Du lịch nông nghiệp

Nông dân làm du lịch không lạ gì ở một số địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh miền Tây nhưng tại Hải Dương thì vẫn còn khá mới.

Ngày 3.8, lần đầu tiên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức du lịch nông nghiệp, nông thôn (NNNT) cho người dân.

Tại sao thời điểm này tỉnh ta lại quan tâm đến việc đào tạo những nhà nông vốn quanh năm chân lấm tay bùn trở thành những người biết làm du lịch? Điều này xuất phát từ tầm nhìn nông nghiệp “đa giá trị” mà tỉnh đang hướng đến. Nông nghiệp sẽ được khai thác để đem lại giá trị cao nhất cho nhà nông.

Khi đọc bài viết Người Hải Dương làm nông nghiệp "đa tầng", "đa giá trị" trên báo Hải Dương của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cuối tháng 6 vừa qua, tôi khá ấn tượng với cách Bộ trưởng nhận xét về nông nghiệp Hải Dương. Ông cho rằng Hải Dương đang từng bước khai thác nông nghiệp "đa giá trị" và chính cách này sẽ giúp nhà nông ngoài cấy lúa, trồng rau có chất lượng và bán giá cao còn có thể biến những vườn cây, ao cá trở thành điểm tham quan du lịch. Như vậy, rau vẫn bán được, cá, lợn, gà vẫn tiêu thụ tốt trong khi nông dân còn có thêm nguồn thu nhập từ chính những vị khách phương xa, thậm chí ngay người trong tỉnh đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức sản phẩm nông nghiệp.

Học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại bãi rươi xã An Thanh (Tứ Kỳ)

Học sinh đến tham quan, trải nghiệm tại bãi rươi xã An Thanh (Tứ Kỳ)

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi Hải Dương làm gì có nhiều danh lam thắng cảnh mà làm du lịch? Có thể thấy phát triển du lịch có nhiều cách. Có dịp sang Thái Lan du lịch, nhiều người sẽ hiểu. Nông dân nước này dạy những chú lợn biết làm toán. Họ biết biến những mảnh vườn, khu chăn nuôi trở thành điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn. Ngay ở một số tỉnh miền Tây, nông dân cũng đã biết dùng những vườn cây ăn trái của mình cho khách đến hái quả, thưởng thức ẩm thực và bán quà lưu niệm. Tại Hải Dương, vườn nho của gia đình ông Nguyễn Mạnh Đoàn ở thôn Cáy, xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) cũng đã thu hút hàng trăm lượt người đến tham quan, mua nho khi thu hoạch…

Hải Dương không thiếu những vùng có thể khai thác, phát triển du lịch nông thôn. Đó là miệt vườn xứ vải Thanh Hà, vùng rươi cáy, lúa hữu cơ ở Tứ Kỳ, những đồi trồng nhãn, na ở Chí Linh, trang trại đà điểu ở Kinh Môn… Nếu nông dân không chịu học làm du lịch thì khó có thể thu hút được du khách và biết khai thác những giá trị vô hình từ chính đồng đất quê mình.

Trước hết nhà nông cần học cách khai thác những gì đang có thành sản phẩm du lịch. Họ phải hiểu về cách làm du lịch bài bản như giới thiệu sản phẩm của mình với du khách, thậm chí biết chế biến những món ăn ngon từ chính nông sản mình làm ra. Nếu nhìn xa trông rộng, nông dân muốn làm du lịch tốt còn phải biết ngoại ngữ bởi không chỉ đón khách trong nước mà tiến tới thu hút du khách nước ngoài.

Để nông dân thực sự khai thác được giá trị từ chính đồng đất quê hương mình, sự nỗ lực của bản thân họ chưa đủ mà cần sự định hướng, hỗ trợ từ chính quyền các cấp. Có thể thấy việc phát triển nông nghiệp Hải Dương theo hướng "đa giá trị" trong những năm gần đây được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Hải Dương đã tổ chức thành công lễ hội vải thiều Thanh Hà theo hướng hoàn toàn mới. Tỉnh đã mời những người nổi tiếng về mở vườn, thi hái vải, thu hút du khách, có cả khách quốc tế đến thăm và trải nghiệm hái vải. Hay như lần đầu tiên huyện Tứ Kỳ tổ chức lễ hội lúa, rươi hữu cơ mang đậm nét đặc trưng văn hóa, mảnh đất và con người nơi đây...

“Đi theo đường cũ nhiều người đã đi thì dễ. Mở ra con đường mới, để hướng đến mục tiêu mới, cần sự kiên trì và quyết tâm”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu quan điểm. Nếu Hải Dương quyết tâm khai thác du lịch từ đồng đất quê hương mình thì chính quyền và nhà nông phải mạnh dạn xắn tay vào làm.

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/goc-nhin/du-lich-nong-nghiep-210519