Du khách đổ về tháp Nhạn chiêm ngưỡng kiệt tác của người Champa cổ
Từ những viên gạch nung, những nghệ nhân Champa cổ đã làm nên kiệt tác kiến trúc mang tên tháp Nhạn. Du khách từ khắp nơi đổ về chiêm ngưỡng, tìm hiểu lịch sử và truyền thuyết xung quanh tháp Nhạn.
Cuối tuần, tháp Nhạn - Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tọa lạc trên núi Nhạn thuộc tỉnh Phú Yên (cũ), nay là Đắk Lắk (mới), thu hút đông du khách đến tham quan.

Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Nhạn (thuộc tỉnh Phú Yên cũ, nay là tỉnh Đắk Lắk mới).
Để chiêm ngưỡng kiệt tác này, du khách chậm rãi men theo con đường quanh co, rợp màu xanh của cây cỏ. Khung cảnh thêm huyền bí khi hai bên đường có các bức tượng thần Brahama, Shiva, Lokapala…

Du khách di chuyển lên tháp Nhạn.

Hai bên đường được đặt các tượng thần.
Chừng 20 phút di chuyển, tháp Nhạn cổ kính dần hiện ra. Bà Nguyễn Thị Nhung (Đắk Lắk) chia sẻ, đã thấy tháp Nhạn qua ảnh. Nay được tận thấy bằng mắt, bà Nhung như lạc vào không gian thanh tịnh, nhuốm màu huyền bí. Bà Nhung ấn tượng bởi kiến trúc độc đáo của tháp Nhạn.

Dịp cuối tuần, khá đông du khách đến với tháp Nhạn.
“Thật khó tưởng tượng cách đây hàng trăm năm, người nghệ nhân Champa có thể sắp xếp các viên gạch nung thành một tháp Nhạn tuyệt đẹp như vậy. Những hoa văn chạm trổ tinh xảo vẫn bền bỉ qua thời gian. Đặc biệt, đỉnh tháp có một trụ đá hình chóp nhọn, tượng trưng cho thần Shiva, khiến người ta không thể lý giải cách họ có thể nâng nó lên”, bà Nhung cho hay.

Vẻ đẹp cổ kính của tháp Nhạn.
Anh Lê Văn Minh (xã Hòa Phú, Đắk Lắk) cũng ấn tượng với vẻ đẹp cổ kính của tháp Nhạn. Đặc biệt, những câu chuyện về lịch sử, truyền thuyết xoay quanh càng khiến tháp Nhạn thêm huyền bí, tâm linh.
Trong tháp có thờ thánh mẫu Thiên Y An Na, là nơi du khách và người dân đến thắp nhang, cầu mong sức khỏe và mọi điều tốt đẹp. Xung quanh tháp Nhạn còn có thác nước, tạo nên phong thủy tốt. Với độ cao vừa phải, từ trên tháp Nhạn, bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh phường Tuy Hòa (Đắk Lắk).

Bên trong tháp Nhạn có thờ Thánh mẫu Thiên Y A NA.
Theo thông tin ghi tại di tích tháp Nhạn, đây là di tích kiến trúc đền tháp Champa cổ được xây dựng trên núi Nhạn ở độ cao 64m so với mặt nước biển, niên đại khoảng thế kỷ XI. Tháp có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh khoảng 10m, chiều cao 23,5m, tỷ lệ cân đối với ba phần đế, thân và mái. Trên đỉnh tháp là hình tượng Linga bằng đá được điêu khắc công phu. Cửa và mặt chính của tháp quay về hướng Đông, ba mặt tường còn lại đều trang trí hoa văn và tạo hình các cửa giả.

Qua bao thăng trầm của lịch sử, tháp Nhạn vẫn sừng sững.

Trên đỉnh tháp có một trụ đá hình chóp nhọn, biểu tượng của Linga- sinh thực khí nam, tượng trưng cho thần Shiva, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.
Vật liệu xây dựng tháp chủ yếu bằng gạch, có kích thước trung bình dài 40cm, rộng 20cm, dày 8cm, được xếp liền khít nhau. Sự kết hợp hài hòa giữa vật liệu xây dựng, đường nét kiến trúc và nghệ thuật tiêu biểu đã tạo cho tháp Nhạn một dáng vẻ vừa vững chãi vừa thanh thoát, tinh tế mang tính thẩm mỹ cao.
Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn đã được Nhà nước trùng tu, tôn tạo từ năm 1994-2.000, được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt năm 2018.