Du lịch lên 'sàn': Liên kết với ứng dụng số nhưng đừng... hòa tan
Một số lãnh đạo, chủ doanh nghiệp du lịch đã có nhiều ý kiến xoay quanh sau loạt bài Du lịch lên sàn của Tạp chí Du Lịch TP.HCM. Đồng thời họ đưa ra nhiều lời khuyên, giúp các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành nhỏ và vừa phát triển trong bối cảnh chuyển đổi số.
Lời khuyên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ông Lê Trương Hiền Hòa - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho hay sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành nhỏ và vừa gặp rất nhiều khó khăn, một số đã… phá sản. Đứng trước việc chuyển đổi số lại trở nên khó khăn hơn gấp bội.
"Nguồn vốn không còn, kiến thức đi đôi với kinh nghiệm về du lịch của một số chủ doanh nghiệp chưa đủ để chuyển đổi số. Đặc biệt, doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành nhỏ hoạt động chuyển đổi số đơn lẻ, chưa thống nhất…", ông Hòa nói về những thách thức trong việc chuyển đổi số của ngành du lịch.
Tháo gỡ những vấn đề này, ông Hòa cho hay, Sở Du lịch TP.HCM đã chủ động mở ra nhiều chương trình, hội thảo có nội dung về chuyển đổi số, mục tiêu giúp kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Sở Du lịch TP.HCM sẽ chia sẻ cho các doanh nghiệp du lịch dùng chung hệ thống cơ sở dữ liệu, từ đó quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành sẽ thống nhất với nhau.
"Một số doanh nghiệp start-up (khởi nghiệp - PV) không chỉ bán sản phẩm mà còn hỗ trợ các đơn vị lữ hành truyền thống trong việc chuyển đổi số hoặc cho thuê lại trang web. Do đó, họ không cần đầu tư hay bỏ ra số tiền quá nhiều trong việc chuyển đổi số. Đối với những doanh nghiệp hoạt động du lịch truyền thống nên hợp tác, liên kết với những doanh nghiệp du lịch đã có ứng dụng công nghệ thì sẽ tiết kiệm được nhiều công sức, thời gian và tiền bạc so với xây dựng từ đầu", ông Hòa cho lời khuyên.
Đồng quan điểm, anh Vũ Minh Triết – Trưởng phòng Marketing Đất Việt Tour, cho hay việc chuyển đổi số quan trọng nhất là ứng dụng công nghệ mới để triển khai. Đây là một khó khăn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt là ngành du lịch hiện nay tại Việt Nam không có quá nhiều công ty áp dụng chuyển đổi số hoàn toàn.
"Nhà nước nên khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và chuyển đổi số hoàn toàn hoạt động kinh doanh của mình. Các ban ngành liên quan nên là cầu nối giữa các công ty công nghệ và công ty du lịch để giúp cho việc chuyển đổi số thuận lợi và tiết kiệm hơn", anh Triết nhấn mạnh.
Với hơn 20 năm hình thành và phát triển, Đất Việt Tour cũng đang chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh. Nhờ vậy mạng lưới kinh doanh được mở rộng, tiếp cận nhiều khách hàng hơn, quan trọng là tạo thêm được nhiều đối tác chiến lược. Qua đó giúp doanh thu hàng năm tăng trưởng ổn định.
Ngoài việc xây dựng 1 website đầy đủ chức năng như: giỏ hàng và thanh toán online, Đất Việt Tour còn mạnh dạn đầu tư hệ thống “booking” dành cho đại lý cũng như các đối tác chiến lược. Hình thức kết nối API khá phổ biến hiện nay cho phép doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm hơn thông qua nhiều kênh phân phối nhỏ lẻ.
"Không phải bất cứ doanh nghiệp du lịch nào cũng có thể tự tổ chức tour riêng nhất là tour quy mô lớn. Việc liên kết kinh doanh giữa công ty nhỏ và lớn với nhau qua nền tảng số hóa giúp họ dễ dàng hơn trong việc phong phú sản phẩm cũng như chất lượng phục vụ", anh Triết cho hay.
"Để có thể chuyển đổi số thành công 1 phần hoặc hoàn toàn đòi hỏi có một sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực công nghệ. Doanh nghiệp nhỏ hãy tìm một công ty công nghệ có kinh nghiệm, uy tín để giúp doanh nghiệp chuyển đổi số dần dần hoạt động kinh doanh của mình. Việc tiếp thu kiến thức cũng như áp dụng vào hoạt động kinh doanh truyền thống đòi hỏi nhân sự có thời gian làm quen, bổ sung kiến thức", anh Triết cho lời khuyên.
Liên kết nhưng không hòa tan
Có thể nói, bên cạnh nhiều giải pháp về quảng bá; nâng cao chất lượng đa dạng hóa sản phẩm du lịch… thì trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay việc kết nối các điểm đến, thị trường khách cũng là một giải pháp được nhiều đơn vị du lịch tích cực xúc tiến.
Đặc biệt phải kể đến sự liên kết giữa công ty cung cấp dịch vụ với doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành thông qua app (ứng dụng) trên điện thoại.
Đơn cử là ứng dụng Agoda sẵn sàng kết nối miễn phí với doanh nghiệp du lịch. Đến nay, đơn vị này đã kết nối hơn 925.000 khách sạn trên toàn cầu, có nhiều chương trình hấp dẫn về dịch vụ đặt phòng, giá rẻ. Hay Vietravel cũng thường xuyên kết hợp với ứng dụng VNPAY triển khai chương trình ưu đãi giảm ngay hàng trăm ngàn đồng dành cho khách hàng khi thanh toán tour du lịch thành công qua dịch vụ VNPAY-QR.
Ông Phạm Anh Vũ - Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Truyền thông Du Lịch Việt, cho hay đơn vị đạt được nhiều thuận lợi trong kinh doanh khi liên kết với những ứng dụng như: Agoda, Boking.com, VNPay, Viettel...
"Những nền tảng số này cung cấp dịch vụ đặt phòng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà trọ… với giá tốt nhất. Luôn cập nhật các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Hệ thống thanh toán đa dạng, phong phú phù hợp với nhu cầu của người dùng, mạng lưới đối tác rộng lớn, uy tín, giao diện thân thiện, dễ thao tác và tương thích với cả 2 nền tảng di động lớn IOS và Android", ông Vũ thông tin.
Theo ông Vũ, xu hướng hiện nay của công ty du lịch đòi hỏi phải liên kết thiệt nhiều. Điều này sẽ tạo ra giá trị gia tăng, giúp nhận diện thương hiệu, khách đông hơn.
"Mỗi ứng dụng sẽ có thế mạnh riêng. Liên kết với các ứng dụng, đưa cho họ những chương trình khuyến mãi, hạ giá tour đổi lại giúp tăng độ nhận diện cho thương hiệu công ty", ông Vũ nói.
Hơn 10 năm qua, sản phẩm chính của công ty ông Vũ tập trung vào những chương trình tour. Do đó những ứng dụng số giúp đa dạng dịch vụ, thỏa mãn những nhu cầu của khách. Một số ứng dụng liên kết có nhiều hỗ trợ về giá cho khách, tìm được những nơi ở giá rẻ.
Tuy nhiên, theo ông Vũ mỗi công ty du lịch muốn phát triển bền vững cần phải có sản phẩm nổi bật, mang màu sắc riêng. Việc hợp tác như cuộc chơi mà mình không phải thế chủ động. Hình dung hơn là một cửa hàng tạp hóa liên kết với nhiều đơn vị cung cấp đồ ăn, thức uống. Nếu một ngày họ bất chợt ngưng cung cấp nữa thì chủ cửa hàng sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.
"Tương tự, nếu lệ thuộc quá nhiều vào đơn vị liên kết thì sẽ làm sản phẩm chính của mình mờ nhạt. Trong khi ứng dụng của họ có thật sự chất lượng lâu dài hay không. Lấy ví dụ nếu một ngày đường truyền bị hư, kỹ thuật lỗi hoặc tệ nhất là đóng ứng dụng thì lúc đó mình sẽ như thế nào nếu trong tình trạng phụ thuộc", ông Vũ chia sẻ.
"Hãy liên kết nhưng đừng hòa tan, cần có sản phẩm mang màu sắc riêng. Sự liên kết với các ứng dụng, trang web chỉ mang tính hỗ trợ tour chính của đơn vị...", anh Vũ nhấn mạnh.
Tăng cường quảng bá du lịch trên nền tảng số
Bà Giang Thế An, đại diện truyền thông TikTok Việt Nam, cho hay do đặc thù của các sản phẩm du lịch nên việc livetream bán hàng trên nền tảng này cũng gặp 1 số khó khăn nhất định. Chính vì thế, trong thời gian tới, TikTok Việt Nam sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ giúp các doanh nghiệp du lịch, đơn vị lữ hành mua bán sản phẩm trên nền tảng này. Từ đó, đẩy mạnh phương thức mua sắm trực tuyến giúp khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm, dịch vụ du lịch mọi lúc và mọi nơi.
Theo bà An, trong thời gian qua TikTok đã luôn nỗ lực liên kết với chính quyền, doanh nghiệp, đơn vị lữ hành phát triển sản phẩm du lịch. Điển hình như phối hợp cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam ra mắt chiến dịch #NganNgaVietNam, với sự đồng hành của Tạp chí Du lịch và Tạp chí Du lịch TP.HCM.
TikTok Việt Nam cũng ký hợp tác Chiến lược với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam, ra mắt chiến dịch #HelloQuangNam; khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung ngắn về cảnh sắc, văn hóa, ẩm thực, phong cách sống của Quảng Nam và chia sẻ trên nền tảng.
TikTok đã tổ chức các buổi tập huấn chuyên môn về cách thực hiện video ngắn, cũng như hướng dẫn về bộ giải pháp TikTok For Business cho các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam và Đại học FPT Đà Nẵng. Thông qua hoạt động đào tạo này, TikTok mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch địa phương tiếp cận các công cụ tiếp thị trực tuyến, qua đó tăng khả năng thu hút khách du lịch trên nền tảng số.
Gần đây được sự đồng ý và bảo trợ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, TikTok chính thức tái khởi động chiến dịch #HelloVietnam thông qua chuỗi hoạt động tour trải nghiệm với sự tham gia của 60 nhà sáng tạo nội dung toàn cầu từ ngày 16/12/2023 đến 10/01/2024. Gần 300 video chất lượng được các nhà sáng tạo nội dung đăng tải về tour trải nghiệm đã thu hút hơn hơn 100 triệu lượt xem cùng những phản hồi tích cực từ cộng đồng, trong đó #HelloVietnam cũng ghi nhận con số ấn tượng với hơn 1,5 tỷ lượt xem.
Hà Sang