Du khảo nơi địa đầu Tổ quốc: Móng Cái

Là người thích xê dịch nên tôi đã đi đến khá nhiều tỉnh biên giới với nhiều cột mốc biên cương của đất nước. Tôi đi từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông nhưng lần này đến đến địa đầu Móng Cái thì cảm xúc rất có điều khác lạ. Đó là một cảm xúc mà có lần tôi đã từng đọc được trong cuốn sách 'Thiên nhiên Việt Nam' của cố giáo sư Lê Bá Thảo.

Biểu tượng rừng đước ở mũi Sa Vĩ

Biểu tượng rừng đước ở mũi Sa Vĩ

Trong đó có đoạn viết: “Có ai trong chúng ta mỗi một lần được dịp đi trên con đường mòn biên giới mà không xúc động khi dừng chân bên cột mốc… Không có nơi nào bằng ở đây, hai tiếng Tổ quốc lại được cụ thể hóa và nhận thức sâu sắc đến thế”. Và, chuyến đi về nơi địa đầu Tổ quốc ở thành phố Móng Cái tỉnh Quảng Ninh lần này, cái cảm xúc ấy vẫn cứ ăm ắp, vẹn nguyên, không hề có sự đổi thay.

1. Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước

Từ thành phố Móng Cái, theo con đường đi về Tràng Vĩ đã được trải nhựa phẳng lỳ, chúng tôi đến mũi Gót, nơi có cột cây số 0 Km, nổi tiếng với địa danh Sa Vĩ. Con đường không xa lắm, chỉ khoảng chục cây số, êm như du và thoáng đãng trong hương vị mặn mọi của biển khơi thoảng qua từng ngọn gió tươi mát từ đại dương đưa về. Chỉ khoảng hơn chục phút xe chạy, chúng tôi đã dừng chân ở điểm cực Đông Bắc thiêng liêng của Tổ quốc: Mũi Sa Vĩ. Đây là nơi kết thúc của tuyến đường biên giới Việt Nam trên đất liền với Trung Quốc và cũng là nơi đặt nét bút đầu tiên trên tấm bản đồ hình chữ S để mở ra một đường bờ biển dài 3.260 km.

Đứng bên cột cây số thiêng liêng, trên vành đai biên giới, cảm xúc trong tôi không khỏi trào dâng với một niềm tự hào khôn tả. Trong nỗi niềm xúc động ấy, bất chợt trong tôi lại nhớ đến những vần thơ hùng tráng, thiết tha của nhà thơ Tố Hữu: “Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/ Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa/ Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/ Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa” (Vui thế, hôm nay).

Dường như đến “Trà Cổ rừng dương” không ai lại không muốn chụp cho mình một tấm hình làm kỷ niệm ở cột mốc Tràng Vĩ. Đây là một cột mốc thiêng liêng khẳng định chủ quyền của đất nước ở nơi địa đầu Tổ quốc. Bởi thế, mặt cột mốc nhìn về phía Bắc có in dòng chữ “Tràng Vĩ 0 km” và mặt nhìn về phía Nam có ghi đầy đủ chiều dài bờ biển từ nơi bắt đầu cho tới điểm kết thúc: “Từ Trà Cổ đến mũi Cà Mau 3.260 km”.

Đứng giữa bao la của dặm dài núi non biển cả, dưới trời xanh mênh mông, thăm thẳm… chúng tôi thấy đất trời miền biên viễn Đông Bắc xa xôi hiện lên thật đẹp đẽ và hào sảng. Nét đẹp hùng vĩ hiện lên từ dáng núi hình sông đến sắc biển khơi xa xanh biếc, trập trùng sóng vỗ.

Trong nỗi niềm cảm xúc dâng trào, ngắm nhìn thủy triều dạt dào lên xuống ở nơi bắt đầu Tổ quốc, tôi mới hay cái tên gọi Sa Vĩ thật diệu kỳ. Sa Vĩ triết tự là đuôi rồng. Phải chăng khi xưa trên miền Trà Cổ, đứng nhìn thủy triều rút nước, người xưa thấy hiện ra trước mắt một doi cát sẫm màu mềm mại uốn lượn như thể đuôi rồng mà hình thành tên gọi. Ngẫm kỹ, cái tên gọi không chỉ là địa danh đặt theo đặc điểm của thế đất mà còn gửi gắm cả những ước mơ, khát vọng. Sa Vĩ là đuôi rồng.

Theo văn hóa phương Đông, hình tượng rồng luôn tượng trưng cho sự tốt lành. Bởi thế các nhà phong thủy thường hay đi tìm thế đất hình rồng để đặt mồ xây mả, cất cửa dựng nhà. Thế mới hay cái sự uyên thâm của người xưa trong một tên gọi. Hai tiếng Sa Vĩ đâu chỉ là tên gọi (địa danh) mà còn chứa đựng cả những ước mơ, khát vọng. Đó là những khát vọng về bao điều tốt lành cho muôn đời đất nước, cho ngàn đời cháu con.

Cột cây số 0 km ở Sa Vĩ (Trà Cổ, Móng Cái)

Cột cây số 0 km ở Sa Vĩ (Trà Cổ, Móng Cái)

Cuộc sống ở mũi Gót còn khá đơn sơ. Tuy là khu du lịch nhưng nhìn chung dịch vụ nơi đây còn nghèo nàn, chân chất. Bên cạnh Đài Quan sát Tràng Vĩ của Đồn Biên phòng Trà Cổ có lẽ khu công trình Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ hiện lên nổi bật nhất. Tám chiếc lá dương biển bằng bê tông được cách điệu khổng lồ vươn lên trời cao gần ba chục mét tạo thành một “chòi” quan sát cho khách du lịch ngắm nhìn đất trời biển cả thật thú vị. Từ trên chòi cao chúng tôi nhìn về mạn Bắc, phía trước mắt không xa là cửa sông Bắc Luân chia đôi hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Trong buổi chiều hôm, khi thủy triều lên, nước biển dâng mênh mông khiến cho đôi bờ xa ngút trong tầm mắt. Phía sau vành đai biên giới, trên mặt nước thăm thẳm bao la những bãi sú bãi vẹt như thể đang ngụp lặn cùng sóng biển gầm gào không dứt. Thấp thoáng, những con tàu tuần tra chồm lên trên ngọn sóng như những chiến mã rẽ sóng ra khơi một cách mạnh mẽ để bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc.

Đến khi buổi sớm, nước rút về đại dương xa xôi, bờ kè chắn sóng trở lại bình yên bên bãi vắng, người thưa, mặc cho hàng phi lao du dương trong gió biển với vài ba con thuyền nằm ngửa phơi mình trên bãi cát mênh mông trong giấc ngủ bình yên, êm ả.

Ở mãi phía ngoài xa, cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt - Trung (mốc 1378) hiện lên trên thân cột bê tông với những vạch sơn đỏ, đen, vàng, trắng sừng sững, ngạo nghễ, hiên ngang giữa làn nước mênh mông, xanh biếc. Nhìn xuôi về Nam những đảo xanh trập trùng nối đuôi nhau mọc lên giữa biển như mình rồng vươn ra khơi xa, thấp thoảng ẩn hiện trong mây mờ là ngọn hải đăng Vĩnh Thực giống như cột trụ trời đang dương con mắt trên biển hiện ra trên đỉnh Đầu Tán. Gần hơn, nơi giáp ranh giữa hai xã Hải Xuân và Vạn Ninh là cửa biển của người anh em sinh đôi với sông Bắc Luân.

Ngược dòng lịch sử, cái cửa biển song sinh ấy từng là vùng phên dậu của Tổ quốc và gắn liền với lịch sử thăng trầm của dân tộc trong một danh xưng khác: sông Mang Thác. Thủa sơ khai, thời kỳ hậu đồ đá mới, dòng sông Mang Thác gắn liền với sự hình thành và phát triển của loài người trong cái tên gọi “Nền văn hóa Hạ Long”, được tìm thấy qua các di chỉ ở Gò Thoi Giếng, Gò Ông Tổng, Dốc Bà Mừng.

Đến thời đại nhà Trần, con sông Mang Thác lại là một chứng nhân cho những trận đánh oanh liệt diễn ra trên mình nó. Đó là trận Mũi Ngọc. Trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ ba, Nhân Đức Hầu Trần Toàn đã che giấu các chiến thuyền, đặt phục binh tại Mũi Ngọc và các đảo xung quanh để chờ đón binh thuyền của Ô Mã Nhi. Khi đoàn thuyền chiến của quân Nguyên - Mông hùng hổ tiến vào cửa Vạn Ninh, phục binh của ta từ các ngả xông ra tấn công như vũ bão. Ô Mã Nhi bị đánh bất ngờ, thuyền giặc bị đắm nhiều vô kể, máu giặc lênh lánh trên mặt sông.

Chiến thắng ở cửa biển Vạn Ninh đã làm cho quân giặc hoảng sợ và tiêu hao lực lượng; góp phần giúp cho Trần Khánh Dư làm nên đại thắng ở Vân Đồn, chấm dứt sự nhòm ngó Đại Việt của quân đội xâm lược chuyên nghiệp.

Thế đấy, khi đất nước bị xâm lăng, sông Mang Thác và cửa Vạn Ninh là mồ chôn bọn giặc cướp nước. Chiến tranh đi qua, cửa biển Vạn Ninh lại hiền hòa và trở thành một trong những thương cảng tiền tiêu sầm uất một thời. Chỉ tính sơ qua vậy thôi cũng đủ thấy trầm tích thời gian của Trà Cổ rừng dương.

Có lẽ ở hai đầu đất nước, hai doi đất tiến nhô ra ngoài mặt biển mà người ta gọi là mũi hay chăng? Ở Trà Cổ là mũi Gót (mũi Sa Vĩ), phía phương Nam nơi tận cùng đất nước là mũi Cà Mau. Hai nơi đất mũi ở hai địa đầu Bắc - Nam. Nếu Trà Cổ ở mũi Sa Vĩ là nơi đón ánh mặt trời đầu tiên ở miền Bắc thì tít mãi mũi Cà Mau là nơi duy nhất ở Việt Nam có thể ngắm trọn mặt trời mọc lên từ biển Ðông và lặn xuống ở biển Tây. Từ Bắc xuống Nam, quê hương ta một dải.

Trong niềm vui thống nhất đất nước, cảm xúc dâng cao khi Nam Bắc được xum họp một nhà, Tố Hữu đã phát hiện ra sự tương đồng để hào hứng hết lời ngợi ca hai miền đất mũi trong sự thống nhất trọn vẹn không gì có thể chia cắt được.

Quả là một niềm tự hào, một niềm vui bất tận. Một cảm xúc chỉ có thể xuất hiện trong những những nỗi niềm xúc động đặc biệt ở những nơi thiêng liêng của Tổ quốc. Có đến Sa Vĩ, đứng trên đường biên giới, ta mới thấy được cái cảm hứng mãnh liệt trong câu thơ được khắc bên cột mốc nơi tiên tiêu của Tổ quốc: “Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước”.

2. Mái đình làng biển - hồn Việt Nam như thế!

Đó là những ca từ trong bài hát có tên là “Mái đình làng biển” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Bài hát được nhạc sĩ cảm hứng từ mái đình Trà Cổ. Cảm hứng từ tầm vóc Việt và tâm hồn Việt nơi địa đầu Tổ quốc để ngợi ca vùng đất và con người Trà Cổ.

Đình Trà Cổ, một cột mốc tâm linh nơi đầu sóng ngọn gió không phải chỉ là của bây giờ mà đã có từ rất xa xưa. Đến ngắm mái đình làng biển ta không thể không nghĩ đến lịch sử của miền đất và con người sinh tồn ở nơi đây, từng là chủ nhân sáng tạo ra cái mái đình chất chứa tình yêu và tâm hồn Việt ấy.

Doi đất Trà Cổ ở Móng Cái từng được người ta ví như một “cô gái quê mùa”. Danh xưng ấy có lẽ do bãi biển nơi đây ít nhiều còn giữ được cái vẻ hoang sơ, chất phát. Ở nơi đây, vẻ đẹp huyền ảo trong mỗi buổi sớm mai khi mặt trời lên hay lúc chiều hôm khi hoàng hôn buông xuống từng được người ta truyền tụng là nơi giao hòa của đất trời và biển cả. Sở hữu một đoạn bờ biển kéo dài mười lăm cây số, biển Trà Cổ được xem là một trong những bãi biển đẹp nhất ở miền Bắc với những bãi cát trải dài mịn màng, uốn lượn mềm mại; nước biển mênh mông xanh biếc, rập rờn sóng vỗ, đêm ngày soi bóng những hàng dương.

Cái nhan sắc lộng lẫy và trữ tình hết mực ấy của Trà Cổ không phải khi sinh ra là đã có ngay được mà nó là cả một quá trình lao động sản xuất của đôi bàn tay con người cùng những biến thiên của tạo hóa.

Ngược dòng lịch sử, tính từ khi Trà Cổ còn là một vùng sình lầy như cái eo biển nhỏ với những bãi cát mênh mông mà tục gọi là sông Trà Cổ. Cái doi cát ấy chạy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Mặt phía Đông nhìn ra Vịnh Bắc Bộ, mặt phía Bắc hướng vào đất liền, mặt Đông Bắc nhìn sang Trung Quốc, mặt Tây Nam nhìn về đảo Vĩnh Thực.

Bấy giờ Trà Cổ không có bóng người. Thế rồi một ngày trời nổi phong ba làm cho những người Đồ Sơn, Hải Phòng đánh cá trên biển không may bị đắm thuyền. Họ không thể trở về quê hương được nữa mà phải đành ở lại cái eo biển sình lầy này chặt sú, cắt lau làm chòi che nắng tránh mưa.

Hàng ngày họ cùng nhau đắp bờ thau chua, rửa mặn làm thành những ruộng, vườn phì nhiêu, màu mỡ để trồng khoai, cấy lúa. Không trở lại được quê cũ nhưng họ vẫn không nguôi nhớ nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Và rồi để cho nguôi ngoai nỗi nhớ cố hương và tỏ lòng nhớ ơn quê cha đất tổ, những người khai sơn phá thạch trên vùng đất mới (những người ở Đồ Sơn bị đắm thuyền năm xưa) đã lấy tên hai làng cũ của mình ghép lại để đặt tên cho vùng quê mới và dựng đình để ghi nhớ công ơn những người tiên phong mở làng lập ấp.

Hai làng Trà Phương và Cổ Trai ở Đồ Sơn, Hải Phòng được ghép lại thành Trà Cổ. Ở trên làng mới họ dựng đình Trà Cổ để thờ cúng thành hoàng làng và tri ân sáu vị tổ làng đầu tiên có công khai khẩn hoang hóa, dựng nhà lập làng. Tên gọi của Trà Cổ và lịch sử của ngôi đình cũng là lịch sử của một vùng đất nơi đặt nét vẽ đầu tiên của đất nước dải đất hình chữ S, trên bờ biển Đông.

Chúng tôi đến thăm đình Trà cổ khi mặt trời sắp lặn. Ngôi đình tọa lạc trên khu đất rất đẹp, rộng chừng 1000 mét vuông, mặt nhìn về hướng Nam, phía trước có bãi biển thơ mộng.

Theo truyền kể, đình làng được làm từ thời Hậu Lê và là ngôi đình bề thế, nổi tiếng cổ kính, duy nhất còn lại trên tuyến biên giới Việt Trung. Đình được trùng tu nhiều lần, gần nhất vào năm 2012. Kiến trúc hiện tại của đình giữ nguyên dáng nét ngày xưa; được làm theo hình chữ Đinh gồm năm gian hai trái, hậu cung có ba gian.

Đình được làm theo kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền. Cấu kiện nội thất gồm có các cột gỗ lim kê trên giá đá. Toàn bộ ngôi đình được dựng lên bằng sự liên kết giữa các khung gỗ và các chốt mộng. Trong đình, trên các đầu bẩy, các bức cốn ở những vì kèo được đục rất công phu.

Đầu rồng chạm kênh bong với các đao mác chắc khỏe trên các đầu bẩy; hình hổ rình mồi, long cuốn thủy, rồng mẹ rồng con quấn quít, phượng bay, hoa lá, mây lửa uốn lượn duyên dáng, uyển chuyển; lưỡng long chầu nguyệt ở cửa võng với những đường nét chau chuốt như bút vẽ; tám chữ “Nam Sơn tịnh thọ” (Thọ tựa Nam Sơn) và “Địa cữu thiên trường” (Đất vững trời dài) thể hiện và khẳng định sự trường tồn của giang sơn xã tắc được làm nổi bật trên hai bức hoành phi sơn son thếp vàng…

Có thể nói, mỗi đầu bẩy, mỗi bức cốn, mỗi một họa tiết trang trí trong đình đều là những tác phẩm điêu khắc rất sống động được thể hiện qua các nét chạm trổ tinh xảo, chắc khỏe. Mái đình được lợp ngói vẩy; bốn góc đao uốn cong mềm mại, bay bổng như những mũi thuyền lướt sóng ra khơi. Ngoài ra, trong đình hiện nay còn lưu giữ được khá nhiều hiện vật có giá trị như đỉnh hương đồng (ba chiếc), hạc cưỡi rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng (một đôi), long ngai bằng gỗ từ thời Nguyễn (tám chiếc), sắc phong của các triều đình phong kiến (mười hai cái)…

Đặc biệt, ngôi đình còn giữ nguyên vẹn hệ thống sàn gỗ (kiểu đình sàn). Những sàn gỗ được lát trong lòng đình và ngoài hiên đình. Sàn gỗ được làm cách mặt đất khoảng nửa mét.

Đình Trà Cổ (Móng Cái)

Đình Trà Cổ (Móng Cái)

Đình Trà Cổ thờ bảy vị Thành hoàng làng trong Hậu cung là: Ngọc Sơn Trấn Hải Đại Vương Tôn Thần, Huyền Quốc Lã Thái Úy Tôn Thần (Thái úy Lý Thường Kiệt), Không Lộ Giác Hải Đại Vương Tôn Thần (Thiền sư Không Lộ và Thiền sư Giác Hải), Bạch Điểm Tước Đại Vương Tôn Thần, Quảng Trạch Đại Vương Tôn Thần, Nhân Minh Đại Vương Tôn Thần. Đặc biệt bên ngoài Đại đình, trên bệ thờ, cư dân cổ xưa ở Trà Cổ còn đặt long ngai bài vị của sáu vị Tiên công của làng để phối thờ.

Sau vị Tiên công này chính là những hiền nhân của sáu gia đình đầu tiên đặt chân đến vùng đất này và ở lại để khai phá, hình thành nên vùng đất Trà Cổ ngày nay.

Truyện kể lại rằng, khi xưa, bị đắm thuyền, nhóm người ở Đồ Sơn trôi dạt đến vùng cồn bãi hoang vu chỉ có sú và vẹt. Không có phương tiện trở về, mười hai gia đình ở Đồ Sơn đã có người nhìn cảnh vật mà ngao ngán thốt lên: “Ở đây ăn bổng lộc gì/ Lộc sim thì chát lộc si thì già”. Sau đó một thời gian, một nửa gia đình trong đoàn đã bỏ vùng đất hoang vu này đi nơi khác, tìm về quê cũ. Sáu gia đình còn lại không bỏ đi, bằng sự cần cù và óc sáng tạo, họ đã quyết tâm khai hóa đất hoang, lập nghiệp ở chốn này. Họ lạc quan và tin tưởng động viên nhau vượt qua gian khó trước mắt để nhìn về tương lai: “Ở đây vui thú non tiên/ Tháng ngày lọc nước lấy tiền nuôi nhau”. Chủ nhân của sáu gia đình ở lại đó đã được hậu sinh coi là sáu vị hiền nhân của làng. Sau khi mất, họ được đời sau tôn thờ, tri ân ở trong đình Trà Cổ cùng các vị thành hoàng làng của miền đất này.

Bắt đầu từ sáu gia đình từ thời Hậu Lê, xóm làng Trà Cổ phát triển dần lên đông đúc. Bằng cách làm ăn chăm chỉ cùng với sự thông minh, các thế hệ cư dân ở Trà Cổ đã biến vùng cồn bãi sình lầy một thủa thành một cửa biển trù phú, tươi đẹp. Trên miền đất mới, người Trà Cổ vẫn không nguôi nhớ về quê hương bản quán của mình. Họ thường nhắc nhủ cháu con về gốc gác quê hương của mình không chỉ trong gia phả mà cả trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Chẳng thế mà phương ngữ ở đây có câu: “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn”.

Hơn thế, trong đình làng, trên hai bức đại tự đặt ở tiền đường họ còn cẩn thận có khắc đôi hàng chữ Hán để vừa vọng về cố hương vừa thể hiện niềm vui ở nơi ở mới: “Đồ Sơn ngật nhĩ hình hương địa/ Trà Cổ uy nhiên kỷ niệm từ” (Trà Cổ uy nghi đình kỷ niệm/ Đồ Sơn vời vợi đất lừng danh).

Lịch sử hình thành và phát triển đình Trà Cổ còn gắn liền với triều đình vua Lê Thánh Tông. Tương truyền năm 1461, triều đình Lê Thánh Tông đã cho cư dân Trà Cổ làm ngôi đình tại cửa biển với kiến trúc mang những nét đặc trưng của đình làng Bắc Bộ. Những hiệp thợ từ Thanh Hóa và những khối gỗ tứ thiết được chuyển ra miền biên viễn xa xôi với bao công sức để làm nên một mái đình của người Việt sừng sững, uy nghi ở giữa nơi đầu sóng ngọn gió. Quả là một việc làm không dễ, một tầm nhìn vượt thời đại.

Mục đích của ngôi đình có lẽ không dừng lại ở việc tri ân công đức của các thành hoàng làng, của những Tiên công lập làng, mở cõi mà còn có ý nghĩa là một cột mốc biên giới; một cột mốc văn hóa, một cột mốc tâm linh của người Việt ở nơi địa đầu đất nước, nơi cửa biển đối diện với phương Bắc.

Ở góc nhìn này, chúng ta có thể thấy sự xuất hiện của đình Trà Cổ còn là một minh chứng sâu sắc cho tầm nhìn và chiến lược tài ba của vị hoàng đế được đánh giá là giỏi nhất trong lịch sử Đại việt, vua Lê Thánh Tông. Đến nay sử sách vẫn còn ghi, đức vua Lê Thánh Tông luôn nhắc nhở, căn dặn triều thần: “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”, “Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để ai lấy mất một phân núi, một tấc sông do Vua Thái Tổ để lại” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Giữa vùng sóng gió xa xôi biên viễn Đông Bắc; trước nanh vuốt của một gã hàng xóm chưa bao giờ từ bỏ ý định nhòm ngó, lăm le xâm chiếm; ngắm nhìn mái đình làng biển ở Trà Cổ ta cứ ngỡ như đang ở một ngôi đình nào đó trong không gian của xứ Bắc, xứ Đoài, xứ Đông.

Chẳng những thế, mỗi khi ngắm nhìn sàn đình ở hai bên tả hữu người ta lại không khỏi nghĩ đến những ngôi đình cổ kính như Đình Bảng (xứ Bắc - Bắc Ninh), Chu Quyến, Tây Đằng (Xứ Đoài - Hà Nội) hay Hàng Kênh (xứ Đông - Hải Phòng)… Người ta không khỏi nghĩ đến những ngôi nhà sàn (làm cách điệu) của người Việt cổ. Mái đình làng biển là một minh chứng sống động, hùng hồn cho tâm hồn Việt, cho văn hóa Việt tồn tại hiển nhiên, lâu đời trên cồn bãi Trà Cổ.

Cùng với đó, hàng năm, từ ngày 30 tháng 5 đến ngày mùng 3 tháng 6 (Âm lịch), nhân dân Trà Cổ tổ chức lễ hội truyền thống với một quy mô to lớn (ở thành phố Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung). Nét độc đáo của lễ hội dân gian đình Trà Cổ là lễ rước thần trên biển và hội thi “Ông voi”, cuộc thi giữa 12 chú lợn được 12 ông đám chăm sóc, nuôi lớn.

Với mái đình thân thương mang bóng dáng Việt, với lễ hội truyền thống của người Việt, ta thấy bản sắc văn hóa Việt là đây chứ còn đâu. Ngẫm thế ta mới càng thấm thía sự khác biệt của hai nền văn hóa Nam - Bắc đã từng được Nguyễn Trãi nhắc đến, khẳng định chắc chắn: “Núi sông bờ cõi đã chia/ Phong tục Bắc Nam cũng khác/ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương” (Bình Ngô đại cáo).

Giờ đây, đình mái đình làng biển ấy cũng đã được công nhận là “Di tích Quốc gia đặc biệt” để xứng đáng với ý nghĩa và tầm vóc vốn có của nó ở nơi đầu sóng ngọn gió biên thủy xa xôi.

Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn

Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn

3. Ngược sông Ka Long lên non thiêng Pò Hèn

Từ thành phố Móng Cái chúng tôi ngược dòng sông Ka Long lên khu di tích lịch sử Pò Hèn thăm viếng các anh linh liệt sĩ chống Tàu ở nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Hành trình đường đi khoảng bốn chục cây số là một trải nghiệm tuyến đường biên giới đầy thú vị. Con đường đến Pò Hèn chạy song hành cùng dòng sông Ka Long xanh biếc. Sông Ka Long vốn là con sông được khởi nguồn từ dãy núi Thập Vạn Đại Sơn (Trung Quốc) chảy ra biển Trà Cổ, phần đi trên đất Việt bắt đầu từ xã Quảng Đức huyện Hải Hà rồi đi qua thành phố Móng Cái. Tính từ nơi khai sinh cho đến nơi hòa nước vào đại dương mênh mông ở Trà Cổ, sông Ka Long có tổng chiều dài chừng khoảng một trăm mười cây số, chỗ chảy trên đất Việt dòng chảy gần như là biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc, dài khoảng 60km, đây cũng là đường biên giới tự nhiên bằng sông này dài nhất Việt Nam.

Kể từ khi dời chân núi Thập Vạn Đại Sơn, ở Phong Thành, dòng chảy của Ka Long (tên gọi ở Trung Quốc là Bắc Luân hà) theo hướng Đông Nam. Sông chảy đến vùng bãi chắn Coóng Pha ở xã Hải Sơn (Móng Cái) thì đổi hướng chảy về phía Đông, sau chuyển sang theo hướng Đông Nam khi đến nội thị thành phố Móng Cái. Từ ngã ba Soáy Nguồn, dòng sông “nhất giang lưỡng quốc” ấy lại chia thành hai ngả.

Một ngả theo hướng Đông, gọi là sông Bắc Luân, tiếp tục chạy dọc biên giới Việt - Trung, đi qua phường Hải Hòa, qua bãi Tục Lãm để đổ nước ra cửa biển ở phía Bắc đảo Trà Cổ (cửa sông Bắc Luân, phường Trà Cổ).

Một ngả tiếp tục chảy theo hướng Nam vào giữa lòng thành phố Móng Cái gọi là sông Ka Long. Dòng chảy này cũng chia thành hai chi lưu.

Một chi lưu chảy theo hương Đông tạo thành sông Trà Cổ nhưng dòng chảy này hiện không còn nữa mà đã bị phù sa bồi lấp tạo thành một vùng đất trù phú với những làng mạc và phố phường hiện đại. Một chi lưu chảy ngoằn nghèo hết theo hướng Tây Nam rồi lại sang hướng Đông Nam và cuối cùng đổ nước ra cửa biển là ranh giới giữa hai xã Hải Xuân và Vạn Ninh.

Phải nói rằng nhờ có dòng sông đi qua mà thành phố Móng Cái trở nên yêu kiều, duyên dáng hơn rất nhiều. Mỗi khi chiều buông hay trong màn đêm, ngắm nhìn đôi bờ sông nước Ka Long, người ta thấy phố phường Móng Cái soi bóng xuống dòng sông đẹp mê hồn hoặc lung linh trong ánh đèn rực rỡ, lấp lánh. Mỗi khi như thế người ta thấy thành phố biên viễn xa xôi nơi địa đầu Tổ quốc hiện lên như một bức tranh thủy mặc làm mê mẩn lòng người.

Quốc lộ 18B, từ thành phố Móng Cái lên Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn có lẽ làm một trong những cung đường biên giới đẹp nhất vùng Đông Bắc. Con đường uốn lượn mềm mại dưới những chân núi, triền đồi của cánh cung Đông Triều - Móng Cái không còn những ổ trâu, ổ gà khó đi như thời trước nữa mà đã được trải nhựa đen bóng, phẳng lỳ làm cho xe chạy êm ả nhẹ nhàng như ru.

Chẳng những vậy cung đường biên ải của miền sơn cước còn hiện lên rất trữ tình với một bên đường là núi đồi trập trùng trong màu xanh tươi mát của rừng cây, nương rẫy đang rung rinh trong cái nắng, cái gió của mùa thu nhè nhẹ, dịu dàng và một bên là dòng sông Ka Long nước trong xanh biếc nhìn thấu tận đáy đang lặng lẽ dâng hiến nguồn nước ngọt ngào để tắm mát, nuỗi dưỡng cho đôi bờ lưỡng quốc.

Không những thế, bức tranh bên bờ Ka Long theo dọc trục đường biên giới lên đỉnh non thiêng Pò Hèn còn được hiện lên trong những sắc màu tươi mới của một cuộc sống đang được hồi sinh.

Nếu trên suốt chặng đường gần bốn chục cây số, nhìn sang phía bên kia hàng rào sắt chạy dọc theo dòng sông, khi sát mép nước, lúc lại lùi sâu vào trong những triền đồi; người ta thấy nước láng giềng Trung Quốc hiện lên trong thấp thoáng của những ngôi nhà ống cao tầng nằm bên con đường uốn lượn sát vành đai biên giới thì bên này đường, giữa đất trời tĩnh lặng, thoáng đãng, bình yên; ai nấy đều cảm thấy ngỡ ngàng và ấm lòng khi nhìn thấy những xóm thôn nằm xa phố phường của thành phố Móng Cái cũng đang có nhiều đổi thay không kém đất nước hơn một tỷ dân.

Bên này bờ sông, người ta thấy hiện lên giữa màu xanh của cây lá là những xóm làng đang ngày một thay da đổi thịt với những ngôi trường tươi màu ngói mới, những nếp nhà kiên cố mới xây theo những kiểu cách khá hiện đại thay cho những mái gỗ, mái dạ hay những tấm lợp fibro xi măng ngả màu xám đen gợi lên những nỗi buồn thiếu thốn, ảm đạm mà từng được thấy khi xưa.

Đi suốt dặm dài biên giới, giữa màu xanh của núi đồi ngập nắng mùa thu tháng Tám, sông núi bờ cõi hùng vĩ, thiêng liêng hiện lên trong tầm mắt thật tráng lệ và ngập tràn sức sống. Con đường vùng cao Đông Bắc được gió trời quét sạch tinh tươm như thể thay áo mới để đón mùa thu sang. Dòng sông Ka Long có khúc thì mênh mang nước xanh có chỗ lại phơi mình với những lạch nước róc rách, trong veo luồn lách qua các bãi sỏi gập ghềnh. Theo đó, những hàng rào biên giới bằng những lưới thép bịt bùng có lúc chạy vào gần ngay mép nước như thể sát bên đường đi, có chỗ lại chênh vênh bên sườn đồi cách xa con sông theo những khúc gấp quanh co của địa hình biên ải.

Dọc theo biên giới chúng tôi trông thấy rất nhiều biển treo nhắc nhở cho mọi người được biết mảnh đất dưới chân mình đi qua là nơi bắt đầu của Tổ quốc: “Vành đai biên giới”. Chỉ bốn chữ đơn sơ trên nền biển xanh treo trên hai cột sắt tròn sơn những vòng trắng đỏ đứng sừng sững bên lề đường nhưng làm cho ai đấy ngang qua đều cảm thấy trong mình bỗng trào dâng biết bao cảm xúc tự hào và thiêng liêng khó tả.

Kỳ lạ thay, đất của ta nơi đâu chẳng vậy nhưng cớ sao cứ ở cái nơi bắt đầu của xứ sở Tổ quốc ta lại thấy nó hiện lên quá đỗi gần gũi và rất thân thương. Ngồi trên xe đi, nhìn qua cửa kính, chẳng ai bảo ai, mỗi khi bánh xe lăn qua một biển báo, dù đã nhìn thành quen rồi nhưng ai nấy vẫn cứ hướng mắt vào biển báo, chỉ chỏ, xác tín với nhau, rằng đây là nơi khởi đầu Tổ quốc. Nhưng có lẽ cái cảm xúc thành kính và tự hào nhất về đất nước trên cung đường biên ải phải kể đến những khi được ngồi bên và chạm tay vào các cột mốc thiêng liêng trên suốt dặm đường xe qua.

Bên cạnh những cột mốc thiêng liêng người ta có cảm giác hồn thiêng sông núi được lắng kết vào những khối đá hoa cương để chỉ dấu cho con cháu muôn đời biết được chủ quyền lãnh thổ, biên giới của muôn đời ông cha truyền lại. Đặt tay lên cột mốc ta như quên đi hết mệt mỏi của dặm đường xa xôi để được lắng lại trong hồn một nỗi niềm rưng rưng, xúc động.

Có lẽ, ngồi bên cột mốc người ta sẽ nhận ra những phiến đá hoa cương không còn là những vật vô tri vô giác nữa mà cảm nhận được đầy đủ nhất ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng “Tổ quốc” mà thường ngày đã từng được nghe, được nhắc rraats nhiều. Trong cái tâm trạng dạt dào những xúc động thiêng liêng bên các cột mốc nơi tuyến đầu đất nước bất chợt tôi lại nhớ đến câu thơ của Nguyễn Duy khi ở xa Tổ quốc mà vẫn mang trong mình một bóng hình của một cây cột biên giới: “Dù ở đâu vẫn Tổ Quốc trong lòng/ cột biên giới đóng từ thương đến nhớ” (Nhìn từ xa … Tổ quốc). Hóa ra thế đấy, nói ra hay không nói ra, những con dân đất Việt, dù ở đâu, nhất là khi đi ra ngoài đất nước, trong sâu thẳm tâm hồn của họ vẫn ấp ủ, canh cánh một bóng hình của Tổ quốc.

Trong dạt dào cảm xúc trên cung đường biên giới, chúng tôi đến Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, trong Khu di tích lịch sử Quốc gia Pò Hèn (trên địa phận xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái) vào giữa trưa nắng vàng óng ánh. Khu tưởng niệm nằm trên nền doanh trại của Đồn Biên phòng Pò Hèn, năm 1979 có tên gọi là đồn 209 của lực lượng Công an nhân dân vũ trang.

Đài Tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn nằm yên tĩnh giữa không gian của một thung lũng trải màu xanh mát của cây lá và núi đồi bao quanh. Đài được thiết kế theo hình ba đôi bàn tay chụm vào nhau. Tính từ mặt sân lên đến phần ngón tay cao nhất, tượng đài cao chừng khoảng mười sáu mét. Phần dưới cùng của tượng đài là phần bệ đài, trên có đặt lư hương, bàn bày lễ được làm bằng đá.

Bệ đài cao chừng gần một mét, rộng khoảng chục mét. Đi lên dâng hương trên bệ đài chúng ta phải bước trên bậc ngũ cấp, lối lên rộng chừng khoảng năm mét. Trên bệ đài, phía sau lư hương là phần thân đài. Phần dưới thân đài được cắt khoét theo hình của một ngôi miếu, giống như hình ảnh của Đài Tưởng niệm Bắc Sơn ở Ba Đình. Phần trên cùng của tượng đài, ở chính giữa những đôi tay là hình ảnh ngôi sao vàng năm cánh. Đài Tưởng niệm được làm kiên cố bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng ngà, quay về hướng Bắc.

Hình ảnh ba đôi bàn tay chụm vào nhau trên đỉnh có ý nghĩa tượng trưng cho đồng bào các dân tộc Dao, Kinh, Sán Chỉ từng sinh sống, chiến đấu, hy sinh để bảo vệ sự toàn vẹn của bờ cõi biên cương nơi đây. Ngôi sao năm cánh vàng tươi được các đôi nay nâng niu ở giữa là biểu tượng cho đất nước Việt Nam thiêng liêng, đồng thời cũng như thể hiện ý chí quyết tâm và khí phách bất khuất, kiên cường bảo vệ non sông đất nước của những con người giữa nơi đất trời biên cương của Tổ quốc.

Còn hình ảnh ngôi miếu được cắt khoét lõm sâu vào trong phần thân đài tưởng niệm ở phía trên bệ đài cùng với phần nhô ra của những đôi tay, của thân đài tưởng niệm dễ làm người ta liên tưởng đến quan niệm âm dương trong triết lý phương Đông. Đồng thời cũng làm người ta nghĩ đến hình ảnh của một ngôi nhà chung sưởi ấm cho các anh linh liệt sĩ.

Ngoài ra, hai bên đài tượng niệm có hai nhà bia bên trong có đặt bia đá khắc tên những người đã hy sinh để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng Pò Hèn. Tấm bia đá thứ nhất khắc tên 45 cán bộ, chiến sĩ biên phòng đã hy sinh tại đồn 209 vào sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979. Tấm bia thứ hai khắc tên 13 chiến sĩ hy sinh từ ngày 15 tháng 2 năm 1980 đến ngày 25 tháng 6 năm 1991 tại biên giới Pò Hèn cùng nữ liệt sĩ duy nhất Hoàng Thị Hồng Chiêm và 27 công nhân, nhân viên Công ty Thương nghiệp Pò Hèn và Lâm trường Hải Sơn đã anh dũng hy sinh trong ngày 17 tháng 2 năm 1979 tại nơi đây.

Phía sau tượng đài là ngôi mộ gió tập thể do đồng đội hậu sinh của các anh, các chị đã lập lên để chiêu hồn, tưởng nhớ các liệt sĩ đã ngã xuống ở chốn này. Cách đó không xa có ngôi đền tam bảo năm gian khang trang, sạch đẹp là nơi thờ tự Chủ tịch Hồ Chí Minh và 86 chiến sĩ và công nhân lâm trường đã anh dũng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trên mảnh đất Pò Hèn trong cuộc chiến chống quân xâm lược bành trướng phương Bắc.

Mộ gió các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc ở Pò Hèn

Mộ gió các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc ở Pò Hèn

Lên đỉnh non thiêng Pò Hèn, trong hương trầm man mác, câu chuyện của những người lính quân hàm xanh đã hiến dâng trọn đời cho Tổ quốc từ hơn 45 năm trước vẫn cứ mới như ngày hôm qua khiến cho chúng tôi ngậm ngùi, thương nhớ.

Đó là rạng sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược Trung Quốc bất ngờ tấn công sáu tỉnh biên giới Việt Nam, từ Pa Nậm Cúm (Lai Châu) đến Pò Hèn (Quảng Ninh).

Ở Pò Hèn, pháo hạng nặng và nhiều loại hỏa lực (cối 120 ly, 82 ly) bắn dữ dội vào Đồn biên phòng 209, đội lâm trường, cửa hàng thương nghiệp và các khu dân cư. Đến khoảng 6 giờ 30 phút, hơn 2000 tên xâm lược, chia làm ba hướng tập kích vào Đồn 209. Các cán bộ, chiến sĩ ở đồn và ba điểm chốt quanh đồn đã dũng cảm nổ súng đánh trả quyết liệt và bám trụ cho đến hơi thở cuối cùng với phương châm “một tấc không đi, một ly không rời”.

Do không cân sức, dù đã rất kiên cường chiến đấu nhưng đến 11 giờ cùng ngày, 45 chiến sĩ của Đồn 209 đã anh dũng hy sinh cùng với nhóm công nhân Lâm trường Hải Sơn và nữ nhân viên thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm.

Có thể nói, Khu tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn là nơi đi về, an nghỉ của 86 anh linh nhưng đồng thời cũng là nơi để các lớp hậu sinh tôn vinh, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên rẻo đất Pò Hèn nơi biên cương Móng Cái.

Nghe kể, chúng tôi được biết, công trình tri ân này do Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh cùng các tập thể, thân nhân liệt sĩ trên mọi miền đất nước ủng hộ. Khu di tích được hoàn thành vào tháng 1 năm 2011 với tổng diện tích khuôn viên khoảng trên 86.000m2, gồm các hạng mục chính là: Đài tưởng niệm, đỉnh hương, nhà bia, sân khu tưởng niệm và vườn cây. Công trình được hoàn thành sau khoảng 20 tháng thi công.

Cách đây hai năm, tháng 9 năm 2022, Khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn đã được Nhà nước công nhận là “Di tích Lịch sử Quốc gia”. Giữa núi rừng tĩnh mịch, trong lành, tươi mát và thơm ngát hương hoa của đất trời biên cương, Khu Di tích lịch sử Pò Hèn không chỉ là một công trình tâm linh mà còn là một “địa chỉ đỏ”, nơi giáo dục truyền thống cách mạng, chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biên giới Tổ quốc của thành phố Móng Cái nói riêng và của cả nước nói chung. Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất Sơn Hải cũng đang dần thay da đổi thịt nhưng Đài Tưởng niệm và tấm gương xả thân giữ nước của những con người trung hiếu sẽ sống mãi với mây ngàn sông núi biên cương. Khúc trang ca Pò Hèn sẽ bất tử trong lòng thương nhớ của nhân dân đất Việt.

Phan Ngọc Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/du-khao-noi-dia-dau-to-quoc-mong-cai-a26245.html