Dự kiến giá xăng dầu ổn định, giá gas có thể giảm
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng, đồng pha với giá thế giới, giá xăng dầu trong nước tháng 12 có thể nhỉnh hơn so với tháng 11 nhưng nhiều khả năng ổn định dưới mức đỉnh hồi tháng 9. Với gas, theo đà giảm của giá khí đốt thế giới trong tháng 11 vừa qua, giá gas có thể sẽ được điều chỉnh giảm tiếp trong tháng cuối năm.
PV: Ông đánh giá thế nào về những biến động của tình hình thị trường giá cả xăng dầu, gas trong nước và thế giới tháng 11/2023?
Ông Dương Đức Quang: Theo tôi, giá đi xuống là diễn biến của thị trường xăng dầu, gas trong tháng 11 vừa qua. Trong đó, dầu thô bị rơi vào “thị trường gấu” hay còn gọi là thị trường giảm giá. Có thời điểm giá mặt hàng này chạm mức đáy kể từ tháng 7/2023. Hiện dầu WTI được giao dịch quanh mốc 78 USD/thùng, dầu Brent ở khoảng 83 USD/thùng, tương đương giảm khoảng 17% so với vùng đỉnh hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10. Hai tuần gần đây, đà giảm có phần chững lại và đi ngang, tôi cho rằng giá dầu WTI đang khá ổn định, dao động trong vùng 74 - 78 USD/thùng.
Cùng chung xu hướng giá thế giới, giá xăng dầu trong nước tháng 11 cũng có 3 đợt điều chỉnh, trong đó có 2 lần giảm vào ngày 11/11 và 23/11; còn ngày 30/11, giá xăng RON 95-III giảm 34 đồng/lít xuống mức 22.990 đồng/lít, xăng E5 RON 92 lại tăng 109 đồng/lít lên mức 21.799 đồng/lít. So với mức cao nhất của năm vào kỳ điều chỉnh ngày 21/9 thì giá xăng trong nước cũng đã hạ nhiệt đáng kể từ khoảng 2.500 - 2.700 đồng/lít tùy loại.
Nhìn chung, theo tôi, từ đầu năm đến nay, giá cả xăng dầu trong nước khá ổn định, dưới ngưỡng 26.000 đồng/lít và không còn những cú sốc mạnh ảnh hưởng tới tâm lý người tiêu dùng như năm ngoái.
Thị trường gas trong nước cũng bám khá sát diễn biến giá khí đốt thế giới dù vẫn có độ trễ nhất định. Hồi đầu tháng 11, giá gas đã được điều chỉnh tăng tháng thứ 4 liên tiếp, với mức tăng 4.000 - 5.000 đồng/bình đối với loại 12 kg. Điều này khá phù hợp với diễn biến giá khí tự nhiên thế giới giai đoạn trước tháng 11.
Tuy nhiên, sau 3 tháng tăng giá liên tiếp, giá khí tự nhiên niêm yết trên sở NYMEX đang hướng tới tháng giảm mạnh nhất kể từ đầu năm cho đến nay. Do vậy, nhiều khả năng trong kỳ điều chỉnh tháng 12, giá gas trong nước cũng sẽ giảm trở lại.
PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm trong tháng qua?
Ông Dương Đức Quang: Tôi cho rằng đồ thị giá dầu và giá khí tháng qua đi xuống xuất phát chính từ yếu tố cung - cầu.
Thứ nhất là nguồn cung, thị trường dầu thô sau khi trải qua tình trạng thâm hụt trong quý III và dần lấy lại trạng thái cân bằng trong quý IV. Nguyên nhân do sản lượng gia tăng từ các nước ngoài OPEC bù đắp cho thiếu hụt từ chính sách cắt giảm nguồn cung, đi đầu là Saudi Arabia. Sản lượng của Mỹ thậm chí đạt kỷ lục trong lịch sử với 13,2 triệu thùng/ngày, tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày so với giai đoạn trước khi thủ lĩnh nhóm OPEC cắt giảm tự nguyện. Diễn biến giá khí tự nhiên cũng vậy, thời gian này, sản lượng khí tự nhiên, đặc biệt tại Mỹ đạt mức cao kỷ lục. Các kho hàng dự trữ tại EU gần như được lấp đầy với 99,5% và đảm bảo nguồn cung ngắn hạn cho khu vực này.
Thứ hai là về nhu cầu, lo ngại về sức khỏe của các nền kinh tế lớn đã ảnh hưởng đến tâm lý của người mua, từ đó tác động tới hành vi của người tiêu dùng. GDP quý III của khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm 0,1% so với quý trước. Nền kinh tế nhập khẩu xăng, dầu, khí lớn nhất thế giới là Trung Quốc thì phục hồi chậm chạp. Thậm chí, hoạt động sản xuất của nước này đã bị thu hẹp trở lại trong hai tháng gần đây sau khi phục hồi nhẹ trong tháng 9. Điều này cũng hạn chế nhu cầu về nhiên liệu trong công nghiệp và các hoạt động sưởi ấm.
PV: Trong tháng 12/2023, dự báo giá xăng dầu, gas trong nước và thế giới sẽ biến động ra sao, thưa ông?
Ông Dương Đức Quang: Ngày cuối cùng tháng 11 (30/11), Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có cuộc họp quan trọng dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn tới xu hướng giá xăng dầu trong tháng 12. Thị trường kỳ vọng Saudi Arabia sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày cho tới ít nhất là quý I năm sau.
Điều này có thể sẽ giúp giá xăng dầu thế giới phục hồi trở lại trong ngắn hạn. Tuy nhiên theo tôi, thông tin này cũng không quá bất ngờ, nên giá sẽ khó duy trì được đà tăng mạnh, thậm chí có thể suy yếu trong trung hạn nếu như bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều thách thức.
Tuy nhiên, không loại trừ khả năng OPEC+ sẽ cắt giảm thêm hạn ngạch sản xuất của các thành viên. Nếu xảy ra kịch bản này, tôi cho rằng mức cắt giảm sẽ không lớn vì điều này đang vấp phải sự bất đồng từ các quốc gia trong nhóm, vốn đã khiến cuộc họp bị hoãn lại.
Nhìn chung, tôi kỳ vọng giá xăng dầu thế giới sẽ phục hồi vào tháng 12 sau cuộc họp của nhóm OPEC+. Tuy nhiên, sức ép tăng trưởng kinh tế thế giới cũng hạn chế nhu cầu nên giá mục tiêu khó có thể đạt 90 - 95 USD/thùng. Hơn nữa, thông thường tiêu thụ xăng dầu trong giai đoạn mùa đông cũng hạn chế.
Đồng pha với giá thế giới, giá xăng dầu trong nước tháng 12 có thể nhỉnh hơn so với tháng 11 nhưng nhiều khả năng ổn định dưới mức đỉnh hồi tháng 9. Việc giá xăng dầu được điều chỉnh vào thứ năm hàng tuần thay vì các ngày 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng như trước đây tôi cho rằng sẽ giúp các doanh nghiệp xăng dầu kinh doanh hiệu quả, người tiêu dùng chủ động hơn với biến động trong nước qua việc theo dõi triển vọng giá thế giới.
Với gas, theo đà giảm của giá khí thế giới trong tháng 11 vừa qua, giá gas có thể sẽ được điều chỉnh giảm tiếp trong tháng cuối năm. Tuy nhiên, trong trường hợp mùa đông tại các nước EU, hay Mỹ khắc nghiệt hơn vào thời gian tới, nhu cầu khí cho hoạt động sưởi ấm có thể tăng trở lại và kéo giá phục hồi. Do đó, về trung hạn giá khí trong nước sẽ không giảm quá sâu.
PV: Xin cảm ơn ông!