Dự kiến bố trí bình quân 60 biên chế cho mỗi đơn vị hành chính cấp xã

Bộ Nội vụ dự kiến mỗi xã, phường, đặc khu sau khi sáp nhập sẽ có bình quân 60 biên chế gồm khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương cấp xã.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã hướng dẫn nguyên tắc bố trí cán bộ, công chức, viên chức của chính quyền địa phương 2 cấp.

Theo đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của cấp tỉnh sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của cấp tỉnh trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản bố trí theo đúng quy định.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: VGP)

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: VGP)

Bà Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, khi chính quyền địa phương cấp tỉnh sau sắp xếp đi vào hoạt động, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, hoàn thiện vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cho các địa phương.

Về biên chế cấp xã (xã, phường, đặc khu), trước mắt cơ bản giữ nguyên biên chế đang có của cấp huyện, cấp xã hiện nay để bố trí cho cấp xã mới (trừ cán bộ, công chức cấp xã không đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định xin nghỉ thôi việc).

"Sau khi các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị cấp xã đi vào hoạt động ổn định, tạm thời dự kiến bố trí bình quân 60 biên chế một xã, phường, đặc khu, bao gồm biên chế khối Đảng, đoàn thể và chính quyền địa phương cấp xã", Bộ trưởng Nội vụ nói.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, ngay sau cuộc họp Chính phủ sáng 9/5, Chính phủ giao Bộ Nội vụ thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Các hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh được trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 34 nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã (của 23 cặp tỉnh mới và 11 tỉnh không sắp xếp) tương ứng ngay sau đó, bảo đảm các nghị quyết được ban hành đồng bộ, thống nhất hoàn thành trong tháng 6.

Trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề án và trình Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nội vụ tiếp tục theo dõi sát sao, kịp thời nắm bắt, tống hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết hoặc điều chỉnh cho phù hợp, không để ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất Thủ tướng kịp thời biểu dương, tặng bằng khen của Thủ tướng cho 10 địa phương xây dựng hồ sơ đề án trình Chính phủ bảo đảm chất lượng và sớm trước thời hạn yêu cầu (Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Trị, Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ).

Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành Trung ương khẩn trương hoàn thành việc xây dựng Nghị định quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn, thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp xã trên các lĩnh vực chuyên ngành, trình Chính phủ ban hành trước ngày 10/6; chủ động ban hành sớm theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật chậm nhất trước ngày 20/6.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, các bộ ngành cần hướng dẫn, bố trí kinh phí để chi trả thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc do sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn chính quyền địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết (cơ sở vật chất, trụ sở, tài chính, tài sản công, phương án sắp xếp, bố trí nhân sự) để triển khai ngay khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã.

Đồng thời với việc triển khai chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính để hình thành các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới, các địa phương cần tập trung cao cho công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và bố trí nhân sự.

"Cần chủ động xây dựng phương án kiện toàn các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tố quốc và các đoàn thể ở địa phương sau sắp xếp; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định việc chỉ định, bổ nhiệm, sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở địa phương sau sắp xếp", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng, cần thực hiện tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chịu tác động từ việc sắp xếp; công khai, minh bạch trong xây dựng phương án sắp xếp nhân sự và giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động bị tác động sau sắp xếp, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/du-kien-bo-tri-binh-quan-60-bien-che-cho-moi-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-ar942445.html