Du lịch Gia Lai: Tiềm năng lớn nhưng thách thức không nhỏ

Sau sáp nhập, ngành du lịch tỉnh Gia Lai đang sở hữu những tiềm năng chưa từng có: biển – rừng, bản sắc – hiện đại, chiều sâu văn hóa – hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, để cán mốc 11,8 triệu lượt khách trong năm 2025 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất cần chiến lược đột phá toàn diện.

Bức tranh nhiều gam màu

Tỉnh Gia Lai mới mang trong mình sự cộng hưởng đặc biệt: từ biển Quy Nhơn thơ mộng đến đại ngàn Chư Đăng Ya hùng vĩ; từ nghệ thuật bài chòi ven biển đến không gian cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là vùng đất hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch đa dạng, quanh năm.

Sau sáp nhập, ngành du lịch tỉnh Gia Lai đang sở hữu những tiềm năng. Ảnh: Internet.

Sau sáp nhập, ngành du lịch tỉnh Gia Lai đang sở hữu những tiềm năng. Ảnh: Internet.

Theo số liệu của ngành, trong giai đoạn 2021–2025, lượng khách du lịch toàn tỉnh tăng trung bình 39% mỗi năm, doanh thu du lịch tăng 43% mỗi năm. Riêng năm 2025, toàn tỉnh dự kiến đón 11,8 triệu lượt khách với doanh thu ước đạt 28.500 tỷ đồng, tăng 110% so với năm 2022.

Thực tế 6 tháng đầu năm 2025 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực: toàn tỉnh đón gần 7,4 triệu lượt khách, đạt hơn 62% kế hoạch năm. Tuy nhiên, tỷ trọng vẫn nghiêng mạnh về khu vực Bình Định (gần 6,5 triệu lượt), còn Gia Lai (cũ) mới chỉ đạt khoảng 890.000 lượt. Con số này phản ánh thực trạng phát triển du lịch vẫn còn mất cân đối, chưa đồng đều giữa các vùng và chưa khai thác hiệu quả lợi thế liên vùng.

Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thiếu liên kết chiến lược giữa các địa phương, sản phẩm du lịch còn rời rạc, cơ sở hạ tầng và dịch vụ chưa đồng đều, du lịch cộng đồng mới ở dạng tiềm năng, trong khi các tour, tuyến liên thông biển – rừng vẫn chưa hình thành rõ nét. Ngoài ra, công tác xúc tiến, truyền thông còn thiếu đột phá, các nền tảng số trong quản lý và quảng bá du lịch mới ở mức sơ khai.

Cần giải pháp đồng bộ, kịp thời

Theo các chuyên gia, để vượt qua những rào cản và tận dụng được thế mạnh sau sáp nhập, ngành du lịch tỉnh Gia Lai cần một bước chuyển mạnh mẽ, từ tư duy phát triển địa phương sang quy hoạch không gian liên vùng, từ hành động đơn lẻ sang tổ chức bài bản, đồng bộ.

Trước hết, phải xây dựng một trục kết nối Đông – Tây rõ ràng, khai thác hợp lý sự khác biệt mùa vụ giữa hai vùng. Trong khi miền biển Bình Định phát triển mạnh vào mùa hè, thì Gia Lai lại vào độ đẹp nhất vào mùa khô, mùa lễ hội (tháng 10 – 12).

Núi lửa Chư Đăng Ya Gia Lai. Ảnh: Internet.

Núi lửa Chư Đăng Ya Gia Lai. Ảnh: Internet.

Nếu thiết kế các tour tuyến mang tính chuỗi, như “biển gọi – rừng chờ” hay “du lịch hai mùa, hai sắc thái”… tỉnh Gia Lai sẽ tạo được sản phẩm du lịch liên hoàn, kích thích du khách lưu trú lâu hơn và chi tiêu nhiều hơn.

Đồng thời, cần quy hoạch và phát triển hai cực du lịch trọng điểm có tính lan tỏa. Trong đó, Phương Mai – Quy Nhơn trở thành trung tâm nghỉ dưỡng biển, thể thao nước và MICE; Biển Hồ – Chư Đăng Ya định hướng là điểm đến sinh thái, văn hóa, khám phá đại ngàn. Cả hai đều cần hạ tầng đồng bộ, chất lượng dịch vụ cao cấp, được kết nối bằng tuyến cao tốc, sân bay và hệ thống lữ hành chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng và trải nghiệm bản địa cần được đầu tư chiều sâu. Những ngôi làng Bahnar, Jrai, các làng chài ven biển hay di tích văn hóa Chămpa hoàn toàn có thể trở thành “trạm dừng cảm xúc” nếu được tổ chức bài bản: homestay đúng chuẩn, hoạt động trải nghiệm dân tộc, trình diễn nghệ thuật truyền thống, ẩm thực bản địa… Bởi vì du lịch không chỉ là đến và xem, mà phải là sống và nhớ.

Ngoài kết nối nội vùng, Gia Lai cũng cần đẩy mạnh liên kết liên vùng và quốc tế. Việc nâng cấp sân bay Phù Cát, phát triển cao tốc, cùng với tăng cường hợp tác du lịch với các tỉnh, thành lớn và các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia… sẽ giúp Gia Lai mở rộng thị trường, thu hút thêm khách quốc tế và khẳng định vai trò trung tâm du lịch liên vùng của khu vực Trung – Tây Nguyên.

Gia Lai cũng cần đẩy nhanh việc số hóa ngành du lịch, hoàn thiện ứng dụng du lịch thông minh, mã QR điểm đến, bản đồ số tích hợp, phần mềm quản lý lưu trú, hệ thống bán vé điện tử… để nâng cao trải nghiệm và quản lý hiệu quả. Song song, truyền thông du lịch phải đổi mới mạnh mẽ: làm video du lịch ngắn, kết hợp với KOLs, blogger, đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng số như YouTube, TikTok, Facebook…

Và không thể thiếu những hành lang chính sách và cơ chế khuyến khích đầu tư. Cần mời gọi các tập đoàn lớn đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng, tổ hợp du lịch, trung tâm hội nghị quốc tế. Đồng thời triển khai các bộ quy tắc ứng xử trong du lịch như thông điệp 3K: không nâng giá, không tranh giành khách, không xả rác; 3A: an toàn giao thông, vệ sinh và tài sản… để xây dựng hình ảnh du lịch Gia Lai thân thiện, an toàn, văn minh.

Tiềm năng du lịch Gia Lai không thiếu, nhưng thời cơ thì không chờ đợi. Nếu có một chiến lược đúng và được thực thi quyết liệt, Gia Lai không chỉ cán mốc 11,8 triệu lượt khách trong năm 2025, mà còn từng bước định vị mình là trung tâm du lịch mới của miền Trung – Tây Nguyên. Một điểm đến giàu bản sắc, đa dạng trải nghiệm và không ngừng chuyển mình theo hướng chuyên nghiệp, bền vững.

Kim Cương

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/du-lich-gia-lai-tiem-nang-lon-nhung-thach-thuc-khong-nho/20250714100628009