Du lịch Đông Nam Bộ cần chiến lược liên kết chặt chẽ và hiệu quả hơn
TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch từ tháng 6/2020. Đây là những địa phương được đánh giá có nhiều tiềm năng lợi thế để liên kết du lịch, cùng phát triển. Vấn đề đặt ra là phải có chiến lược cụ thể, bài bản để việc liên kết này phát huy hiệu quả.
Nhiều thuận lợi cho liên kết du lịch
Các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ được nhận định đang hội tụ đủ 3 yếu tố “thiên thời – địa lợi – nhân hòa” để liên kết phát triển du lịch. Đây là vùng kinh tế trọng điểm, là đầu tàu kinh tế của cả nước, tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước, cơ sở hạ tầng khá tốt, giao thông kết nối vùng đang dần hoàn thiện.
Địa hình khu vực này khá đa dạng, vừa có biển, vừa có núi, vừa có đồng bằng, thời tiết khí hậu tương đối ôn hòa. Lãnh đạo của 6 địa phương trong vùng đều có tâm thế sẵn sàng cho việc liên kết, hợp tác, cùng phát triển. Đó là những điều kiện tốt cho việc liên kết du lịch. Tuy nhiên, vẫn có một số hạn chế, trong đó có sự chênh lệch về cơ sở hạ tầng, điểm đến, lưu trú, dịch vụ và nguồn nhân lực giữa các địa phương, khiến sự liên kết hợp tác tour tuyến gặp khó khăn.
Ông Trần Quang Duy – Giám đốc Công ty du lịch Chim Cánh Cụt nói: “Có những tỉnh thì đã có chiến lược phát triển từ khá lâu như Bà Rịa - Vũng Tàu hay Tây Ninh, nhưng bên cạnh đó có những tỉnh như Bình Phước hay Bình Dương thì đang manh nha nên về chính sách, cơ sở hạ tầng hay quảng bá điểm đến còn hạn chế. Điều đó khiến cho du khách và các công ty du lịch không dám lựa chọn, do việc tìm kiếm thông tin điểm đến còn ít, không biết đi tới sẽ như thế nào”.
Cần có những tour du lịch liên kết
Theo các chuyên gia, việc đầu tiên mà mỗi địa phương cần làm là phải tìm và phân định rõ những thế mạnh, đặc sắc của mình, xây dựng thương hiệu riêng, sau đó mới bắt tay nhau để tạo nên những tour tuyến, sản phẩm liên kết có sự đa dạng, phong phú, tránh trùng lặp. Ví dụ, trong một tour liên kết, du khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu để trải nghiệm biển, thưởng thức hải sản; qua Bình Phước để thăm rừng Bù Gia Mập, thưởng thức ẩm thực với rau rừng; sang Tây Ninh để du lịch tâm linh ở núi Bà Đen, thưởng thức ẩm thực chay của đạo Cao Đài...
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói: “Mỗi tỉnh phải định vị được thế mạnh và điểm đặc sắc của mình để không bị trộn lẫn. Có thể ẩm thực TP.HCM là hay, đa dạng nhưng cũng không nên lấy toàn bộ để lấn át ẩm thực của Tây Ninh hay Bình Phước. Phải cho mỗi địa phương một khoảng không gian để phát huy thế mạnh mình. Khi phối hợp được như vậy thì khách đến chúng ta sẽ nói cho họ xem là bản đồ du lịch chung của vùng, muốn thưởng thức cái kia thì đến đây, còn TP.HCM thì có cái này”.
Ông Nguyễn Minh Mẫn - Giám đốc truyền thông Công ty TST Tourist đề nghị, các địa phương Đông Nam Bộ kết nối chặt chẽ hơn trong việc quảng bá sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm và TP.HCM phải giữ vai trò chủ đạo trong các công tác này.
“Trong việc liên kết thì chúng ta sẽ hướng đến tạo cho nhau những cơ hội, đặc biệt là trong việc đào tạo nguồn nhân lực sao cho có được sự tương đồng giữa các địa phương. Thứ hai là nâng cao sự hiểu biết về thị trường để chuẩn bị những điểm đến và làm sao để tạo nên sản phẩm hấp dẫn. Các doanh nghiệp lữ hành của TP.HCM sẽ cùng với các doanh nghiệp địa phương đánh giá được nhu cầu của khách hàng như thế nào để xây dựng sản phẩm phù hợp nhất” - ông Nguyễn Minh Mẫn nói.
Còn ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty du lịch Lửa Việt cho rằng, thời gian đầu, việc hình thành các tour liên kết rất cần sự vào cuộc của trung tâm xúc tiến du lịch các địa phương để kết nối các doanh nghiệp.
Các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cho rằng, các địa phương Đông Nam Bộ nên tăng cường tổ chức các sự kiện kết nối, hội thảo, diễn đàn, các tour khảo sát, các đoàn famtrip để các công ty du lịch và các cơ quan ban ngành liên quan có dịp trao đổi, bàn bạc, chia sẻ thông tin, cùng xây dựng sản phẩm và đưa ra những chiến lược phù hợp cho liên kết du lịch vùng./.