Du lịch Ninh Bình trở lại 'guồng quay' với những đột phá ấn tượng

Nhờ sự chuẩn bị kỹ càng và chớp thời cơ thuận lợi khi COVID-19 được kiểm soát, kinh tế hồi phục, du lịch Ninh Bình đã trở lại guồng quay với những con số ấn tượng.

Những cánh đồng lúa chín rộ ở Tam Cốc (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN

Những cánh đồng lúa chín rộ ở Tam Cốc (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Ảnh tư liệu: Minh Đức/TTXVN

Đặc biệt, ngoài những tháng cao điểm đầu năm, Ninh Bình đón lượng khách tương đối lớn vào dịp hè - vốn được coi là mùa thấp điểm, thể hiện hướng đi đúng trong xúc tiến, quảng bá du lịch, góp phần tạo nên thành công chung của toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023.

Những con số ấn tượng

Những ngày hè nắng như đổ lửa vẫn không cản được bước chân của du khách đến với Ninh Bình. Lượng khách đến tỉnh đông trong khoảng thời gian này, tạo nên “bất ngờ” không nhỏ đối với những người làm du lịch trong mùa thấp điểm.

Tại nhiều khu, điểm du lịch trên địa bàn như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, hang Múa, Khu du lịch sinh thái Thung Nham… hàng ngày đều đón lượng lớn du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng.

Khu du lịch hang Múa thuộc xã Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, nằm trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An luôn tấp nập du khách ngay từ những tháng đầu năm đến nay. Du khách đến với hang Múa sẽ được hòa mình vào cảnh quan thiên nhiên vô cùng gần gũi và thân thiện. Hè là thời gian đúng lúc hoa sen nở rộ nên thu hút đông du khách về ngắm sen, chụp ảnh.

Bà Đỗ Thị Thu Lý, Phó Giám đốc Khu du lịch hang Múa cho biết, thời gian này, khu du lịch đón khoảng 600 - 700 khách/ngày, cuối tuần đông hơn với trên 1.000 người/ngày. Do có sự đầu tư bài bản, cơ sở vật chất thường xuyên được nâng cấp, đội ngũ nhân viên được nâng cao trình độ chuyên môn nên khu du lịch đã đáp ứng tốt yêu cầu của du khách.

Nằm trong chuỗi những nhà cung ứng dịch vụ cho ngành Du lịch, Hoàng Sơn là khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, ở ngay trung tâm thành phố Ninh Bình. Ông Đoàn Minh Thành, Phó Giám đốc điều hành Khách sạn Hoàng Sơn cho biết, khách sạn hiện vận hành 214 phòng nghỉ với công suất 6 tháng đầu năm đạt 43%. Ngoài ra, khách sạn còn có trung tâm sự kiện lớn phục vụ tiệc, hội nghị, hội thảo cho hàng nghìn người cùng với trung tâm lữ hành chuyên xây dựng và tổ chức tour du lịch nội địa.

Ông Đoàn Minh Thành chia sẻ: COVID-19 để lại nhiều hệ lụy như thiếu nguồn lao động, khách quốc tế sụt giảm, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự vào cuộc của UBND tỉnh và ngành chức năng đã tháo gỡ kịp thời cho doanh nghiệp, lượng khách đến Ninh Bình đông trở lại, tạo điều kiện cho việc kinh doanh của khách sạn. Tới đây, Khách sạn Hoàng Sơn tiếp tục phát huy tối đa nguồn lực hiện có, xây dựng chương trình khuyến mại, kích cầu để thu hút khách. Cùng với đó, khách sạn thực hành tiết kiệm để giảm giá thành, thường xuyên đào tạo nâng cao tay nghề nhân viên, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách.

Những con số ấn tượng của Khu du lịch hang Múa hay Khách sạn Hoàng Sơn thể hiện phần nào bức tranh đa dạng, khởi sắc của hàng trăm đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch của tỉnh Ninh Bình thời gian qua.

Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, liên tiếp trong hai tháng 5, 6 là những tháng thấp điểm của du lịch địa phương nhưng tỉnh vẫn đón được khoảng 400.000 lượt khách/tháng. Có được kết quả này là do Ninh Bình đã đầu tư bài bản, chuẩn bị từ cơ sở vật chất, đôn đốc cải tạo cảnh quan các khu, điểm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn khu, điểm du lịch…

Trong 6 tháng đầu năm, Ninh Bình đón trên 4,5 triệu lượt du khách, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2022, đạt 84,7% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, khách trong nước đạt 4,3 triệu lượt, gấp 2,4 lần; khách quốc tế 224 nghìn lượt, gấp 6,9 lần. Tổng doanh thu du lịch đạt trên 3.846 tỷ đồng, gấp 2,9 lần, đạt 74,7% kế hoạch năm 2023. Các khu, điểm du lịch đón lượng khách lớn như Khu du lịch sinh thái Tràng An, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động, vườn chim Thung Nham, hang Múa, phố cổ Hoa Lư… Đây đều là những khu, điểm du lịch ấn tượng đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần tạo nên thương hiệu du lịch Ninh Bình.

Trong nhiều năm trở lại đây, tỉnh tổ chức thường niên sự kiện Tuần lễ du lịch Ninh Bình “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”, góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh du lịch Ninh Bình. Tuần lễ du lịch năm 2023 được tổ chức vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023 với hàng loạt chương trình nghiên cứu, khảo sát sản phẩm du lịch, chương trình photo tour có sự tham gia của 130 nhiếp ảnh đến từ các nhóm, hội, câu lạc bộ nhiếp ảnh, báo chí trên toàn quốc… Dịp này, toàn tỉnh đón hơn 172 nghìn lượt khách, tăng gấp hơn 2 lần so với Tuần lễ du lịch năm 2022.

Duy trì đà tăng trưởng

Quần thể Danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Ảnh tư liệu: Thùy Dung/TTXVN

Quần thể Danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình. Ảnh tư liệu: Thùy Dung/TTXVN

Theo ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, có được những con số ấn tượng về lượng khách và doanh thu như trên thể hiện hướng đi đúng của tỉnh đối với phát triển du lịch cùng nỗ lực không ngừng của đội ngũ những người làm du lịch địa phương.

Trong bối cảnh phục hồi và phát triển du lịch khi COVID-19 được kiểm soát, Sở Du lịch đã đề ra nhiều phương án, kịch bản thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trong đó, phấn đấu năm 2023, Ninh Bình đón trên 5,35 triệu lượt khách, doanh thu đạt 5.100 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Văn Mạnh, để thực hiện mục tiêu này, ngành Du lịch tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như: Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, tổ chức đoàn kiểm tra đơn vị kinh doanh du lịch đảm bảo điều kiện về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ khách du lịch; xây dựng Kế hoạch tổ chức chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch, đặc biệt là áp dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch...

Sở Du lịch chỉ đạo đơn vị chuyên môn tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho lao động tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch và các địa phương trên địa bàn; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, cảnh quan, bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững cho cán bộ cấp xã, phường, Ban quản lý các di tích, nhân viên, người lao động, cộng đồng dân cư trong khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch...

Ngành Du lịch Ninh Bình tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch, chú trọng kinh tế ban đêm; quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững; phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Đồng thời, tăng cường quản lý nhà nước và tạo môi trường thuận lợi cho phát triển du lịch; tăng cường nghiên cứu thị trường, xúc tiến, quảng bá - liên kết phát triển du lịch; ứng dụng khoa học và công nghệ phát triển du lịch; xây dựng chiến lược marketing du lịch, tạo ra chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Đức Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/du-lich-ninh-binh-tro-lai-guong-quay-voi-nhung-dot-pha-an-tuong-20230710112913565.htm