Du khách vẫn 'một đi không trở lại'?

Hoạt động xúc tiến du lịch được tổ chức thường xuyên để thu hút du khách, nhưng vấn đề cần giải quyết là sự thiếu chuyên nghiệp ở các điểm đến, khiến du khách không muốn quay trở lại.

Ông Trần Thanh An (ngụ đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) cho biết, tháng 7 vừa qua ông cùng gia đình du lịch Phú Quốc, tại đây ông đăng ký tour lặn biển ngắm san hô của đơn vị du lịch tại thị trấn Dương Đông. Khi ra biển, người nhà ông bị say sóng, nên thuê ca-nô bỏ tour trở về. Hướng dẫn viên của tour du lịch liên hệ ca-nô giúp gia đình ông, ban đầu giá là 2 triệu đồng/chuyến về, nhưng trên tàu lúc này có thêm 2 khách muốn cùng về, ngay lập tức họ hét giá 1 triệu đồng/người, chuyến về bốn người là 4 triệu đồng, chưa kể du khách đã đóng tiền tour trước đó 500.000 đồng/người. Như vậy, chỉ chốc lát, 4 vị khách nọ đã mất đến 1,5 triệu đồng/người do… say sóng! Ông An cho rằng, dù sự việc chủ quan từ du khách, nhưng cách thu tiền, hét giá trong tình huống như vậy là rất đáng thất vọng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không những thế, nhiều du khách cũng cho rằng, các sản phẩm du lịch Việt rất đơn điệu, thiếu điểm nhấn, phần lớn dựa vào tài nguyên du lịch sẵn có (cảnh đẹp, khí hậu, di tích...). Rất hiếm sản phẩm có sự đầu tư chất xám, dẫn đến cả nội dung và hình thức nhàm chán, không thay đổi qua thời gian.

Có thể tham khảo cách làm của một số nước trong khu vực như Singapore (có diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc). Đất nước này hầu như không có tài nguyên du lịch thiên nhiên, do đó họ đã sáng tạo ra các công trình mang tính biểu tượng và cực kỳ thu hút khách du lịch như Vườn bên Vịnh (Garden by the Bay), Nhà Hoa (Flowers Dome), Vòng xoay Singapore Flyer...

Hay một điểm yếu khác của sản phẩm du lịch Việt Nam là sự thiếu tương tác giữa người cung cấp dịch vụ và khách du lịch. Du lịch đến Thái Lan, Singapore, tại các điểm vui chơi hoặc sân khấu nghệ thuật, ngoài những chương trình biểu diễn, người quản trò cũng dành nhiều thời gian để tương tác với khách du lịch. Điều này tạo được sự hào hứng cũng như tạo cảm giác rất hài lòng cho du khách.

Trong khi đó, tại TP. Hồ Chí Minh, hàng chục năm nay, khách quốc tế đến chỉ có 3 chương trình tour chính để lựa chọn là, tour vòng quanh thành phố, tour đi tham quan Củ Chi, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và tour đi Miền Tây. Sự đơn điệu, kém sáng tạo của sản phẩm du lịch khó có thể kéo chân khách du lịch quay lại lần nữa. Đó cũng là lý do khiến cho Việt Nam là điểm đến có tỷ lệ trở lại thấp nhất trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Đó là chưa kể, còn nhiều câu chuyện về du khách bị ngược đãi, vòi tiền, hay dịch vụ phục vụ kém… mà chưa từng được giải quyết dứt điểm.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có xu hướng giảm dần, với mức giảm 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách từ châu Á (chiếm thị phần lớn nhất trong cơ cấu khách quốc tế) giảm 0,4%, từ châu Úc giảm 6%. Sự sụt giảm này có nguyên nhân chính là số lượng khách Trung Quốc, Hàn Quốc giảm, do căng thẳng thương mại toàn cầu, và sự tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế châu Á…

Bên cạnh đó, các nước trong khu vực cũng đang cạnh tranh gay gắt trong thu hút du khách quốc tế bằng những chính sách quảng bá, phát triển sản phẩm, đẩy mạnh kết nối hàng không, tạo điều kiện thuận lợi về thị thực…

Trong khi đó, một số điểm đến ở nước ta đã trở nên bão hòa, dẫn đến phân tán lượng khách quốc tế từ những thị trường nguồn lớn. Và dù hiện nay, Việt Nam đang xếp hạng 6 trong TOP 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất toàn cầu, nhưng doanh thu toàn ngành vẫn thua xa so với các quốc gia láng giềng.

Nguyên nhân được xác định là dù thu hút số lượng lớn du khách, nhưng du lịch Việt Nam vẫn thiếu những sản phẩm, dịch vụ đặc thù, để du khách sẵn sàng chi tiền. Hệ thống điểm vui chơi, giải trí, mua sắm chưa mang tính đồng bộ và thiếu đặc sắc nên không đủ kích thích sức mua của du khách.

Thanh Trà

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/du-khach-van-mot-di-khong-tro-lai-92585.html