Du lịch có thêm cơ hội bứt phá

Sau thành công của các bộ phim 'Ngày xưa có một chuyện tình', 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh', 'Đất rừng phương Nam'... du lịch tại nhiều địa phương đã thăng hạng mạnh mẽ. Trong đợt phim Tết 2025 này, một số nhà làm phim cũng chú trọng đến việc quảng bá danh lam thắng cảnh của Việt Nam, góp phần tạo thêm cơ hội bứt phá cho du lịch…

Cảnh hẹn hò của Phúc và Miền trong phim “Ngày xưa có một chuyện tình” được quay ở suối Hàn (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Ðông Hòa, tỉnh Phú Yên).

Cảnh hẹn hò của Phúc và Miền trong phim “Ngày xưa có một chuyện tình” được quay ở suối Hàn (xã Hòa Xuân Nam, thị xã Ðông Hòa, tỉnh Phú Yên).

Khám phá thêm nhiều danh thắng

Thời gian qua, khi Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chính sách kích cầu du lịch thì những cái “bắt tay” giữa điện ảnh và du lịch rất được chú trọng, bởi nhiều ý kiến cho rằng, mỗi bộ phim hay chính là cơ hội vàng để du lịch phát triển.

Và thực tế cũng cho thấy, nhiều địa điểm là bối cảnh trong tác phẩm điện ảnh đã trở thành địa chỉ thu hút đông đảo du khách tìm đến. Tiêu biểu có thể kể đến Phú Yên - vùng đất nên thơ được tái hiện trong “Ngày xưa có một chuyện tình”. Hay như khu Bãi Xép (xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), nổi lên là điểm du lịch hấp dẫn qua bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Rồi những cảnh quay tuyệt đẹp tại rừng tràm Trà Sư hiện lên trong bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” đã khiến nơi đây trở thành địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch.

Còn với “Yêu nhầm bạn thân” được remake (làm lại) từ tác phẩm điện ảnh đình đám “Friendzone” của Thái Lan dự kiến ra rạp trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 này cũng được nhà sản xuất tiết lộ sẽ đưa khán giả đi qua những danh thắng nổi tiếng của tại nhiều tỉnh, thành của đất nước với những góc quay rất hút người xem.

Chia sẻ với phóng viên, nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan cho biết, xem phim, khán giả sẽ được theo chân nhân vật nam chính du ngoạn khắp đất nước, ngắm những danh lam thắng cảnh cũng như trải nghiệm văn hóa vùng miền. “Chúng tôi xác định bộ phim sẽ là một tác phẩm tôn vinh danh lam thắng cảnh của đất nước. Mong rằng bộ phim sẽ góp phần vào việc quảng bá về hình ảnh đẹp của các vùng đất, giá trị văn hóa đến với công chúng” - nhà sản xuất Nguyễn Trinh Hoan nói.

Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cho biết, điện ảnh có lợi thế hơn so với các loại hình nghệ thuật khác vì có tính đại chúng, có thể truyền tải hình ảnh Việt Nam đi rất xa, qua đó góp phần quảng bá cho du lịch Việt Nam. “Bộ phim được ghi hình tại rất nhiều thắng cảnh, địa điểm văn hóa cả nước. Đoàn cũng không ngừng tìm kiếm những góc quay mới, những cảnh sắc đặc trưng để lan tỏa vẻ đẹp của đất nước. Từ những ngọn núi hùng vĩ đến các bãi biển xanh ngắt, từ các công trình kiến trúc độc đáo đến những lễ hội đầy màu sắc. Tất cả đều được chọn lựa tỉ mỉ, mang đến cho khán giả những khung hình ấn tượng và đầy cảm xúc” - vị đạo diễn chia sẻ.

Đồng đạo diễn trong phim, nhà quay phim Diệp Thế Vinh muốn thông qua câu chuyện của nhân vật, cho khán giả thấy nhiều hơn vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, đồng thời tiết lộ, “Yêu nhầm bạn thân” hứa hẹn đưa khán giả khám phá vẻ đẹp Việt Nam qua những thước phim tại các địa danh nổi tiếng của 11 tỉnh, thành trên cả nước.

Theo chia sẻ của Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet, thông điệp video của đạo diễn Alexandre Jardin thông báo bộ phim Pháp “Heart Flame” dự kiến sản xuất năm 2025 sẽ chọn Ninh Bình là một trong những địa điểm quay phim. Nhà làm phim Alexandre Jardin mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát tại Ninh Bình.

Cần những cú bắt tay chặt hơn

Theo đạo diễn Ngô Quang Hải, thành công của các bộ phim điện ảnh đóng góp hữu hiệu cho phát triển du lịch. Việc các phim chiếu rạp trong dịp Tết vận dụng nghệ thuật để quảng bá du lịch sẽ góp phần thu hút du khách cả trong nước và quốc tế đến trải nghiệm, khám phá đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.

Ông Trần Đình Huy - Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc, Công ty TNHH du lịch Bắc Trung Nam Bản Việt chia sẻ, du lịch và điện ảnh hiện vẫn chỉ là những cái “bắt tay” ngẫu nhiên, chưa có sự đầu tư bài bản, chỉn chu, quy mô để đem về hiệu quả lớn. Điện ảnh bổ trợ tốt cho du lịch, thế nhưng điều bất cập hiện nay là 2 lĩnh vực chưa thật sự đồng bộ, chưa mạnh dạn đầu tư những dự án lớn. Đặc biệt, nhà sản xuất phim chưa có sự hỗ trợ của của nhà nước về việc quảng bá du lịch qua phim ảnh một cách bài bản chính thống.

Theo ông Huy, để điện ảnh và du lịch có sự kết hợp hiệu quả, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Sở Du lịch các tỉnh có tiềm năng cần tổ chức Famtrip dành cho các nhà sản xuất phim điện ảnh, các diễn viên để họ được thấy rõ hơn về cảnh đẹp Việt Nam. Thông qua đó họ có thể liên kết, kết nối với các điểm du lịch, nhà hàng, khách sạn từ đó đưa vào bộ phim những địa danh một cách tự nhiên và thuyết phục.

Còn theo đạo diễn Quang Hải, trong thời gian tới, để du lịch và điện ảnh có những cú bắt tay chặt và những dự án hiệu quả hơn thì cần tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức và các chiến dịch quảng bá; đầu tư có chiều sâu, bản sắc phù hợp với tiềm năng của từng địa phương; mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các nước khu vực và quốc tế nhằm khuyến khích xuất khẩu sản phẩm điện ảnh…

Theo Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, điện ảnh là loại hình có ưu thế mạnh mẽ. Tính chất lan tỏa, độ phủ sóng rộng rãi của các bộ phim, hoặc các sự kiện điện ảnh uy tín là lợi thế để quảng bá và kích cầu du lịch.

Câu chuyện lấy điện ảnh để kích cầu du lịch là việc làm đã được thế giới áp dụng lâu nay và rất hiệu quả. Điện ảnh cũng có thể truyền tải văn hóa, lịch sử và phong tục tập quán của địa phương, giúp du khách hiểu rõ hơn về điểm đến và làm tăng thêm sức hấp dẫn của du lịch văn hóa.

Bộ VHTTDL xác định rõ định hướng phát triển công nghiệp điện ảnh là một nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển công nghiệp văn hóa. Xây dựng công nghiệp điện ảnh không chỉ dừng lại ở khía cạnh nghệ thuật mà còn là một lĩnh vực có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc dân.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đặt ra mục tiêu chủ yếu đến năm 2030: Doanh thu của ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP, trong đó, ngành điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD); ngành du lịch văn hóa chiếm 15 - 20% trong tổng số khoảng 40.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch.

Hoàng Vân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/du-lich-co-them-co-hoi-but-pha-10298056.html