Du lịch chờ cú hích
Các chính sách mới về thị thực vừa được Quốc hội thông qua được coi là một trong những lực đẩy tạo đà cho ngành du lịch tăng tốc trong thời gian còn lại của năm, hướng du lịch đến con số mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay.
Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Từ ngày 15/8 tới, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày.
Cởi mở chính sách
Theo đó, sau khi được cấp thị thực điện tử, người nước ngoài sẽ được nhập cảnh vào Việt Nam và xuất cảnh không giới hạn số lần trong vòng 90 ngày mà không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Chính phủ quyết định danh sách nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp; danh sách cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng e-visa. Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Visa chính là cánh cửa đầu tiên mở ra đón khách quốc tế đến. Chính sách visa cởi mở vốn là điều doanh nghiệp (DN) du lịch, lữ hành mong đợi, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi ảnh hưởng hậu Covid-19.
PGS.TS Phạm Hồng Long - Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cởi mở trong chính sách visa là "đôi bên cùng có lợi". Chính sách visa mới được Quốc hội thông qua hứa hẹn thu hút nhiều du khách quốc tế hơn tới Việt Nam cùng với đó là thời gian lưu trú của du khách lâu hơn, chi tiêu cũng lớn hơn.
Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định, việc khách quốc tế nhìn nhận Việt Nam là điểm đến hấp dẫn hay không phụ thuộc rất lớn vào chính sách visa. Độ mở về chính sách visa là tiêu chí để so sánh năng lực phát triển du lịch Việt Nam và lữ hành của điểm đến.
Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19 (15/3/2022), nhưng so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang thu hút khách quốc tế kém hiệu quả hơn. Các chuyên gia chỉ ra một số nguyên nhân như chính sách visa chưa cạnh tranh so với các nước trong khu vực; các chương trình quảng cáo, xúc tiến thương mại du lịch tại thị trường nước ngoài còn thiếu và yếu; mức độ sẵn sàng đón khách chưa cao sau hơn 2 năm đại dịch vì thiếu nguồn nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất xuống cấp. Việt Nam còn thiếu các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu hành khách thay đổi sau đại dịch...
Do vậy khi thủ tục đơn giản sẽ hấp dẫn người nước ngoài đến Việt Nam hơn khi không phải thực hiện những khâu làm thủ tục, đề nghị cấp thị thực khá rườm rà. Nói như Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam, TS Nuno F. Ribeiro, chính sách visa thân thiện đồng nghĩa du khách cảm thấy được chào đón và muốn đến quốc gia đó. Bởi vậy, khơi thông điểm nghẽn visa sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa được mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
Doanh nghiệp kỳ vọng
Theo bà Phạm Phương Anh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Du lịch Việt, chính sách thị thực nhập cảnh mới có thể làm tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam của công ty từ 5 - 25% mỗi năm.
Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation Nguyễn Quốc Kỳ nhận định chính sách visa mở theo đề xuất của Chính phủ sẽ thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam nâng sức cạnh tranh. Từ đó, các DN có thể tự tin thúc đẩy chào bán tour, thuận lợi hơn trong công tác tiếp thị, truyền thông, xây dựng thêm đa dạng các dòng tour để thu hút khách quốc tế.
Không chỉ là tin vui với riêng ngành du lịch, theo ông Kỳ, đây còn là cơ hội vực dậy cho cả ngành hàng không và hệ thống lưu trú.
Còn anh Marco – người Hà Lan đã 2 lần đến Việt Nam khẳng định, Việt Nam cũng là điểm du lịch được anh ưu tiên lựa chọn, tuy nhiên chưa lần nào Marco dừng chân ở Việt Nam quá 30 ngày. Thế nhưng, khi Việt Nam có chính sách visa mới, anh muốn trở lại Việt Nam và lưu trú dài ngày hơn, bởi con người Việt Nam thân thiện và phong cảnh thì rất tuyệt vời.
Nhiều chuyên gia trong ngành du lịch đã đưa ra nhận định, Việt Nam và Thái Lan có nhiều điểm tương đương để phát triển du lịch, nhưng Thái Lan đã phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong khi Việt Nam vẫn luôn phấn đấu vì mục tiêu này.
Lý do được chỉ ra, Thái Lan đã có rất nhiều chính sách về gia hạn visa, kéo dài thời gian lưu trú, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách nhập cảnh bằng hình thức online và bằng tất cả các cửa khẩu của họ. Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đạt 8 triệu khách du lịch quốc tế, còn Thái Lan đặt mục tiêu năm 2023 đón 15 triệu khách quốc tế. Đến năm 2030, khi Việt Nam đặt mục tiêu 35 triệu khách thì Thái Lan đặt mục tiêu 80 triệu khách. Quyết định mở, tháo gỡ các thủ tục về visa là chìa khóa hết sức quan trọng để giúp du lịch Việt Nam cất cánh.
Tạo động lực cho toàn ngành
Ông Phạm Hà - Chủ tịch Lux Group - đơn vị chuyên khai thác sản phẩm du thuyền nghỉ dưỡng nói, việc nâng cấp thị thực sẽ giúp Việt Nam tự tin hơn trong quá trình cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực. Thời gian lưu trú dài phù hợp với nhu cầu du lịch dài ngày của khách quốc tế, nhất là thị trường xa như châu Âu, thường đi 3-4 tuần.
Về cơ bản, một nút thắt trong phát triển du lịch đã được gỡ, tuy nhiên về dài hạn, để du lịch Việt Nam thực sự phát triển mạnh mẽ, Việt Nam cần xây dựng một chiến lược quốc gia tổng thể để cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực (Thái Lan, Singapore…) và có quy hoạch, phân bổ nguồn lực xứng đáng.
Còn trong ngắn hạn, trong quá trình phục hồi thị trường du lịch, Việt Nam cần có một kế hoạch cấp quốc gia về phục hồi ngành du lịch và thành lập tổ chuyên trách gồm thành viên của các bộ, ngành, các DN hàng không, du lịch, khách sạn và có khả năng tổng hợp, đề xuất các chính sách sát với thực tiễn, có khả năng tham vấn cũng như theo sát và thúc đẩy việc triển khai thực hiện. Việt Nam cần xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, tổ chức các sự kiện, lễ hội phát động du lịch quy mô lớn, tạo tiếng vang và có khả năng thu hút du khách… Ngoài ra, cần các chính sách hỗ trợ hàng không và lữ hành để các DN phát triển.
Chủ tịch Lux Group Phạm Hà kiến nghị, thời gian tới ngành du lịch cần sớm triển khai kế hoạch quảng bá quốc tế quy mô lớn mang tính chuyên nghiệp với ngân sách tương ứng. Liên kết chặt chẽ giữa DN lữ hành, hàng không, khách sạn quảng bá, kích cầu dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường vai trò các cơ quan đối ngoại đại diện của Việt Nam tại nước ngoài, vì đây là kênh xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tại nước ngoài.
Tương tự, Phó Giám đốc kinh doanh tiếp thị Saigontourist Dương Minh Đức cho rằng, ngành du lịch cần xây dựng chiến lược quảng bá xúc tiến dài hạn có sự phân công cụ thể các bên liên quan. Đồng thời xây dựng cơ chế liên kết phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và DN du lịch để chia sẻ thông tin công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Thu hút các hãng lữ hành lớn, đoàn báo chí, phóng viên quốc tế đến khảo sát, viết bài, tuyên truyền quảng bá về du lịch Việt Nam.
Trước đó, ngành du lịch cũng nhận được tín hiệu vui khi lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam tăng trưởng ở tốp đầu thế giới theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google. Cụ thể, lượng tìm kiếm về lưu trú du lịch Việt Nam tăng nhanh, xếp thứ 11 trên thế giới (trong nhóm có mức tăng từ 10 - 25%), cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu du lịch Việt Nam. Khu vực Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam và Philippines là hai quốc gia nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới.
“Việc mở rộng đối tượng miễn visa và kéo dài thời gian lưu trú là cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch bứt phá, không chỉ trong giai đoạn phục hồi hiện nay và còn là lực đẩy để doanh nghiệp phát triển ổn định, từ đó tạo sức lan tỏa cho toàn ngành du lịch phát triển bền vững” - Ông Phạm Văn Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/du-lich-cho-cu-hich-5721618.html