Du học sinh Việt trải qua 11 công việc ở Australia
Trúng tuyển 2 công việc đúng ngành ngay từ năm 2, Ngọc Hòa, sinh viên ĐH Deakin (Australia), tự trả học phí, chi phí sinh hoạt và hỗ trợ gia đình mua nhà.
Năm 2019, Phạm Thị Ngọc Hòa (từ Phú Yên), khi ấy chưa đầy 19 tuổi, đặt chân đến Australia để học chương trình cử nhân ngành Truyền thông - Quan hệ Công chúng tại ĐH Deakin, Melbourne.
Trong gần 4 năm ở Australia, Ngọc Hòa trúng tuyển tổng cộng 11 công việc. Đầu năm 2022, khi Australia cho phép du học sinh làm việc toàn thời gian, nữ sinh sắp xếp làm 9 công việc cùng lúc (7 việc trên trường và 2 việc ở công ty).
Hiện tại, nhờ có học bổng tốt cùng các công việc, Hòa tự trang trải học phí, chi phí sinh hoạt. Nữ sinh 22 tuổi cũng có dư và tích lũy để gửi về cho gia đình, thậm chí hỗ trợ bố mẹ mua nhà.
Với khối lượng công việc lớn như vậy, Hòa vẫn tập trung học tập và lọt vào top 15% sinh viên có điểm cao nhất ĐH Deakin với điểm trung bình môn thuộc loại xuất sắc.
Chín công việc có trả lương tại trường
Chia sẻ về cá nhân, Phạm Thị Ngọc Hòa cho biết ngay từ thời niên thiếu, cô đã có niềm tin vững chắc vào bản thân.
Niềm tin đó thôi thúc Hòa nỗ lực không ngừng suốt những năm học phổ thông. Nữ sinh luôn khẳng định mình bằng các thành tích như giải ba kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Tiếng Anh năm học 2017-2018, được tuyển thẳng đại học, nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; giải Kim cương và nhiều huy chương vàng cấp quốc gia, khu vực tại các kỳ thi Olympic tiếng Anh.
Nữ sinh còn từng là nhà sáng lập và Tổng Thư ký của Phu Yen Model United Nations (PYMUN) - hội nghị mô phỏng Liên Hợp Quốc đầu tiên ở tỉnh Phú Yên; đạt IELTS 8.0 khi mới 17 tuổi.
Mỗi năm, Hòa đều đề ra mục tiêu cụ thể cho năm mới và dành toàn bộ tâm huyết để thực hiện. Ngay cả khi ăn, ngủ, cô cũng nghĩ về mục tiêu đã đặt ra.
Khi người xung quanh bàn tán du học sinh ngành Truyền thông ở Australia khó xin việc, Hòa vẫn quyết tâm theo đuổi vì đó là mục tiêu của cô và cô tin bản thân làm được.
Ở đất nước xa lạ, nhờ tích cực học tập và tham gia các hoạt động, cuối năm nhất, Ngọc Hòa được nhận vào làm công việc hỗ trợ sinh viên của trường (có trả lương). Hiện tại, nữ sinh đã trải nghiệm đến 9 công việc của trường.
Cô là trưởng nhóm các đại sứ sinh viên của DeakinTALENT - dịch vụ hỗ trợ nghề nghiệp của ĐH Deakin, cố vấn cho các tân sinh viên học trực tuyến, cố vấn về việc viết học thuật và làm bài kiểm tra cho sinh viên.
Nữ sinh từ Phú Yên còn là đại sứ của trường tại các sự kiện tuyển sinh, đại diện sinh viên trong dự án đổi mới mô hình học tích hợp và đánh giá của trường, đại sứ cho trường trong Tuần lễ Định hướng (Orientation Week), giúp các tân sinh viên làm quen với môi trường mới.
Ngọc Hòa còn làm quản lý và tổ chức các tài liệu của Tuần lễ Định hướng, hỗ trợ sinh viên sử dụng thư viện, đảm nhận việc liên hệ các sinh viên thuộc diện đặc biệt hoặc được ưu tiên của trường để hỗ trợ họ.
Nữ sinh cho biết các công việc này có đầu vào cạnh tranh bởi nhiều ứng viên, được trả lương cao, nhàn hạ hơn các công việc tay chân thông dụng trong giới sinh viên. Hòa chia sẻ hiện tại, công việc tại trường mang lại cho cô mức lương 33-38 dollar Australia/giờ (549.000-632.000 đồng/giờ), tương đối cao so với lương trung bình ở nước này.
Bên cạnh đó, sau một năm, các công việc này giúp Ngọc Hòa trở thành một trong 5 sinh viên đạt giải Students Helping Students Award của ĐH Deakin năm 2020 (giải thưởng dành cho các sinh viên có cống hiến vượt trội nhất cho các chương trình hỗ trợ sinh viên của trường).
Không những thế, Hòa còn đạt thành tích cao trong học tập khi lọt vào top 15% sinh viên có điểm cao nhất ĐH Deakin với điểm trung bình môn thuộc loại xuất sắc.
Hai công việc đúng ngành từ năm hai
Không chỉ chú trọng công việc tại trường, Phạm Thị Ngọc Hòa còn muốn theo đuổi công việc đúng ngành. Ngay từ năm 2 đại học, sau kỳ thực tập 2 tháng, Hòa được giữ lại làm nhân viên chính thức tại một công ty tư vấn truyền thông có tiếng.
Ngọc Hòa cho biết việc trúng tuyển vào đây không dễ vì các nhà tuyển dụng thường ngại tuyển du học sinh do họ có thể không định cư. Hơn nữa, công ty có thể phải bảo lãnh giấy tờ, thủ tục phiền phức.
“Họ thường ưu ái ứng viên người Australia dù cho năng lực du học sinh nhỉnh hơn”, nữ sinh nhận định.
Bên cạnh đó, công việc đòi hỏi người lao động phải nói, viết tiếng Anh rất tốt, thậm chí hơn trình độ trung bình của người bản xứ. Đây cũng là yếu tố khiến du học sinh từ các nước không nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ khó cạnh tranh.
Ngành này cũng đòi hỏi ứng viên am hiểu văn hóa địa phương. Ứng viên bản địa chắc chắn có ưu thế hơn.
Lúc được nhận vào làm, nữ sinh tự nhận định mình “trẻ người non dạ” bởi khi ấy, cô chưa tròn 20 tuổi và mới chỉ học gần xong năm 2 đại học. Đây cũng là thời điểm nhiều người mất việc vì dịch Covid-19.
Cũng trong thời gian này, Hòa trở thành nhân viên điều hành marketing cho một công ty tư vấn du học - định cư Australia. Công việc cũng đúng chuyên môn, kết hợp 2 niềm đam mê của Hòa - truyền thông và giáo dục.
Với 2 công việc này, mỗi ngày, Hòa sáng tạo nội dung cho mạng xã hội như viết bài, thiết kế hình ảnh, lên kịch bản video. Nữ sinh cũng lập kế hoạch, thực hiện các chiến dịch truyền thông cho công ty.
Hiện tại, Hòa làm song song cả 2 công ty. Cô không muốn bỏ lỡ cơ hội khó có được này, đặc biệt khi nhiều du học sinh phải làm công việc tay chân sau tốt nghiệp do không tìm được công việc đúng ngành.
Làm việc chăm chỉ và biết cách thể hiện bản thân
Đằng sau những kết quả trên là cả hành trình dài nỗ lực và không ngừng cố gắng của Ngọc Hòa. Nữ sinh cho biết cô đã có quá trình chuẩn bị vốn tiếng Anh rất dài. Ngay từ bé, Hòa học tiếng Anh rất bài bản, kiên nhẫn và tôi luyện mình qua nhiều cuộc thi tiếng Anh. Ngay cả khi qua Australia, cô cũng chưa bao giờ ngừng học tiếng Anh.
Bên cạnh đó, Hòa tin mình luôn cần phát triển bản thân, xây dựng thương hiệu. Nữ sinh chăm chỉ học bài, đọc tài liệu và đầu tư kỹ lưỡng cho các bài kiểm tra.
Hòa chú trọng xây dựng các mối quan hệ với giảng viên bằng việc tích cực trả lời câu hỏi, đóng góp, phản biện ý kiến trong các giờ học để nâng cao thành tích học tập, gây ấn tượng và dễ dàng có được các công việc trong trường.
Tham gia các sự kiện kết nối, hội thảo cũng là cách để Hòa xây dựng quan hệ với những chuyên gia đã có kinh nghiệm trong ngành. Ngoài ra, cô chủ động tham gia 2 kỳ thực tập và tìm kiếm việc làm để có thể tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng cần có.
Hơn nữa, Ngọc Hòa tiếp xúc với lĩnh vực này từ sớm. Hồi học THPT, nữ sinh đã làm marketing cho các tổ chức xã hội. Đến nay, cô quản lý khoảng 30 tài khoản, trang mạng xã hội.
Các hoạt động, kinh nghiệm này giúp Hòa tự tin về chuyên môn của mình và có CV nổi bật. Quá trình thực tập, nữ sinh thể hiện thái độ cầu thị, sẵn lòng lắng nghe, học hỏi, làm việc hiệu quả, nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chính vì vậy, kết thúc kỳ thực tập, Hòa có ngay cho mình công việc chính thức tại công ty này.
“Ngoài làm việc chăm chỉ, mình còn phải biết cách thể hiện khéo léo cho lãnh đạo, khách hàng thấy sự hiệu quả, nhạy bén và tận tâm nữa”, Ngọc Hòa chia sẻ.