Du lịch châu Âu năm 2024 có thể vượt mức trước đại dịch
Đến cuối năm 2023, du lịch châu Âu vẫn duy trì được đà phục hồi mạnh mẽ, gần đạt mức trước đại dịch bất chấp áp lực lạm phát. Và năm 2024 được dự báo cũng sẽ tiếp tục chứng kiến điều tương tự.
Tiệm cận “đỉnh cao” trước đại dịch
Theo thống kê, lượng khách du lịch nước ngoài đến châu Âu năm 2023 chỉ còn thấp hơn 1,6% so với số liệu năm 2019, tức là ngay trước đại dịch, với số đêm lưu trú bình quân thấp hơn 0,6%. Những số liệu cho thấy, nhu cầu du lịch đang tăng trên khắp cựu lục địa - một xu hướng có thể tiếp tục trong năm 2024.
Những thông tin trên được xuất bản trong báo cáo hàng quý “Xu hướng & Triển vọng Du lịch Châu Âu” mà Ủy ban Du lịch Châu Âu (ETC) vừa công bố hôm qua. Báo cáo này xem xét hiệu suất du lịch và các chỉ số kinh tế của khu vực trong những tháng cuối năm 2023, từ đó đánh giá về triển vọng của ngành công nghiệp không khói tại châu Âu năm 2024.
Theo báo cáo, sự phục hồi du lịch được thúc đẩy mạnh mẽ bởi lượng du khách từ chính châu Âu, chủ yếu từ Đức, Pháp và Hà Lan. Lượng khách đến từ bên ngoài châu lục cũng đang phục hồi nhưng với tốc độ chậm hơn và có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực như Châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ.
Bình luận sau khi báo cáo được công bố, ông Miguel Sanz - Chủ tịch ETC, cho biết: “Nhu cầu du lịch cao vào năm 2023 đã mang lại sự thúc đẩy đáng kể cho các nền kinh tế châu Âu và sẽ giúp cải thiện bảng cân đối kế toán của các công ty du lịch vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế đi lại trong thời kỳ đại dịch”.
Tuy nhiên, việc quay trở lại mức trước đại dịch cũng sẽ gây áp lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bền vững của ngành du lịch ”.
Những điểm đến hấp dẫn nhất đều “ấm lên”
Du lịch châu Âu vẫn phục hồi và trong những tháng cuối năm 2023, có tới 2/3 số điểm đến hàng đầu châu Âu cho biết đã phục hồi hoàn toàn hoặc ghi nhận số lượng khách đến và/hoặc nghỉ qua đêm tăng bình quân khoảng 10% so với mức trước đại dịch.
Trong số này, các điểm đến Nam Âu tiếp tục dẫn đầu nhờ thời tiết thuận lợi kéo dài sang mùa cao điểm. Serbia chứng kiến lượng khách đến tăng đột biến nhất (+15%), cùng với Bồ Đào Nha (+11%), Montenegro (+10%), Thổ Nhĩ Kỳ (+9%) và Malta (+8%) so với năm 2019.
Đây cũng là những điểm đến phổ biến cho những kỳ nghỉ trọn gói và chi phí đi lại phải chăng hơn, vốn là chìa khóa để thu hút những du khách quan tâm đến giá cả. Các quốc gia khác cũng đạt được sự phục hồi đáng kể so với năm 2019: Iceland chứng kiến lượng khách đến tăng 12% ngay cả khi núi lửa phun trào.
Ngược lại, các điểm đến Đông Âu giáp Nga có sự phục hồi chậm hơn, với các quốc gia như Lithuania (thấp hơn 32% so với năm 2019), Latvia (-29%), Estonia (-27%) và Phần Lan (-24%), khiến khu vực này tụt lại phía sau.
Du lịch vẫn kiên cường bất chấp lạm phát
Sự phục hồi cả về số lượng khách đến và số đêm trên khắp châu Âu đang diễn ra trong bối cảnh lạm phát ảnh hưởng đến cả ngành công nghiệp cũng như khách du lịch.
Trong quý 4 năm 2023, lạm phát bình quân ở châu Âu tăng 23% so với mức của năm 2019, đặc biệt tăng rõ rệt ở các chi phí liên quan đến du lịch như các chuyến bay quốc tế (+49%), kỳ nghỉ trọn gói (+47%) và giá khách sạn (+35%) .
Mức giá cao hơn này đã gây căng thẳng cho tài chính của các hộ gia đình, nhưng chúng không ngăn cản phần lớn những người muốn đi du lịch. Áp lực về giá giảm nhẹ trong những tháng cuối năm 2023 so với quý trước do các chi phí liên quan đến du lịch nhưng vẫn tăng đáng kể so với mức trước đại dịch.
Hứa hẹn tăng trưởng tiếp
Trong khi du khách Trung Quốc chiếm 13% lượng khách đường dài đến châu Âu vào năm 2019, sự trở lại của họ kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại diễn ra chậm dù vẫn khá ổn định.
Lượng khách Trung Quốc đến năm 2023 thấp hơn 67% so với mức trước đại dịch, so với mức trung bình 22% của tất cả các thị trường khác bên ngoài châu Âu. Bên cạnh những hạn chế về năng lực tài chính, còn một vấn đề là du khách Trung Quốc đôi khi ngại rủi ro và chuyển sang du lịch nội địa nhiều hơn.
Nhưng các chuyên gia cho rằng, những điểm đến ở châu Âu có thể dự đoán sẽ thấy sự phục hồi hơn nữa từ thị trường này vào năm 2024, với lượng khách Trung Quốc được dự đoán sẽ đạt 39% so với số liệu năm 2019.
Có thể những thay đổi thế hệ và ảnh hưởng của truyền thông xã hội sẽ ngày càng định hình lại sở thích du lịch của người Trung Quốc, tạo ra sự thay đổi hướng tới những trải nghiệm sang trọng và chân thực hơn.
Ngược lại, các thị trường Bắc Mỹ như Mỹ, Canada lại có sự phục hồi đáng kể. Hai phần ba các điểm đến ở châu Âu đã báo cáo sự tăng trưởng về lượng khách đến và/hoặc nghỉ qua đêm từ Hoa Kỳ, trong khi hơn một nửa cũng thấy điều tương tự ở Canada.
Hơn nữa, việc các hãng hàng không Mỹ và Canada đã phát triển hệ thống đặt vé máy bay kết hợp đường sắt cho châu Âu, mang đến lựa chọn du lịch bền vững hơn khi du khách di chuyển quanh cựu lục địa, cũng là yếu tố thúc đẩy lượng khách tới đây.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UN WTO) năm 2024 có thể là lập kỷ lục về lượng khách quốc tế trên toàn cầu, thậm chí vượt qua kỷ lục 1,5 tỷ lượt khách của năm 2019. Trong bối cảnh đó, châu Âu càng có hy vọng sẽ nối dài đà phục hồi và đón lượng khách nhiều hơn so với năm 2023.
Quang Anh (theo DFNI, Sky News)