Vì sao Phố Hiến suy tàn?
Trong hoàn cảnh cụ thể của mình, Phố Hiến đã phải chịu những tác động nặng nề của điều kiện tự nhiên, chính trị, kinh tế và đời sống cư dân để đi đến chỗ suy tàn.
Sau bài viết “47.241 tỷ đồng phục dựng Phố Hiến cổ để UNESCO công nhận di sản” trên Người Đô Thị ngày 9.5.2025, tòa soạn nhận được phản hồi của một số bạn đọc, kiến trúc sư… muốn biết những tác động nào đã khiến một đô thị lừng danh như Phố Hiến bị suy tàn, để từ đó có thể rút ra những kinh nghiệm cho hậu thế trong quản trị đô thị và làm cơ sở xem xét mức độ khả thi của dự án “Phục dựng Phố Hiến cổ - bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững tỉnh Hưng Yên” do doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất làm chủ đầu tư.
Từ sự hỗ trợ tài liệu của một tổ chức bảo tồn di sản, chúng tôi có được bài viết khảo cứu “Về sự suy tàn của Phố Hiến” của hai chuyên gia từng có nhiều năm nghiên cứu về vùng đất Phố Hiến: GS-TS. Phan Đại Doãn và GS-TS. Trương Hữu Quýnh. Khảo cứu đã từng công bố tại hội thảo khoa học về Phố Hiến nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Chúng tôi lược trích một số nhận định từ khảo cứu này để bạn đọc có thêm thông tin về sự suy tàn của Phố Hiến cổ.

Phố Hiến năm 1996 với một phụ nữ đang chở chiếu đi bán ngang Đông Đô Quảng Hội (xây dựng năm 1590 ở Phố Hiến hạ, nay vẫn hiện diện trên đường Phố Hiến thuộc Hưng Yên). Ảnh: Lưu Quang Phổ
Phố Hiến bước vào giai đoạn suy
Theo hai chuyên gia, thời điểm suy tàn của Phố Hiến xảy ra từ lúc nào, khó có điều kiện để xác định cụ thể. Khảo cứu cho biết vào năm 1637 thương nhân Hà Lan dựng thương điếm ở Phố Hiến và bắt đầu tiến hành khẩn trương hoạt động buôn bán của họ. Nhưng rồi cho đến khoảng năm 1700, họ đã bỏ Phố Hiến, dẫu rằng vào đầu thế kỷ XVIII họ đã mấy lần quay trở lại, đặc biệt là chủ thương điếm Van Loo.
Tiếp theo người Hà Lan, các thương nhân và giáo sĩ Pháp, Anh cũng lần lượt giong thuyền, cập bến Đàng Ngoài xin thông thương và được chúa Trịnh cho dựng chỗ trú chân ở Phố Hiến, vì bấy giờ triều đình Lê - Trịnh không thích sự có mặt của người Tây phương ở kinh thành Thăng Long. Do đó mà các giáo sĩ Deydier De Bourges, L.Lambert buộc phải ra vào Phố Hiến dưới cái áo thương nhân và trú ngụ ở nhà một giáo dân tên là Raphael.
Còn người Anh thì năm 1673 đặt thương điếm ở đây, nhưng đến năm 1683 đã tìm cách lên được Kẻ Chợ. Nhưng cả người Pháp và người Anh đều ngừng mọi hoạt động buôn bán ở Phố Hiến vào đầu thế kỷ XVIII.

Ảnh tư liệu về Phố Hiến cổ với ghi chú trên ảnh “Hưng Yên - Phố Indigene - Cụm 8 - số 1” (Indigene là tên phố và có nghĩa là bản địa). Theo một số bậc cao niên, bức ảnh chụp đoạn phố từ chợ (Đại Đồng bây giờ) đến gốc Sanh, có thể là đoạn từ Bách hóa Tổng hợp cũ xuống gốc Sanh. Ảnh: tư liệu
Phố Hiến vắng bóng thương nhân phương Tây, song vẫn tiếp tục phát triển. Chứng cớ là theo các bia chùa Chuông, bia chùa Hiến đương thời các phường, các chợ ở đây vẫn hoạt động nhộn nhịp. Một số Hoa kiều ở Kẻ Chợ cũng về đây lập nghiệp, xây hội quán riêng.
Trong văn bia Nhân Dục Xã cô tích truyện khắc vào năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) kể việc hưng công chùa Chuông có ghi một số địa danh như phường Hàng Bè, phường Hàng Sũ, phường Nhiễm Tác, phường Hàng Thịt, Phường Hàng Cá, Phường Hàng Cau...
Theo bia Đông Đô Quảng Hội dựng năm Cảnh Hưng 43 (1782), số hộ Hoa kiều được ghi là 96. Cũng vào khoảng thời gian này, ở phía đông Phố Hiến, trên đất xã Xích Đằng, Nhà nước đã xây dựng một kho lương lớn của trấn Sơn Nam thượng lộ và nó được duy trì cho đến những năm đầu thời Nguyễn. Trong điều kiện đó, ở mạn Đằng Châu phía bắc, xuất hiện một lò bát khá lớn mà dấu tích hiện nay vẫn còn.
“Có lẽ từ giữa thế kỷ XVIII, Phố Hiến bước vào giai đoạn suy để rồi đến đầu thế kỷ XIX nó tàn lụi và chuyển thành tỉnh thành Hưng Yên sau này, cùng thời với việc đời lỵ sở phủ Khoái Châu từ Đằng Châu (huyện Kim Động) sang một xá khác”, khảo cứu nhận định.


Chùa Chuông (Kim Chung Tự) được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15 thời Hậu Lê, nổi tiếng là “Phố Hiến đệ nhất danh lam”, thuộc quần thể di tích Phố Hiến ngày nay (Ảnh: Hoàng Giang) và bia đá ghi quá trình xây dựng chùa Chuông tại Phố Hiến (Ảnh: Đặng Tú)
Nguyên nhân suy tàn của Phố Hiến
Theo hai chuyên gia, cho đến cuối thế kỷ XVIII, cái tên Hiến Doanh hay Hiến Nam vẫn còn và được nhắc đến nhiều lần trong sử sách. Điều đó chứng tỏ rằng, dù lúc bấy giờ Phố Hiến đã suy giảm nhiều nhưng vẫn là một địa điểm có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị. Đây cũng là lý do giải thích tại sao, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) khi đặt tỉnh Hưng Yên, nó lại thành tỉnh lỵ.

Ảnh chụp từ góc vỉa hè chợ Lớn (có bo vỉa cẩn thận), cuối ảnh là dãy phố đường Phạm Ngũ Lão nhìn sang chợ Lớn thuộc Phố Hiến cổ. Ảnh: tư liệu
Khảo cứu cho thấy có nhiều sự kiện báo trước sự suy tàn của Phố Hiến:
Trước tiên, cần phải nói đến sự đổi dòng của sông Hồng. Sự phồn vinh của Phố Hiến gắn liền với sự tồn tại của một cảng sông, khi sông Hồng còn chảy sát con đê cũ ngày nay. Nhưng, theo ghi nhớ của nhân dân địa phương xã Bảo Châu thì vào khoảng đầu thế kỷ XVIII, muộn là giữa năm 1730, đê Mạn Trù bị vỡ, hay sớm hơn một ít, sự chuyển dòng của sông Hồng đã gây nên sụt lở dữ dội của bên bờ phải và sự bồi lấp đáng kể bên bờ trái, giáp Phố Hiến. Thôn Hoa Dương được mở rộng, song từ đó Phố Hiến đã cách sông Hồng gần 2 km. Hiện tượng tự nhiên này đã ảnh hưởng không nhỏ đến vị trí kinh tế - chính trị của Phố Hiến.
Cùng với sự kiện trên, triều đình Lê - Trịnh quy định lại mạng lưới các bến đò dọc lớn. Vào năm 1723, trên địa phận Sơn Nam, nhà nước đặt thêm bến đò Cẩm Cơ ở đông nam huyện Thanh Trì và xem đó là bến đò chủ chốt.
Ở đây, ngạch thuế hàng năm được quy định là 653 quan 3 tiền 11 đồng, trong lúc các bến cùng loại như Xước cảng - Nghệ An ngạch thuế chỉ 24 quan 34 đồng, bến Trú Hựu - Kinh Bắc, ngạch thuế là 100 quan 6 tiền… Theo Đại Nam nhất thống chí sau khi thuyền bè đóng thuế ỏ đây, sẽ xuôi xuống các bến Hào Châu và Hương Dương (tức Hoa Dương) ở đất Hưng Yên.
Ít lâu sau, bến đò Lãnh Trì thuộc xã Tam Kỳ, huyện Nam Xang (Duy Tiên, Nam Hà) được đặt làm trạm kiểm soát và thu thuế Tuần tỵ của trấn. Thuyền bè ra vào đây tấp nập khiến người đương thời đã có câu ca: “Trăm cảnh, nghìn cảnh, không bằng bến Lãnh, đò Mây” (bến Lãnh tức Lãnh Trì, đò Mây tức là Vạn Xích Đằng).
Như vậy, sự đổi dòng của sông Hồng dẫn đến việc chuyển các bến đò lớn của trấn Nam Sơn sang hữu ngạn sông Hồng, đối ngạn với khu vực Phố Hiến. Bến Hương Dương thuộc đất Phố Hiến vẫn còn, nhưng không quan trọng nữa.

Phố Hiến hôm nay là một đô thị nhỏ của tỉnh Hưng Yên. Phía rìa phải ngoài đê là bãi bồi và sông Hồng - khu vực thuộc dự án phục dựng phố Hiến cổ. Ảnh: Nam Trần
Từ sự đổi dòng của sông Hồng cũng buộc nhà nước Lê - Trịnh thay đổi lỵ sở trấn Sơn Nam. Năm 1726, theo đề nghị của một số trấn thần địa phương, lỵ sở trấn Sơn Nam được chuyển sang huyện Duy Tiên (Nam Hà) bên bờ hữu sông Hồng. Cả hai dinh Thừa ty và Hiến ty đều được chuyển sang đó. Do vị trí ẩm thấp của địa điểm mới, không thuận lợi cho việc đặt trường Thi Hương, khoảng năm 1737 (?) Hiến sát sứ Sơn Nam là Nguyễn Cửu Vĩ xin đưa lỵ sở Thừa ty về lại Nễ Châu, huyện Kim Động, song vẫn giữ lỵ sở Hiến ty ở bên bờ hữu sông Hồng như cũ, trên địa bàn xã Tường Lân thuộc huyện Phú Xuyên, đối ngạn với huyện Kim Động.
Năm 1741, nhà nước Lê - Trịnh chia Sơn Nam thành Sơn Nam Hạ lộ và Sơn Nam Thượng lộ. Ưu thế kinh tế chuyển dần về Sơn Nam Hạ, một vùng nông nghiệp lớn của Đàng Ngoài đương thời. Vùng đất Phố Hiến thuộc Sơn Nam Thượng lộ mất dần ý nghĩa kinh tế. Mặt khác, bấy giờ Đàng Ngoài rối loạn buộc chúa Trịnh lấy một bộ phận của Phố Hiến và đất Xích Đằng lập đồn binh lớn. Hiến Doanh tồn tại chủ yếu với tư cách một vị trí quân sự.
“Nhưng những sự kiện nói trên chưa đủ để giải thích sự tàn suy của Phố Hiến. Còn có những nguyên nhân cơ bản hơn. Từ những năm 40 của thế kỷ XVIII, Đàng Ngoài trải qua một giai đoạn loạn lạc, trầm trọng và kéo dài”, khảo cứu nhận định.

Phối cảnh không gian kiến trúc cảnh quan của dự án phục dựng Phố hiến cổ theo đề xuất của doanh nghiệp Xuân Trường (đường viền đỏ là ranh dự án. Ảnh trích từ đề án)
Năm 1730, đê Mạn Trù vỡ đã làm cho nhân dân 8, 9 huyện thuộc trấn Sơn Nam bị đói khổ, phải bỏ làng quê đi phiêu tán. Tiếp đó từ năm 1737 phong trào nông dân Đàng Ngoài bùng lên dữ dội và kéo dài cho đến năm 1751. Từ những năm 70 phong trào vùng ven biển lại nổi lên và rồi hòa nhập với phong trào Tây Sơn. Phong trào nông dân đã để lại biết bao hậu quả cùng với sự suy kém của nền sản xuất nông nghiệp đầu những năm 40.
Tình hình này lại diễn ra vào lúc mà các hoạt động thương nghiệp của Sơn Nam đã chuyển sang bên hữu ngạn sông Hồng, trên đất Nam Hà. Lỵ sở Vị Hoàng (thành phố Nam Định) trở thành một kho lương lớn của cả Đàng Ngoài. Thuyền buôn các nơi bị hút về Thăng Long hoặc xuôi xuống Vị Hoàng. Phố Hiến không còn là nơi thu hút nhiều thương nhân nữa.
Chiến tranh kéo dài đã biến Hiến Doanh thành một đồn binh, một cơ sở thủy quân của nhà nước Lê - Trịnh, trước khi xuất phát làm nhiệm vụ đàn áp các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu. Và Hiến Doanh cũng là mục tiêu tiến đánh của Hoàng Công Chất. Rồi vào cuối những năm 80, Hiến Doanh trở thành một nơi đóng quân quan trọng có đồn, lũy.
Bấy giờ lỵ, sở của Sơn Nam đã được chuyển về Châu Cầu thuộc huyện Kim Bàng (Nam Hà). Năm 1787, sau khi quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đã rút về nam, khu vực Hiến Doanh trở thành chiến trường. Các cựu thần nhà Lê đã hợp sức tổ chức các trận đánh lớn và bao vây Hiến Doanh, do tướng Tây Sơn là Huỳnh Ngọc Hầu đóng giữ.
Hoàng Viết Tuyển, trấn thủ Sơn Nam của Lê Chiêu Thống, tiến đánh Hiến Doanh. Cuộc chiến đấu diễn ra suốt bốn, năm tháng ròng, mãi đến khi thống tướng Vũ Văn Nhậm điều thêm quân cứu viện, đắp thêm lũy ở đê sông Nhị, hồ Bán Nguyệt và vạn Xích Đằng để phòng thủ... Trên cơ sở đó Tây Sơn mới đánh tan quân của các cựu thần nhà Lê, tình hình mới trở lại yên ổn.
Trong một tình thế chiến tranh và những hoạt động quân sự liên miên như đã nói ở trên, cư dân ở các phường Nam Hòa vốn quê ở các huyện, trấn khác, đã buộc phải bỏ Phố Hiến để trở về ở quê cũ của mình. Nhiều hộ Hoa kiều ở phố Bắc Hòa cũng thu hẹp dần sự buôn bán, nếu chưa phải rời bỏ Phố Hiến chạy lên kinh đô Thăng Long hay sang các vùng đất khác yên bình hơn.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, câu ca dao “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến” đã đi vào tiềm thức người Việt như một minh chứng cho sự sầm uất, thịnh vượng của thương cảng Phố Hiến trong thế kỷ XVI - XVII. Ảnh: Nguyễn Dương
Trong những năm dưới triều đình Tây Sơn, tuy hoạt động công thương nghiệp ở Bắc Thành có khởi sắc lên chút ít, nhưng vị trí kinh tế cũ của Phố Hiến không còn nữa.
Lỵ sở của trấn Sơn Nam Thượng đã được xác lập ở Châu Cầu, bên kia bờ sông Hồng. Các phường thủ công cũ không còn nữa. Tiếp đến đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, với chính sách ức thương đã hạn chế sự phát triển thủ công nghiệp, đóng cửa khắt khe và với việc định đô ở Huế (Thừa Thiên) nên Phố Hiến không còn có cơ hội để phục hồi. Trái lại, nó đã dần dần thành một phố nhỏ có người Hoa, một bộ phận của thị xã Hưng Yên sau này.
“Trong hoàn cảnh cụ thể của mình, Phố Hiến đã phải chịu những tác động nặng nề của điều kiện tự nhiên, chính trị, kinh tế và đời sống cư dân để đi đến chỗ suy tàn. Tuy nhiên, nếu phân tích quá trình ra đời và phát triển của Phố Hiến, có thể nghĩ rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất của sự tàn lụi đó chính là tính mỏng manh, yếu ớt của các phường, đặc biệt là các phường thủ công của nó và cả nền kinh tế hàng hóa Đàng Ngoài cuối thế kỷ XVIII đâu thế kỷ XIX”, khảo cứu nhận định.
Cụ thể, các phường thủ công của Phố Hiến không tạo nên được những nét gì đặc sắc, không để lại được những di sản gì độc đáo, thể hiện tính vững bền của nó. Những kết quả khai quật khảo cổ ở phường Nồi Đất, ở các lò bát Đằng Châu chứng tỏ rằng, trình độ thủ công nghiệp ở đây không cao lắm. Một số thợ thủ công ở đây xuất thân từ làng Quế Quyền - Kim Bảng (Nam Hà) quê hương của một nghề thủ công gốm thô, không có gì đặc sắc.
“Trình độ thủ công nghiệp còn thấp kém đó dễ dàng bị tan vỡ, không chịu đựng nổi những biến động lớn từ bên ngoài. Đồng thời do đói kém nên sức tiêu thụ của thị trường ở Đàng Ngoài bấy giờ bị sa sút nhiều không tạo cho Phố Hiến phục hưng và phát triển”, khảo cứu cho biết.
Phạm Tuấn - Hoàng Khải
Chính Phủ chỉ đạo Đề án “Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ”
Liên quan đến Đề án “Xây dựng và phục dựng Phố Hiến cổ” theo đề nghị của UBND tỉnh Hưng Yên, Văn phòng Chính Phủ đã có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chỉ đạo nghiên cứu kỹ nội dung báo cáo và kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan tại các văn bản.
Tổng hợp, rà soát, chủ động tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý; trường hợp cần thiết tổ chức họp, làm việc trực tiếp với các bộ, cơ quan liên quan; trên cơ sở đó, hoàn thiện Đề án theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa, đầu tư, quy hoạch và pháp luật có liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi báo cáo Ban Bí thư theo quy định, bảo đảm chất lượng và tiến độ thời gian theo Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/vi-sao-pho-hien-suy-tan-48988.html