Sợ dầu ăn giả, dầu lạc 'nhà tự làm' lên ngôi

Trước thông tin dầu ăn giả, kém chất lượng được bán trên thị trường trong thời gian gần đây, để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình, nhiều bà nội trợ đã chọn cách mua lạc, vừng, sau đó tự ép thành dầu để sử dụng.

Chị Vũ Thị Tuyết Nhung (37 tuổi, Mậu A, Yên Bái) chia sẻ: "Thời gian gần đây, gia đình tôi thường xuyên ăn dầu lạc. Vì tiện có nhà người quen từ lâu đã thường xuyên ép dầu lạc để ăn và bán cho hàng xóm, nên tôi cũng được mua giá hữu nghị hoặc đem lạc đến để nhờ ép hộ. Mình tận tay chọn nguyên liệu, tận mắt chứng kiến dầu lạc được sản xuất ra như thế nào cũng thấy yên tâm".

Chị Nhung cho biết, để có 1 lít dầu lạc thành phẩm thì cần khoảng 3kg lạc nhân (đã bóc vỏ). Trung bình 1kg lạc nhân có giá khoảng 60.000-70.000 đồng, tính ra để có 1 lít dầu lạc thì mất khoảng 160.000 - 210.000 đồng, chưa tính công ép. Số tiền này có thể mua được 3-4 lít dầu ăn khác bán trên thị trường. Tuy nhiên, sử dụng dầu lạc tự ép ra thì thấy rất yên tâm, cả gia đình đều tự tin sử dụng.

Thành phẩm dầu lạc ép "tại nhà". Ảnh: NVCC.

Thành phẩm dầu lạc ép "tại nhà". Ảnh: NVCC.

Theo chị Nhung, dầu lạc ép "tại nhà" có màu sắc tự nhiên, mùi thơm đặc trưng, không lẫn tạp chất hay hóa chất bảo quản. Dầu được ép lạnh nên giữ lại được nhiều vitamin.

Giống với chị Nhung, chị Vũ Thị Hà Hải (40 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) cho hay, do lo ngại dầu ăn giả, bản thân chị thời gian gần đây cũng mua vừng và lạc về rồi đem đi ép dầu thuê tại một cửa hàng gần nhà. Để đa dạng, chị chọn cả lạc và vừng để ép thành 2 loại dầu riêng biệt.

"Dầu lạc không thơm bằng dầu vừng nên tôi thường để chế biến các món xào, dầu vừng thì để trộn salad, còn các món chiên rán thì tôi dùng mỡ lợn. Tính ra mỗi lít dầu lạc tốn khoảng 250.000 đồng, còn 1 lít dầu vừng tốn khoảng trên 400.000 đồng vì giá vừng đắt hơn, hàm lượng dầu lại ít hơn lạc. Giá khá đắt nhưng nếu đảm bảo sức khỏe thì hoàn toàn xứng đáng", chị Hải nói.

Ngoài việc mang đi ép, nhiều bà nội trợ còn tự sắm máy ép dầu mini về để tự sản xuất dầu. Theo tìm hiểu, một chiếc máy ép dầu mini cho gia đình hiện có giá khoảng từ 2 đến 5 triệu đồng. Nhiều người cho rằng, nếu có thể sử dụng thường xuyên và lâu dài, thì đây là một khoản đầu tư xứng đáng.

"Tôi mới mua 1 máy ép dầu qua sàn thương mại điện tử với giá gần 5 triệu đồng. Sử dụng thì thấy khá hiệu quả, nếu máy bền, chạy tốt như hiện tại thì có lẽ rất đáng đồng tiền. Ngoài ép dầu cho gia đình sử dụng, tôi còn có thể tự tay sản xuất dầu lạc, vừng, óc chó, hướng dương,... để tặng cho những người thân yêu, hoặc bán cho nhiều gia đình trong khu dân cư tôi sinh sinh sống. Vừa an toàn cho sức khỏe lại có thêm thu nhập", chị Hoàng Thị Hà (33 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) cho hay.

Ăn dầu lạc, vừng có tốt không?

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Lê Thị Hương Giang, Trưởng khoa Tiết chế dinh dưỡng - Bệnh viện 19-8, cho biết, các loại dầu ăn thực vật (dầu ô liu, đặc biệt là Extra Virgin Olive Oil, dầu hạt cải (canola oil), dầu đậu nành, dầu hướng dương, dầu gạo, dầu mè (dầu vừng) giàu acid béo không bão hòa rất tốt cho sức khỏe.

Lý do là các loại dầu này giàu Omega-3, Omega-6 và Omega-9 tốt cho tim mạch, giúp giảm LDL-C và hỗ trợ kiểm soát cholesterol máu.

Máy ép dầu được bán trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Chụp màn hình.

Máy ép dầu được bán trên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Chụp màn hình.

Tuy nhiên, để sử dụng dầu ăn đúng cách, tốt cho sức khỏe, nên thay đổi, luân phiên nhiều loại dầu. Ví dụ, dùng dầu oliu cho trộn salad, dầu đậu nành để xào, dầu gạo cho chiên nhẹ.

TS. Lê Thị Hương Giang cũng cho hay, có một số loại dầu ăn chứa nhiều acid béo bão hòa và acid béo dạng trans (chất béo chuyển hóa) cần hạn chế sử dụng, cụ thể là dầu cọ và dầu dừa công nghiệp. Hai loại dầu ăn này khi chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ dễ sinh ra acid béo bão hòa cao và các chất oxy hóa có hại.

"Chất béo trans (trans fat) – thường gặp trong các loại dầu chiên rán nhiều lần, hoặc trong thực phẩm công nghiệp như bánh snack, khoai tây chiên, bánh quy, bơ thực vật (margarine) – là nguyên nhân làm tăng cholesterol xấu (LDL), giảm cholesterol tốt (HDL), làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, bệnh tim mạch", TS. Lê Thị Hương Giang nói thêm.

Có nên tự ép dầu vừng, lạc tại nhà không cần máy hay không?

Ngoài đi thuê hoặc mua máy mini về ép dầu, nhiều người còn sử dụng phương pháp ép nóng thủ công bằng cách xay nhỏ với một chút nước, sau đó đun liu riu trên bếp khoảng 45 phút. Khi dầu nổi lên bề mặt, múc ra, lọc qua vải, rồi cho vào chai, lọ sử dụng dần. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không nên làm theo cách này.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, cho rằng, ép dầu như trên là cách làm đã lỗi thời. Với cách làm này chất lượng dầu khó được đảm bảo, dễ làm mất đi chất dinh dưỡng khi không căn chỉnh được nhiệt độ, làm dầu bị cháy, khét,... Nếu tự làm thì nên sử dụng máy, như vậy dầu thành phẩm sẽ có chất lượng tốt hơn.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh đưa ra lời khuyên, để sử dụng dầu ăn đảm bảo chất lượng, ngoài cách tự ép dầu, người dân nên chọn mua các nhãn hàng nổi tiếng, tại các cửa hàng uy tín. Không nên lựa chọn các nhãn hàng lạ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/so-dau-an-gia-dau-lac-nha-tu-lam-len-ngoi-169250714144732761.htm