Du lịch mùa cao điểm: giá dịch vụ tăng nhẹ
Tuy có sự sụt giảm nhẹ từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong mùa cao điểm kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng Ba được dự báo là vẫn tăng. Giá dịch vụ du lịch cũng tăng khoảng vài phần trăm so với mùa trước.
(SGTT) – Tuy có sự sụt giảm nhẹ từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc nhưng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong mùa cao điểm kéo dài từ tháng 10 đến hết tháng Ba được dự báo là vẫn tăng. Giá dịch vụ du lịch cũng tăng khoảng vài phần trăm so với mùa trước.
Sự giảm sút của thị trường Trung Quốc, thường chiếm khoảng 30% thị phần của mảng du lịch quốc tế của cả nước, đã khiến cho tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế trong tám tháng đầu năm 2019 thấp hơn cùng kỳ năm ngoái.
“Thấp thỏm” thị trường Trung Quốc
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, trong thời điểm này, có hơn 11,3 triệu lượt khách quốc tế đến, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tám tháng vừa qua, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đạt hơn 3,37 triệu lượt, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ quan quản lý du lịch cho rằng thị trường nguồn này phải tăng trưởng ít nhất là 5% hoặc không tiếp tục giảm thì chỉ tiêu đón từ 17,5 – 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm mới giữ được.
Theo thông tin từ một số doanh nghiệp lữ hành, dự báo về thị trường Trung Quốc rất khó khăn vì phần lớn thị phần thuộc về doanh nghiệp nước láng giềng – những người đang khai thác các chuyến bay thuê bao đưa du khách đến các điểm du lịch biển như Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc.
Tuy nhiên, thông tin sơ bộ có thể thấy đến cuối năm nay lượng khách có thể tăng nhẹ.
Theo ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang Travelink, tuy gần đây số lượng các chuyến bay thuê bao đến một số điểm như Nha Trang, Đà Nẵng giảm và hệ số chỗ trên nhiều chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc không cao nhưng tình hình sẽ khả quan hơn khi người dân nước này đi nghỉ nhân “tuần lễ vàng” vào đầu tháng 10, tức dịp kỷ niệm quốc khánh của nước này.
“Thời gian qua lượng khách của chúng tôi giảm nhưng đến tuần lễ vàng thì tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ đây đến cuối năm lượng khách sẽ không tăng cao nhưng sẽ không giảm như trước nên tính chung cả năm vẫn ổn”, ông Thành nói.
Bộ phận tư vấn của Savills Hotels châu Á – Thái Bình Dương dẫn báo cáo của Học viện Du lịch Trung Quốc và Công Ty Lữ Hành Ctrip cho rằng tuy sụt giảm nhưng trong tương lai gần thị trường vẫn có khả năng tăng trưởng do số người sở hữu hộ chiếu tăng.
Điều này đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ đi du lịch nước ngoài trong thời gian tới và khả năng cao là họ sẽ ghé thăm các quốc gia lân cận như Việt Nam hay Thái Lan trong những chuyến xuất ngoại đầu tiên.
Giá dịch vụ tăng nhẹ
Theo dự báo của BCD Travel, một công ty quản lý kinh doanh du lịch lớn ở Hà Lan, chi phí du lịch vào năm 2020 sẽ tăng. Trong đó, giá khách sạn toàn cầu sẽ tăng từ 1 đến 3% còn giá vé máy bay sẽ tăng từ 1 đến 2%.
Tỷ lệ tăng sẽ cao hơn ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, chủ nhà của Thế vận hội mùa hè và Việt Nam – nơi có nhu cầu đi lại, giải trí và kinh doanh đang tăng trưởng mạnh.
Một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế cho biết giá dịch vụ du lịch và liên quan đến du lịch trong mùa cao điểm khách quốc tế vào cuối năm nay và đầu năm tới tăng nhẹ.
Ông Thành của Liên Bang Travelink cho biết giá khách sạn tại nhiều địa phương mùa này tăng khoảng 4%, tương đương với mức tăng của mùa trước.
Giá vài dịch vụ khác cũng tăng nhẹ nên giá tour trọn gói của khách quốc tế tăng khoảng 5%, riêng với thị trường Trung Quốc thì tỉ lệ tăng thấp hơn, khoảng 3-4%.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Điều hành Công ty Asian Trails., Co LTD thông tin rằng giá tour cho khách châu Âu đến Việt Nam trong mùa tới tăng từ 3-8% do giá khách sạn tăng khoảng 5-8%, giá thuê hướng dẫn viên du lịch tăng từ 20-25% và một số chi phí khác tăng.
“Giá thuê hướng dẫn viên tăng cao nhất trong các dịch vụ vì hiện thị trường đang thiếu hướng dẫn viên nên nhiều công ty cạnh tranh bằng việc tăng giá thuê”, bà nói.
Riêng với thị trường Nga, một số doanh nghiệp cho biết giá tour trọn gói gần như không tăng vì cạnh tranh về giá ở mảng này rất gay gắt.
Thậm chí, hợp đồng sắp sửa ký kết nhưng không thành do nhiều doanh nghiệp chào giá thấp hơn để lấy khách, dẫn đến doanh nghiệp phải tính rất sát để không tăng giá.
Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/du-lich-mua-cao-diem-gia-dich-vu-tang-nhe/