Du lịch đêm thúc đẩy tiềm năng phát triển kinh tế
Với tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú, việc khai thác kinh tế đêm từ du lịch mang đến những làn gió mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao trải nghiệm cho du khách.
Đánh thức những tiềm năng
Những năm gần đây, phát triển kinh tế đêm gắn với trải nghiệm du lịch nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của du khách. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, một số sản phẩm du lịch đêm được đưa vào khai thác, như tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám “Tinh hoa đạo học”, “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm”, chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (Hà Nội); “Phố đêm du thuyền Hạ Long” (Quảng Ninh); tour đêm phố cổ Hoa Lư (Ninh Bình), “Quận 1 - Sắc màu đêm” (TP. Hồ Chí Minh)… Các sản phẩm trên cùng với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, biểu diễn âm nhạc đường phố, vẽ ký họa, thư pháp, nhảy zumba, nhảy hiện đại, các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, ẩm thực đường phố... đã tạo ấn tượng, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Không chỉ vậy, các sản phẩm du lịch đêm còn được ví như "thỏi nam châm" để các địa phương phát triển kinh tế. Đơn cử, thời gian qua, Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động phố đêm du thuyền, mở ra không gian vui chơi, giải trí ban đêm mới mẻ, sôi động cho du khách. Các đêm nhạc được thực hiện ở nhiều địa điểm từ không gian rừng núi đến góc đồi, bờ biển… Nhờ đó, trong 7 tháng năm 2024, các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đón gần 13 triệu lượt khách, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023; tổng thu từ khách du lịch trên 29,3 nghìn tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.
Còn tại Đà Lạt, trong quy hoạch phát triển hệ thống du lịch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, địa phương này đã được xác định là đô thị trọng điểm phát triển du lịch, gắn với hoạt động kinh tế ban đêm. Mục tiêu này đang được thực hiện gấp rút khi mới đây, Đà Lạt đã khai trương chạy tàu đêm tuyến Đà Lạt - Trại Mát với tên gọi “Hành trình đêm Đà Lạt”; hành trình đa trải nghiệm “Đà Lạt đêm say”; tổ chức các tuyến phố đi bộ thí điểm ở khu trung tâm để tiến tới phát triển kinh tế đêm một cách khoa học... Những thay đổi từ hoạt động du lịch đêm đã góp phần giúp lượng khách du lịch đến thành phố này trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 5 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhằm tạo thuận lợi hơn cho kinh tế đêm từ tiềm năng du lịch cho các địa phương, nhiều cơ chế chính sách mới đã được ban hành. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đã cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở những thành phố/trung tâm lớn, nơi có đông lượng khách du lịch như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam)...; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, với mục tiêu tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế; góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Nhờ đó, một chuyên gia nhận định, các sản phẩm du lịch đêm ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng trong việc thu hút và giữ chân khách du lịch. Địa phương du lịch nào có mô hình này đều triển khai khá tốt. Tuy nhiên, phát triển sản phẩm du lịch đêm vẫn còn là mô hình mới, sản phẩm du lịch đêm còn nghèo nàn, đơn điệu, chỉ là phố đi bộ, ẩm thực, hoạt động nghệ thuật, giải trí, lại đêm có đêm không, chủ yếu vào thứ bảy, chủ nhật. Ngoài ra, hiện vẫn thiếu những cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vào kinh tế đêm - một lĩnh vực còn tiềm ẩn không ít rủi ro.
Tìm kiếm những sản phẩm đặc thù
Để du lịch đêm phát triển mạnh, Bộ trưởng g Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, mỗi địa phương buộc phải có suy nghĩ, có cách làm sáng tạo, tạo ra sản phẩm độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao. Bộ cũng đã có đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu, tính toán các dòng sản phẩm, đánh giá nhu cầu của khách du lịch để xây dựng phù hợp. Việp tìm ra các sản phẩm độc đáo là trách nhiệm của UBND, HĐND các tỉnh, Bộ có các khung hướng dẫn chứ không thể làm sản phẩm du lịch riêng cho địa phương nào được.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Kim Bôi cho rằng, để hoạt động kinh tế ban đêm bền vững, cần phân khúc thị trường khách hàng ứng với từng khu vực, đặc biệt rất cần có sản phẩm đặc trưng cả về vật thể, phi vật thể, mang tính nhận diện thương hiệu của từng địa phương. Bởi, nếu không có tính đặc trưng, không tạo điểm nhấn mà ở đâu cũng làm như nhau thì các khu vực kinh tế ban đêm rất khó tồn tại. Ngoài ra, cần có chính sách để các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia cùng địa phương đầu tư cơ sở vật chất ban đầu để tăng tính trách nhiệm; tận dụng được kinh nghiệm, sự sáng tạo của các doanh nghiệp, doanh nhân để khai thác và phát triển kinh tế ban đêm.
Một chuyên gia nhìn nhận, việc xây dựng và triển khai một sản phẩm du lịch đêm mang tính đặc thù đã khó thì việc duy trì, phát triển hoạt động và quản lý ra sao cũng là một vấn đề khó đang được đặt ra với các địa phương. Do đó, việc tổ chức các khu vực để phát triển kinh tế từ du lịch ban đêm đòi hỏi sự phối hợp, sát sao của nhiều ban, ngành cũng như vai trò rất lớn của địa phương. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng cần tập trung đẩy mạnh các hoạt động kết nối, tạo thành một chuỗi các dịch vụ, sản phẩm kinh doanh có tính liên kết nhằm thu hút người dân đến tìm hiểu, tham quan, mua sắm.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/du-lich-dem-thuc-day-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-154892.html