Du lịch cộng đồng tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, du lịch cộng đồng ở các huyện, thành phố trong tỉnh phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân và tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Một điểm homestay ấn tượng tại xã Vĩnh Yên (Bảo Yên).

Một điểm homestay ấn tượng tại xã Vĩnh Yên (Bảo Yên).

Cách đây hơn chục năm, những cái tên như Nậm Cang, Thanh Phú, Thanh Kim (huyện Sa Pa) còn rất xa lạ với du khách trong nước, quốc tế, nhưng thời gian gần đây, những địa danh này trở nên nổi tiếng và mỗi năm thu hút hàng vạn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Hôm nay, các thành viên trong gia đình ông Lồ A Chung, thôn Mường Bo 2, xã Thanh Phú tất bật dọn dẹp lại phòng nghỉ, chuẩn bị gà bản, lợn cắp nách, rau… để phục vụ 6 du khách từ Hà Nội lên. Ông Chung cho biết: Gia đình tôi làm dịch vụ ăn uống và cung cấp chỗ nghỉ cho du khách đã gần 5 năm. Công việc tuy bận rộn nhưng bù lại thu nhập khá cao.

Bà Lồ Thị Dân, cán bộ văn hóa - xã hội xã Thanh Phú cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 10 hộ đăng ký và đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đón khách du lịch lưu trú tại nhà (homestay). Lượng khách đến nghỉ dưỡng và sử dụng các dịch vụ (nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa, thưởng thức ẩm thực truyền thống, tắm lá thuốc…) ở địa phương luôn có sự tăng trưởng trong những năm qua, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Quan trọng hơn là người dân trong xã đã ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, giữ gìn nếp sống văn hóa, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Chưa đặt chân đến huyện Bát Xát lần nào nhưng gia đình anh Nguyễn Hoàng Linh, quận Hoàng Mai (Hà Nội) đã nắm được những địa chỉ du lịch bản làng tin cậy tại xã Y Tý của huyện. Trước khi đi du lịch tại Y Tý, anh Linh đã vào các trang mạng xã hội để tìm kiếm, tham khảo thông tin từ cộng đồng. Qua những thông tin có được, gia đình anh đã chọn khu ăn uống, nghỉ dưỡng của anh Sùng A Hờ ở xã. “Đúng như mọi người nhận định, homestay này có vị trí đẹp, các phòng nghỉ khang trang, sạch sẽ, có wifi tốc độ cao và giá các dịch vụ hợp lý. Ngoài ra, anh Hờ còn là một hướng dẫn viên du lịch rất nhiệt tình, đưa chúng tôi đi tham quan những địa danh nổi tiếng của khu vực” - anh Linh nói.

Cũng như các địa phương khác, giờ đây, nhiều hộ ở xã Y Tý đã biết tận dụng những lợi thế mà thiên nhiên ban tặng để làm dịch vụ du lịch.

Du lịch cộng đồng là phương thức phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là chủ thể trực tiếp tham gia. Ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Loại hình du lịch này đang được du khách trong nước và quốc tế ưa chuộng bởi nó cung cấp những trải nghiệm chân thực cho du khách, đồng thời mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng, như nâng cao trình độ dân trí; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tạo điều kiện giao lưu, hiểu biết văn hóa - xã hội giữa các dân tộc, vùng, miền; gìn giữ môi trường; tăng giá trị hàng hóa sản xuất tại địa phương; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống cho người dân và góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.

Du khách trải nghiệm hoạt động thể thao tại huyện Sa Pa.

Du khách trải nghiệm hoạt động thể thao tại huyện Sa Pa.

Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên của Việt Nam áp dụng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đồng hành với chương trình xây dựng nông thôn mới, du lịch cộng đồng góp phần tạo nên một diện mạo mới cho vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn tỉnh hiện có 340 hộ kinh doanh dịch vụ lưu trú homestay với năng lực từ 5 đến 30 khách/hộ. Các hộ này tập trung chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát. Năm 2010, các điểm du lịch cộng đồng đón 148.740 lượt khách, năm 2018 con số này là 400.000 lượt. Để tạo hành lang pháp lý, tỉnh đã công nhận 16 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai. Những điểm du lịch cộng đồng này đã tạo ra sức lan tỏa đến từng thôn, bản của tỉnh trong việc thi đua lao động, sản xuất, giữ gìn nếp sống văn hóa trong khu dân cư, xây dựng nông thôn mới…

Theo thống kê của ngành văn hóa tỉnh, thu nhập bình quân của các hộ làm du lịch cộng đồng trong năm 2016 vào khoảng 25 - 30 triệu đồng/hộ. Ngoài việc nghỉ dưỡng, các sản phẩm mà du khách ưa chuộng tại các điểm du lịch cộng đồng gồm: Thắng cố, xôi bảy màu, lạp xưởng, tương ớt, gạo séng cù, gà bản, lợn cắp nách, dịch vụ tắm lá thuốc…

Bên cạnh những mặt tích cực, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục. Cụ thể, phần lớn sản phẩm du lịch cộng đồng mới đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, ăn uống, trải nghiệm của du khách ở mức đơn giản; nguồn thu từ du lịch, dịch vụ chưa đáng kể; việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang làm dịch vụ còn chậm. Hệ thống giao thông, nhà lưu trú, khu vệ sinh ở một số điểm du lịch cộng đồng chưa được đảm bảo. Việc quảng bá du lịch và chất lượng nguồn nhân lực du lịch cộng đồng còn hạn chế…

UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới từ năm 2017 đến năm 2020. Mục tiêu đến năm 2020 là điểm du lịch cộng đồng ở xã Tả Van (Sa Pa) cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về nông thôn mới, trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc và cả nước, là hình mẫu lan tỏa để triển khai trên diện rộng.

Với định hướng và giải pháp đúng đắn, phù hợp, chắc chắn trong thời gian tới, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ hơn; các thôn, bản phát triển du lịch cộng đồng sẽ sớm “về đích” nông thôn mới…

TRUNG NGUYÊN

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/nong-thon-moi/du-lich-cong-dong-tao-nguon-luc-xay-dung-nong-thon-moi-z36n2019111410195327.htm