Dự kiến 5/15 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2023 không kịp 'về đích'
Sáng 16/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban thường vụ quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội…
Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát; nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Thị trường tiền tệ, tín dụng cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm; thanh khoản thị trường chứng khoán có xu hướng cải thiện; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.
Về tình hình giữa kỳ thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 – 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, nhìn lại nửa nhiệm kỳ vừa qua, Việt Nam vẫn cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.
Thẩm tra giữa kỳ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Cả WB và IMF đều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 là 4,7%, năm 2024 là 5,5-5,8%.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn một số vấn đề. Cụ thể, dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%.
Ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.
Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% cùng kỳ. Xuất siêu tăng do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm (13,9%), cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý (quý 1 tăng 13,9% đến quý 3 chỉ tăng 7,3%).
Đầu tư tư nhân 9 tháng tăng 2,3%, chỉ bằng khoảng 1/6 mức tăng trước đại dịch. Công nghiệp chế biến, chế tạo giảm tốc mạnh (Chỉ số IIP của ngành quý 1 giảm 2,9%, quý 2 giảm 0,7%, 9 tháng tăng rất thấp 0,2%).
Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022.
Lạm phát đã có dấu hiệu đảo chiều tăng trong 3 tháng gần đây, tỷ giá cũng có những biến động mạnh trong tháng 8, tháng 9. Lạm phát cơ bản 9 tháng là 4,49%, cao hơn nhiều so với lạm phát tổng thể sẽ ảnh hưởng đến không gian chính sách tiền tệ, hạn chế việc tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, chi phí sản xuất, chi phí logistics tăng cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp của các thành phần kinh tế lỏng lẻo, thiếu gắn kết.
Số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao với hơn 135 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 9 tháng; doanh nghiệp mới thành lập giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động; tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/9/2023 giảm 1,9% so với cùng kỳ.
Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng một hệ thống pháp luật nhưng một số cơ quan trung ương, địa phương giải ngân vốn còn thấp so với mặt bằng chung (có 17 Bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%).
Thẩm tra dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với các định hướng lớn, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cho cả năm 2024 như Báo cáo của Chính phủ.
Bên cạnh đó, đề nghị xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ; đánh giá kỹ hơn việc lập dự toán ngân sách nhà nước, cân nhắc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước tích cực hơn để tăng chi đầu tư phát triển và giảm bớt bội chi; nghiên cứu, bổ sung chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội theo Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.