Du học sinh Việt cảm xúc lẫn lộn về chính sách nhập cư của ông Trump

Nhiều du học sinh Việt Nam tại Mỹ lo lắng về việc gia hạn visa hoặc ở lại Mỹ làm việc sau khi tốt nghiệp nếu như Tổng thống Donald Trump thắt chặt quy định nhập cư.

 Tổng thống Trump sẽ "tiến hành đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử". Ảnh: New York Times.

Tổng thống Trump sẽ "tiến hành đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử". Ảnh: New York Times.

Sau khi đắc cử tổng thống, Tổng thống Donald Trump dự kiến huy động hàng loạt cơ quan thuộc chính phủ liên bang để thực hiện lời cam kết "tiến hành đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử".

Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump sẽ có những tác động sâu rộng đến nước Mỹ và thế giới nói chung, đồng thời có thể ảnh hưởng đến dòng sinh viên quốc tế đến nước này học tập.

Du học sinh lo lắng đủ điều

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Phương Nhi (sinh viên năm 3, Đại học Ohio Wesleyan) cho biết đã nghe đến việc Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ phát động chiến dịch trục xuất người nhập cư bất hợp pháp lớn nhất trong lịch sử Mỹ khi trở lại Nhà Trắng.

Nhi cho biết bản thân đang ở trên nước Mỹ hợp pháp nên không quá lo lắng về điều này. Tuy nhiên, nữ sinh ái ngại hơn về không khí, cách người dân Mỹ đối xử với người nhập cư sau khi ông Trump lên nắm quyền.

“Mình thấy không khí trở nên căng thẳng hơn và ít an toàn hơn khi ông Trump đắc cử”, Nhi nói.

 Phương Nhi cảm nhận rõ sự thay đổi về cách người Mỹ đối xử với người nhập cư sau khi ông Trump lên nắm quyền. Ảnh: NVCC.

Phương Nhi cảm nhận rõ sự thay đổi về cách người Mỹ đối xử với người nhập cư sau khi ông Trump lên nắm quyền. Ảnh: NVCC.

Theo nữ sinh, hiện tại, một số người bạn của cô - là người da màu - có phần bị bạn bè trong lớp cô lập. Những người này phần lớn là người da trắng. Bên cạnh đó, các sinh viên người da màu thường “bị bỏ qua” khi tham dự sự kiện kết nối, thường bị đối xử lạnh nhạt hơn so với người da trắng.

“Trước khi ông Trump đắc cử, tình trạng này vẫn có nhưng ít. Còn hiện tại, người ta công khai phân biệt. Lý do có thể đến từ thái độ của ông Trump đối với dân nhập cư”, nữ sinh nói.

Ngoài ra, với dự định ở lại Mỹ làm việc sau khi hoàn thành chương trình học vào năm sau, Phương Nhi cũng ái ngại trước tương lai bất định.

Theo Nhi, việc chuyển visa sang H-1B (thường được cấp để các lao động trình độ cao người nước ngoài ở lại Mỹ làm việc nhiều năm) vốn đã khó, sắp tới có thể khó hơn. Nhi lấy ví dụ chính sách thuế quan đối với các sản phẩm đến từ Trung Quốc có thể khiến một số doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ bị siết chặt nguồn vốn, từ đó cắt giảm ngân sách thuê du học sinh sau khi tốt nghiệp.

Không đến mức phải sống trong lo lắng khi nhiều người bạn da màu bị cô lập như Phương Nhi, nhưng M.K., du học sinh năm 3 tại bang California, cũng khá bận tâm về những chính sách nhập cư mà ông Donald Trump áp dụng cho Mỹ khi lên làm tổng thống.

Bản thân K. là du học sinh, được nhận học bổng 75% tại trường. Nữ sinh lo sau khi ông Trump nắm quyền, học phí đại học cùng các loại phí khác có thể tăng vì trường đại học có thể bị cắt giảm tài trợ, các loại học bổng, chính sách, quyền lợi dành cho sinh viên, du học sinh cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, K. cũng lo du học sinh sẽ “hẹp cửa”, thiếu cơ hội tìm việc trong các lĩnh vực đặc thù và hot ở Mỹ như khoa học, công nghệ thông tin, y học… vì có thể, những chính sách mới của ông Trump sẽ ưu tiên cho người Mỹ thay vì người nhập cư hoặc du học sinh mới tốt nghiệp.

“Lo thì lo vậy, nhưng mình vẫn cứ cố gắng học hành tốt nhất có thể, ít nhất là hoàn thành chương trình đại học rồi lại tính tiếp. Mình tin rằng dù khắt khe đến đâu, Chính phủ Mỹ cũng sẽ không đến mức chặn đường phát triển của người tài”, K. chia sẻ.

Nỗi lo của du học sinh không phải không có cơ sở. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump từ năm 2016-2020, nước Mỹ ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về lượng sinh viên quốc tế, cụ thể là 12%. Tỷ lệ từ chối gia hạn visa H-1B cũng tăng từ 3% lên 12% trong thời gian ông Trump làm tổng thống, theo Forbes.

Các trường đại học cũng đưa ra số liệu tương tự. Vào năm 2018, New York Times cho biết gần 40% trường đại học ở Mỹ ghi nhận sự sụt giảm chung về lượng đơn đăng ký của sinh viên quốc tế, đặc biệt là sinh viên đến từ Trung Đông, Trung Quốc.

Sự sụt giảm này có liên quan đến lệnh cấm 3.0 khét tiếng của ông Trump, bao gồm sự hạn chế quyền tiếp cận học tập tại Mỹ đối với sinh viên đến từ Iran, Libya, Somalia, Syria, Yemen, Triều Tiên và Venezuela, cùng với đó là tình trạng từ chối visa đối với sinh viên Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, các chính sách của ông Trump cũng kêu gọi thẩm định visa chặt hơn, bao gồm việc kiểm tra lý lịch và phỏng vấn người nộp đơn. Các chuyên gia giáo dục nhận định biện pháp này có thể gây ra sự chậm trễ trong việc phê duyệt visa, thậm chí ngăn cản một số sinh viên đến Mỹ học tập. Lịch sử này có thể lặp lại khi ông Trump tái đắc cử vào năm 2024.

Nỗi lo “hẹp cửa” làm việc ở Mỹ mà M.K. đề cập cũng là điều có thể thấy thông qua những chính sách của ông Trump. Công ty luật Jeelani Law Firm - chuyên về luật nhập cư tại Mỹ - nêu rằng các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) rất quan trọng đối với giáo dục đại học Mỹ, trong đó sinh viên quốc tế đóng vai trò chủ chốt. Tuy nhiên, sáng kiến “Mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” của Tổng thống Trump có thể hạn chế cơ hội cho sinh viên STEM quốc tế.

 Du học sinh và các nhà giáo dục sợ gặp bất lợi nếu ông Trump thay đổi chính sách nhập cư và chính sách giáo dục. Ảnh: The Sun.

Du học sinh và các nhà giáo dục sợ gặp bất lợi nếu ông Trump thay đổi chính sách nhập cư và chính sách giáo dục. Ảnh: The Sun.

Vẫn có điểm sáng

Lạc quan hơn, Lê Nguyên (sinh viên năm nhất tại Berea College) cho rằng chính sách siết nhập cư của ông Trump không ảnh hưởng nhiều đến nam sinh. Nếu có, nó sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các bạn đang có ý định du học Mỹ hoặc sinh viên năm 3-4 dự tính ở lại Mỹ làm việc sau khi hoàn thành việc học, bởi ông Trump có thể siết chặt quy định về visa H-1B.

“Hiện tại, mình đang là sinh viên năm nhất. Khi mình ra trường, có lẽ ông Trump đã hết nhiệm kỳ”, Nguyên nói.

Trong khi đó, Phương Nhi cho rằng nhiều tuyên bố của ông Trump trong quá trình tranh cử có dấu hiệu khả quan với du học sinh.

Cụ thể, ông Trump từng đề xuất mọi sinh viên nước ngoài tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học 2 và 4 năm nên được tự động cấp thẻ xanh để được ở lại Mỹ.

Thẻ xanh, hay thẻ thường trú, cho phép người sở hữu có thể sống và làm việc lâu dài tại Mỹ, đồng thời là con đường dẫn tới việc được cấp quyền công dân Mỹ.

Chiến dịch tranh cử của ông sau đó cho biết nếu đắc cử trở lại, ông sẽ cấp thẻ xanh sau khi thực hiện "quá trình sàng lọc kỹ lưỡng nhất trong lịch sử Mỹ", "những sinh viên tốt nghiệp có kỹ năng cao nhất có thể đóng góp đáng kể cho nước Mỹ" mới được ở lại.

“Nếu có thẻ sinh, mình sẽ được ưu tiên hơn trong quá trình tìm kiếm việc làm, vì nhiều công ty không tài trợ/không tuyển du học sinh sau khi tốt nghiệp”, Nhi nói.

Hiện tại, chưa thể chắc chắn được về các các kế hoạch của ông Trump sẽ đến đâu, Nhi cho hay bản thân cố gắng tập trung vào việc học để giữ thành tích. Sau khi ra trường, nếu không tìm được việc tại Mỹ, Nhi dự tính sẽ nộp hồ sơ học thạc sĩ.

Thái An - Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/du-hoc-sinh-viet-cam-xuc-lan-lon-ve-chinh-sach-nhap-cu-cua-ong-trump-post1513327.html