Du lịch tàu hỏa đến xứ Trà:Đột phá từ sản phẩm du lịch 'xanh'

Với lợi thế là vùng đất 'đệ nhất danh trà' cùng hệ thống giao thông thuận tiện, Thái Nguyên đang từng bước hình thành những sản phẩm du lịch mới mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa.

Trong đó, nổi bật là mô hình du lịch kết hợp giữa trải nghiệm văn hóa trà và hành trình bằng đường sắt. Đây không chỉ là nét độc đáo góp phần định vị thương hiệu du lịch của địa phương, mà còn mở ra hướng phát triển bền vững trong tương lai.

Du khách trải nghiệm tàu du lịch Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh: Lan Hương

Du khách trải nghiệm tàu du lịch Hà Nội - Thái Nguyên. Ảnh: Lan Hương

Khai thác nguồn “vàng xanh” độc đáo

Được mệnh danh là “thủ phủ chè” của Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên sở hữu hơn 22.000ha chè, tổng thu từ cây chè đạt hơn 13.000 tỷ đồng (năm 2024). Không chỉ là sản phẩm kinh tế chủ lực, trà còn là linh hồn văn hóa của vùng đất Thái Nguyên.

Tại các vùng chè như Tân Cương, La Bằng, nhiều hợp tác xã và hộ dân đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng kết hợp tham quan, trải nghiệm hái chè, chế biến và thưởng trà. Những đồi chè xanh mướt trải dài, những không gian thưởng trà đậm chất truyền thống đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.

Chia sẻ về tiềm năng du lịch gắn với văn hóa trà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên Trần Nữ Ngọc Anh cho biết: “Một trong những điểm nhấn nổi bật của Thái Nguyên là hệ sinh thái du lịch trà được đầu tư bài bản, sáng tạo. Tỉnh hiện có bốn vùng trà nổi tiếng được mệnh danh là “Tứ đại danh trà” gồm: Tân Cương, La Bằng, Trại Cài và Phú Lương. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng những tour chuyên đề để du khách có thể đi qua cả bốn vùng trà và cảm nhận được sự khác biệt của từng vùng nguyên liệu. Ngoài ra, tháng 12-2024, Thái Nguyên đã công bố danh sách 153 món ăn liên quan đến trà. Đây là nền tảng để xây dựng không gian ẩm thực xứ Trà với những món ăn đa dạng gắn với trà, tạo thành một thực đơn hoàn chỉnh”.

Bên cạnh phát triển sản phẩm tại chỗ, việc kết nối, đưa du khách đến với Thái Nguyên cũng được đẩy mạnh. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Chính Nam, tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên có vai trò rất quan trọng trong kết nối vùng và phát triển du lịch trải nghiệm gắn với văn hóa trà. “Chúng tôi phối hợp với tỉnh để khôi phục tuyến tàu khách Hà Nội - Thái Nguyên, hướng đến phát triển các tour đặc biệt như chuyến tàu “Trà đạo”, tuyến tàu tham quan các làng chè...” - ông Nam nhấn mạnh.

Theo đó, khách du lịch khởi hành từ ga Hà Nội có thể dễ dàng đến ga Lưu Xá (Thái Nguyên) và kết nối nhanh chóng đến các điểm du lịch như vùng chè Tân Cương, hồ Núi Cốc, khu di tích ATK Định Hóa... Đây là cơ hội lớn để phát triển du lịch bền vững gắn với văn hóa trà.

Gỡ “nút thắt” để “cất cánh”

Mặc dù được đánh giá là một hướng đi tiềm năng, nhưng sản phẩm du lịch gắn với văn hóa trà và đường sắt của Thái Nguyên hiện đối mặt với một số hạn chế như các chuyến tàu vẫn ở dạng thử nghiệm, mang tính đơn lẻ và chưa được kết nối với các doanh nghiệp lữ hành. Chưa có nhiều tour tuyến được tổ chức bài bản, thiếu những điểm dừng chân hấp dẫn, trải nghiệm du lịch tàu hỏa chưa để lại dấu ấn sâu sắc cho du khách.

Theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Phạm Tiến Dũng, để khắc phục tình trạng trên, Thái Nguyên cần tập trung nâng tầm sản phẩm trà, kết hợp du lịch sinh thái và văn hóa bản địa. Trà Thái Nguyên không chỉ là nông sản mà có thể trở thành một câu chuyện du lịch đặc sắc, thu hút khách quốc tế, nhất là nhóm chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại địa phương. “Riêng với sản phẩm du lịch tàu hỏa, việc tổ chức các chuyến tàu thường lệ là rất khó nếu thiếu sự hỗ trợ từ tỉnh. Do đó, giải pháp khả thi là thuê nguyên chuyến và các doanh nghiệp phải liên kết để tổ chức, chia sẻ chi phí, cùng tạo nên sản phẩm chuyên nghiệp” - ông Dũng nhấn mạnh.

Ở góc độ quản lý, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết, tỉnh đang tích cực phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để đánh giá tiềm năng tuyến Hà Nội - Thái Nguyên. Một số chương trình thử nghiệm đã được tổ chức cho các đoàn khách doanh nghiệp, học sinh - sinh viên và bước đầu cho tín hiệu tích cực. “Chúng tôi đang xây dựng các sản phẩm du lịch liên kết dọc theo tuyến đường sắt, hướng đến chuỗi trải nghiệm đa dạng, tạo điều kiện để tàu hỏa trở thành phương tiện quen thuộc của du khách đến Thái Nguyên” - ông Linh nói.

Song song với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh quảng bá văn hóa trà trên tuyến đường sắt bằng nhiều hình thức như truyền thông đa phương tiện trên tàu, giới thiệu sản phẩm OCOP tại các nhà ga, trang trí đoàn tàu theo chủ đề văn hóa trà, quy hoạch cảnh quan dọc tuyến bằng các vùng chè cảnh quan đặc trưng...

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Chính Nam, ngành Đường sắt đã chủ động nâng cấp phương tiện, cải tạo các nhà ga mang kiến trúc Pháp, cải thiện khu vệ sinh và ký kết hợp tác với Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nhằm phát triển các chuyến tàu chuyên biệt phục vụ du lịch. Theo đó, đoàn tàu Hà Nội - Thái Nguyên sẽ được thiết kế các toa cộng đồng mang đậm dấu ấn văn hóa trà, có nhạc sống, quầy bar, trưng bày sản phẩm địa phương để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, ngành Đường sắt sẽ lập đề án cải tạo nhà ga, lấy điểm nhấn là ga Cao Sơn - nơi có đồi chè nhỏ, không gian trà và hoạt động biểu diễn trà đạo nhằm tạo điểm đến hấp dẫn trong hành trình.

Hướng tới mục tiêu đón 6 triệu lượt khách vào năm 2025, Thái Nguyên quyết tâm xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, lấy văn hóa bản địa làm nền tảng, kết nối giữa phương tiện truyền thống và xu hướng hiện đại. Trong hành trình đó, những toa tàu chở đầy hương trà không chỉ đưa du khách đến với vùng đất Thái Nguyên mà còn đưa văn hóa trà đến gần hơn với bạn bè bốn phương.

Linh Tâm

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/du-lich-tau-hoa-den-xu-tra-dot-pha-tu-san-pham-du-lich-xanh-698795.html