Du lịch Bình Thuận chuyển đổi xanh đến phát triển bền vững

Phát triển bền vững ngành du lịch đã trở thành mục tiêu trọng tâm của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam. Trong xu thế chung đó, du lịch Bình Thuận với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã và đang thúc đẩy chuyển đổi xanh, góp phần tạo động lực cho phát triển bền vững. Để có cái nhìn tổng thể hơn về lộ trình 'chuyển đổi' đầy ý nghĩa này của ngành du lịch Bình Thuận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Phóng viên: Chuyển đổi xanh hiện được xem là mục tiêu trọng tâm trong phát triển bền vững du lịch trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Với du lịch Bình Thuận, “mục tiêu trọng tâm” này được triển khai thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Đồng chí Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận.

Đồng chí Nguyễn Minh: Thời gian qua, chính quyền, doanh nghiệp và người dân tỉnh Bình Thuận đã và đang đẩy mạnh chính sách “xanh hóa”, trong đó chú trọng vào ngành du lịch.

Tỉnh cũng khuyến khích và tạo điều kiện giúp doanh nghiệp du lịch ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng thay thế, chuyển đổi số nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường, thích ứng nhanh chóng với xu thế toàn cầu.

Hiện tỉnh đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, du lịch sinh thái dựa trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch: hồ, thác, khu bảo tồn, du lịch cộng đồng… đang phát triển cùng các khu vui chơi, giải trí mới, hấp dẫn đã đa dạng sản phẩm, góp phần phát triển du lịch bền vững.

Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng tập trung phát triển xanh.

Nhiều khu du lịch nghỉ dưỡng tập trung phát triển xanh.

Ngày 29/5/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1114/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với quan điểm sử dụng hợp lý hiệu quả tài nguyên du lịch theo hướng bền vững.

Bảo tồn, phát triển tài nguyên du lịch và môi trường, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền. Đây được xem như lộ trình “xanh hóa” của du lịch Bình Thuận gắn với việc khai thác tiềm năng, lợi thế để xây dựng sản phẩm phục vụ du lịch.

Phóng viên: Lộ trình “xanh hóa” có thể nói còn khá mới mẻ so với ngành du lịch Việt Nam nói nói chung và Bình Thuận nói riêng. Do vậy, bước đầu thực hiện chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, thách thức. Đồng chí có thể “bật mí” những khó khăn của tỉnh cũng như doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh?

Ngọn hải đăng Kê Gà điểm đến của nhiều du khách.

Ngọn hải đăng Kê Gà điểm đến của nhiều du khách.

Đồng chí Nguyễn Minh: Khi bắt đầu triển khai chuyển đổi xanh trong phát triển du lịch, các doanh nghiệp được tuyên truyền, được kêu gọi rất nhiều về việc xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh; nhưng thực tế, lộ trình đó bắt đầu từ đâu và đi như thế nào thì doanh nghiệp lại không được hướng dẫn kỹ càng.

Điều này dẫn đến tình trạng, có điều kiện nhưng không thể tận dụng để chuyển đổi xanh hoặc tiến hành chuyển đổi xanh nhưng không được như kỳ vọng. Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp chuyển đổi xanh còn khá thấp, các mô hình về du lịch xanh cũng còn manh mún, chưa có nhiều đột phá và hoạt động đầu tư vào các dự án xanh cũng còn nhiều điểm chưa nổi bật.

Việc phát triển du lịch xanh ở tỉnh hầu như chỉ được kêu gọi, khuyến khích từ phía nhà nước, chưa thực sự trở thành những hoạt động thực tiễn cụ thể, mang tính sâu rộng cả trong doanh nghiệp và cộng đồng. Vệ sinh môi trường một số nơi chưa tốt, tình trạng rác thải, nước thải tại các khu dân cư, du lịch và bãi biển còn diễn ra, chưa được xử lý triệt để, nhất là khu du lịch cộng đồng, các loại hình kinh doanh dịch vụ phục vụ khách còn tạm bợ, chưa chuyên nghiệp. Nhận thức ứng xử về văn hóa, văn minh du lịch của một số người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch còn hạn chế, ngại thay đổi thói quen, ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường chưa cao, còn xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Mũi Né có đường bờ biển dài thu hút nhiều du khách nghỉ dưỡng.

Mũi Né có đường bờ biển dài thu hút nhiều du khách nghỉ dưỡng.

Phóng viên: Xác định chuyển đổi xanh là mục tiêu để du lịch phát triển bền vững, Bình Thuận đã có những giải pháp cụ thể nào để “xanh hóa” ngành du lịch, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Minh: Trong Nghị quyết 16-NQ/TU ngày 8/7/2024 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là phát triển kinh tế xanh.

Hiện nay, tỉnh đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng những chiến lược phù hợp nhất để đưa du lịch tỉnh nhà đi theo định hướng tăng trưởng xanh và sau đó là chuyển đổi kép, kết hợp giữa xanh-số hóa.

Đồng thời, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. Đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế “xanh” trên cơ sở phát triển các sản phẩm du lịch “xanh”, dịch vụ “xanh” và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức và hành động của doanh nghiệp du lịch theo hướng chuyển đổi “xanh” để ngành du lịch phát triển bền vững, hiệu quả.

Thiết lập một mạng lưới du lịch xanh, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có cùng mục tiêu và cam kết về du lịch bền vững nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tài nguyên để phát triển và thúc đẩy du lịch xanh.

Song song đó, triển khai đồng bộ các giải pháp hiệu quả để ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển hài hòa việc khai thác tài nguyên với bảo tồn trong hoạt động du lịch.

Đặc biệt, hạn chế đến mức thấp nhất các hoạt động khai thác dịch vụ gây xâm hại đến môi trường sinh thái, đa dạng sinh học vốn có. Tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm khuyến khích hình thành lối sống xanh, văn minh như: trồng cây gây rừng, tôn tạo cảnh quan trong nhà, ngoài phố, chiến dịch tuần lễ xanh, dọn dẹp bãi biển, khu công cộng, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong cộng đồng dân cư, thực hiện nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh với khách du lịch.

Khu du lịch Bàu Trắng (huyện Bắc Bình).

Khu du lịch Bàu Trắng (huyện Bắc Bình).

Hướng đến mục tiêu du lịch xanh cần sự chung tay của các cấp chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương. Do vậy, bên cạnh các giải pháp trên, các địa phương, các doanh nghiệp phải bắt kịp xu hướng mới trong việc phát triển du lịch xanh và phải quan tâm đầu tư hơn nữa cho sản phẩm du lịch mới một cách bền vững, các điểm đến cần tổ chức tốt dịch vụ, phát triển thêm dịch vụ mới lạ, hấp dẫn, tạo đà phát triển du lịch Bình Thuận xanh, bền vững.

Phóng viên: Hiện thương hiệu du lịch Bình Thuận nói chung, Mũi Né-Phan Thiết nói riêng đã có sức hấp dẫn đặc biệt trong lòng du khách cả trong nước và quốc tế. Vậy, hướng đến sự phát triển xanh và bền vững cũng như giữ vững thương hiệu du lịch, Bình Thuận đã và đang thực hiện những nội dung gì?

Đồng chí Nguyễn Minh: Sau gần 30 năm phát triển cùng quê hương, du lịch Bình Thuận đã tạo dựng được thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam và tiến gần đến mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Sản phẩm du lịch của Bình Thuận ngày càng hấp dẫn, phong phú với hệ thống cơ sở lưu trú du lịch liên tục phát triển, chất lượng ngày càng cao.

Hiện tại, ngoài các sản phẩm du lịch cao cấp như: golf, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch thể thao biển, du lịch thể thao địa hình… Bình Thuận đang phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính là du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường; bảo tồn và phát triển sản phẩm du lịch văn hóa gắn với lễ hội.

Khu đô thị NovaWorld Phan Thiết với nhiều khu trò chơi phức hợp.

Khu đô thị NovaWorld Phan Thiết với nhiều khu trò chơi phức hợp.

Thời gian tới, Bình Thuận sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu những khách hàng mục tiêu với bến du thuyền mang tính biểu tượng, khu phố bar sống động và trung tâm mua sắm ngoài trời.

Mũi Né sẽ là điểm đến để tổ chức thường niên các cuộc thi lướt ván diều, lướt ván buồm, các hoạt động thám hiểm sinh thái đồi cát, thám hiểm sinh thái trên đất liền và một khu phức hợp thể thao đa năng sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách.

Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ là trung tâm spa với viện chăm sóc sức khỏe và nghỉ dưỡng và cũng là một trung tâm hội nghị, triển lãm phục vụ loại hình du lịch MICE mà du khách-thương gia quan tâm.

Đặc biệt, Mũi Né sẽ có một chiến lược makerting trên phạm vị toàn cầu, tạo ra một hình ảnh an toàn, thân thiện và hấp dẫn mời gọi du khách đến trải nghiệm và nghỉ dưỡng, trong đó nghiên cứu thành lập Trung tâm makerting và Trung tâm phát triển nguồn nhân lực và dịch vụ chất lượng cao.

Trong tương lai không xa, Bình Thuận sẽ là điểm đến không thể thiếu của du khách trong nước và quốc tế, xứng đáng là khu du lịch quốc gia và khẳng định vị thế là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận.

Xin cám ơn đồng chí về cuộc trao đổi này!

THANH HẢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/du-lich-binh-thuan-chuyen-doi-xanh-den-phat-trien-ben-vung-post844583.html