Du lịch giữa mùa dịch: 'Rót mật vào tai' bằng làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh
Ca từ dung dị nhưng không kém phần duyên dáng trong mỗi câu hò, khúc đối và được ví von như cốt lõi của văn hóa Kinh Bắc*, đó là làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời cũng là món ăn tinh thần, là niềm tự hào của người dân Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
(SGTT) – Ca từ dung dị nhưng không kém phần duyên dáng trong mỗi câu hò, khúc đối và được ví von như cốt lõi của văn hóa Kinh Bắc*, đó là làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh, di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời cũng là món ăn tinh thần, là niềm tự hào của người dân Bắc Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Du lịch giữa mùa dịch: Đến Lai Châu chơi dù lượn ở Putaleng
Du lịch giữa mùa dịch: Say đắm cánh đồng hoa Nemophila ở Nhật Bản
“Bắc Ninh Kinh Bắc người ơi !Lấy lời quan họ cho đời tri âmMuôn người kết chạ tình thâmMải mê câu hát sắt cầm lòng son…”
Quan họ là một làn điệu dân ca tiêu biểu của miền Bắc nước ta, được hình thành từ rất lâu đời ở vùng Kinh Bắc xưa. Qua tìm hiểu, tôi được biết, hát quan họ là lối hát giao duyên giữa người nam và người nữ, là hình thức để bày tỏ tâm tư, suy nghĩ bằng những câu hát ý nhị mà sâu lắng, để đối phương thông hiểu và lắng nghe những tâm tình “đã lâu chưa một lần ngỏ ý”.
Trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, dân ca quan họ là một loại dân ca đặc sắc cả về âm nhạc và văn chương. Hát quan họ là một lối hát đòi hỏi sự công phu và có tính tập thể với những lề lối, quy định chặt chẽ, trở thành phong cách, được thực hiện nghiêm ngặt từ tổ chức đến hình thức diễn xướng. Vì vậy, người ta hay nói, đến với quan họ thì phải “tinh mới tường”
“Xưa kia nam nữ trẻ giaÀi mà ca được ắt là hiển vinhNgẫm xem các giọng cho tinhAi mà ca được hiển vinh muôn đời”.
Quan họ là thể loại nhạc dân ca trữ tình nên cách hát và luyến láy được trau chuốt rất kỹ càng, tỉ mỉ, cùng nhiều kỹ thuật sao cho âm điệu vừa vang, vừa thánh thót, trầm bổng linh hoạt, nghe như “rót mật vào tai”, đưa bao người êm đềm trôi trên dòng chảy của con sông Cầu – “dòng sông quan họ” vang danh xứ sở.
Những làn điệu quan họ truyền thống thường được hát vào mùa xuân hay mùa thu, đây là những mùa tươi đẹp nhất trong năm, khi ấy câu hát quan họ nhộn nhịp, tưng bừng làng trên, thôn dưới.
Ngoài ra, người ta còn hát Quan họ ngay cả khi lao động, trong các đám cưới, đám giỗ chạp, hội hè hay hiện hữu trong đôi lời hát ru. Vì quan họ vốn được sinh ra từ quá trình lao động miệt mài của người dân, nên từ lâu, nó đã gắn liền với đời sống tình cảm, tinh thần của người lao động, thông qua câu hát người dân có thể tìm về sự biết yêu thương và hướng tới cái đẹp.
Dân ca quan họ Bắc Ninh là một tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, cần được giữ gìn, phát huy và lưu truyền cho nhiều thế hệ sau. Người Việt ta luôn tự hào là “đất nước ngàn năm văn hiến” với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau, đã tạo nên bức tranh đa dạng, sống động trong đời sống của người dân.
* Kinh Bắc là tên một địa danh cũ ở phía Bắc nước ta, nay bao gồm toàn bộ ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận như Lạng Sơn (Hữu Lũng); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm); Hà Nội (gồm toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn), Thái Nguyên (Phổ Yên) và Vĩnh Phúc (Phúc Yên).
Lê Thanh Lượng
Chương trình “Du lịch giữa mùa dịch” là nơi đăng tải câu chuyện của những người làm trong lĩnh vực du lịch, những người đam mê du lịch. Những thông tin chia sẻ có thể là cách mà nhân viên du lịch đang thực hiện để kiếm sống và nuôi dưỡng tiếp đam mê xê dịch cho đến khi dịch bệnh đi qua; có thể là cách những người mê du lịch đang làm để vừa có cảm giác vi vu đó đây vừa tuân thủ quy tắc “không cần thiết thì ở yên tại chỗ”; hay cũng có thể là những ký ức về các chuyến du lịch độc đáo ngày xưa, cùng chia sẻ để giữ lửa trong lòng người đam mê di chuyển.