựng, sửa chữa và nâng cấp cơ sở hạ tầng, đường xá…”, Quốc chia sẻ.
Hòa mình với Thế vận hội
Tại Lễ khai mạc Thế vận hội, Quốc được giao đảm bảo an ninh trật tự, rà soát vé, hướng dẫn, điều phối luồng khán giả và hỗ trợ họ trong suốt buổi lễ. Nam sinh nhớ như in ngày hôm đó, trời mưa rất to, cậu phải dầm mưa trong suốt 4-5 giờ để hoàn thành công việc.
Dù vậy, việc được chứng kiến toàn bộ hoạt động của lễ khai mạc, từ việc nghe danh ca Céline Dion, Lady Gaga hát trực tiếp, cho đến các màn trình diễn ánh sáng đầy nghệ thuật khiến Quốc rất hào hứng.
“Diva Céline Dion bước lên sân khấu sau nghi lễ thắp sáng ngọn đuốc. Tất cả hòa cùng giọng hát của cô và hướng về tháp Eiffel, khoảnh khắc đó thực sự khiến mình ấn tượng", nam sinh chia sẻ.
Tiến Quốc cũng không thể quên giây phút chuyến tàu chở đoàn Việt Nam đã xuất hiện. Người giương quốc kỳ là VĐV cầu lông Lê Đức Phát và VĐV đua xe đạp Nguyễn Thị Thật, bên cạnh là các thành viên khác trong đoàn.
“Giây phút đó, cảm xúc của mình chỉ gói gọn trong 2 chữ tự hào", Quốc nhớ lại.
Trong khi đó, do làm công việc thời vụ, lịch làm việc của Minh Khôi không cố định số buổi mỗi tuần. Ca làm việc của Khôi kéo dài khoảng 8,5 giờ, từ 15h30 cho đến nửa đêm và phải làm việc cả cuối tuần.
Do làm trong công ty đường sắt, địa điểm làm việc của nam sinh thường là dưới lòng đất, đứng sau cánh gà chứ không trực tiếp sống trong không khí lễ hội.
Tuy nhiên, Khôi vẫn có những trải nghiệm thú vị khi tham gia công việc này. Theo đó, nam sinh được phân công tại trạm tàu ở gần một sân vận động lớn. Sau khi các trận đấu kết thúc, các đám đông sẽ ùa ra và di chuyển xuống tàu.
Điều này thường gây ra tình trạng quá tải, khiến nhiều vị khách hoảng hốt, khó chịu, đủ cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố. Các vị khách lại đến từ nhiều quốc gia khác nhau với nhiều văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ…
“Lúc đầu, mình rất lóng ngóng, chưa thể xử lý linh hoạt. Sau đó, mình nhận được rất nhiều sự hỗ trợ từ các cô chú nhân viên chính thức, lực lượng cảnh sát, cứu hộ và các tình nguyện viên”, Khôi nói.
Nam sinh cho hay thi thoảng, cậu cũng có những vị khách rất vui tính, đến từ nhiều quốc gia khác nhau và sẵn sàng chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị tại mỗi trận đấu sau khi nhận được sự trợ giúp.
Cái lợi khi làm tình nguyện viên, làm thêm
Tổng cộng, Minh Khôi làm thêm trong 13 ngày. Do thường làm hơn số giờ quy định, ngoài mức lương cơ bản, cận được nhận thêm tiền thưởng.
Dù không trực tiếp làm việc tại các sân vận động, song Khôi đánh giá các trải nghiệm tại Olympic 2024 đã giúp cậu học hỏi được một số thứ liên quan đến ngành Kiến trúc mà mình theo đuổi.
Theo nam sinh, với mục tiêu hướng đến hoạt động văn hóa bền vững, vừa đảm bảo hoạt động Thế vận hội, đồng thời không lãng phí công trình và cơ sở hạ tầng phục vụ vận động viên và du khách, thành phố đã quyết định dựng các khán đài có thể tháo rời trên nền các công trình văn hóa nổi tiếng lâu đời của Paris.
Ban tổ chức đã tái sử dụng nhiều cơ sở từ hơn 100 năm trước, xây mới thêm một vài cơ sở thể thao mới và một làng vận động viên ở Saint Seine Denis. Sau khi Olympic kết thúc, một số cơ sở sẽ chuyển thành các căn hộ giá rẻ cho người dân ở vùng ngoại ô còn vắng vẻ này.
Tương tự, Tiến Quốc cũng làm tình nguyện viên khoảng 15 ngày không liên tiếp. Tuy nhiên, sau Olympic, nam sinh vẫn sẽ tiếp tục công việc cho đến hết Paralympics (thế vận hội dành cho người khuyết tật).
Khác với Khôi, công việc tình nguyện của Quốc không được nhận thù lao. Bù lại, nam sinh có chiếc thẻ đặc quyền, được “truy cập” vào các khu vực diễn ra Olympic.
“Khi thế vận hội diễn ra, nhiều khu vực trong trung tâm Paris sẽ bị hạn chế để bảo đảm an ninh. Chỉ những người có giấy phép lưu thông bằng mã QR mới được phép đi vào”, Quốc nói.
Bên cạnh đó, nam sinh cũng rất vui khi được nhận đồng phục, giày, mũ, bình nước… liên quan đến Olympic. Quốc cũng được ban tổ chức tặng vé xem khai mạc, vé xem một số trận đấu, các phiếu giảm giá… So với du học sinh, các vé này có mức giá khá đắt đỏ. Quốc khá tiếc khi không có vé nào trùng lịch thi đấu của đội tuyển Việt Nam.
“Những địa điểm tổ chức Olympic đều rất đẹp. Pháp rất biết tận dụng những công trình kiến trúc của họ để xây dựng các tổ hợp thi đấu. Qua đợt tình nguyện, mình cũng được học hỏi thêm về các quy trình vận hành, quản lý thời gian cũng như rèn luyện tiếng Pháp nhiều hơn. Đây là cơ hội rất thú vị mà không phải người trẻ nào cũng có được", Quốc cho hay.