Du lịch Tây Nguyên, đánh thức giấc mơ đại ngàn
Dù sở hữu nguồn tài nguyên phong phú hiếm có trên một không gian rộng lớn, Tây Nguyên vẫn như một 'người khổng lồ' đang ngủ say, chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại.
Độc đáo “mái nhà” Đông Dương
Nằm tại vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở trung tâm khu vực và là “mái nhà” Đông Dương, Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, diện tích tự nhiên hơn 54 nghìn km2. Với địa hình cao nguyên liền kề có độ cao từ 500 – 1500m, Tây Nguyên được bao bọc bởi những rặng núi hùng vĩ, những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn và khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, được ví như “vùng tiểu ôn đới trong lòng nhiệt đới”.
Đây còn là vùng đất linh thiêng với hàng trăm di tích văn hóa, lịch sử, kho tàng văn hóa cổ xưa giàu bản sắc của 47 dân tộc đang sinh sống. Đặc biệt là Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên 2 lần được UNESCO vinh danh kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể, là gia tài quý báu trong kho tàng văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa nhân loại.
Có thể nói nơi đây hội tụ mọi sự ưu ái nhất của tạo hóa: có sự hoang sơ của núi rừng, sự bình yên, êm đềm của vùng đồng bằng thôn quê và những nét quyến rũ, bí ẩn rất riêng đậm chất đại ngàn.
Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển nhiều loại hình và sản phẩm du lịch đặc trưng mang thương hiệu Tây Nguyên. Tuy nhiên, tiềm năng quý giá của thủ phủ cà phê đến nay vẫn chưa được khai thác hiệu quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế từ du lịch còn ở mức độ thấp, chậm so với mặt bằng chung của các địa phương trong cả nước.
Như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng Chính phủ từng đánh giá, Tây Nguyên vẫn như một cô gái đẹp không những ngủ quên mà còn chưa chuyển mình kịp với đất nước và thời đại.
‘Nàng thơ’ Gia Lai
Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, ngoài Lâm Đồng đã phát triển du lịch từ khá sớm và tạo dựng thương hiệu Đà Lạt trên bản đồ du lịch, hầu hết các tỉnh vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu vắng của cơ sở hạ tầng, lưu trú, sự phát triển tự phát của các sản phẩm du lịch, chưa tạo dựng được mối liên kết giữa các địa phương trong vùng và các địa phương khác.
Đơn cử như Gia Lai, địa phương có diện tích lớn nhất Tây Nguyên và xếp thứ 2 của Việt Nam, nếu xét về tiềm năng không hề thua kém các điểm đến nổi tiếng như Đà Lạt, Sa Pa, Mộc Châu…
Gia Lai sở hữu hệ sinh thái tự nhiên trù phú, được xem là lợi thế vô cùng lớn để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với 2 khu vực Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đang được xem xét được công nhận là Khu sinh quyển thế giới. Khu du lịch Biển Hồ - núi lửa Chư Đăng Ya được Chính phủ đưa vào quy hoạch Khu du lịch quốc gia rộng trên 6.000 héc-ta. Hệ thống thác nước tự nhiên kỳ thú như: thác Phú Cường, thác Mơ, thác Chín Tầng... cùng những rừng thông, đồi chè, cà phê xanh ngút tầm mắt.
5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành du lịch Gia Lai khá tích cực, đạt 22,7%/năm. Nhưng nếu xét về lượt khách và doanh thu, thời điểm trước dịch năm 2019, Gia Lai đón 845.000 lượt khách với doanh thu đạt 510 tỷ đồng. Con số này vẫn còn khiêm tốn khi so sánh với những điểm đến sở hữu các tiềm năng tương tự như Đà Lạt (hơn 6,3 triệu lượt khách), Sa Pa (3,2 triệu lượt khách), Mộc Châu (1,2 triệu lượt khách).
Đánh thức giấc mơ đại ngàn
Theo báo cáo mới đây nhất của website du lịch trực tuyến Agoda, từ nửa cuối năm 2020, du khách ngày càng yêu thích khám phá và nghỉ dưỡng tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, với không gian trong lành, gần gũi với thiên nhiên và dịch vụ tiện ích an toàn, đồng bộ.
Khi du lịch biển đang ngày càng trở nên bão hòa, du lịch các vùng cao nguyên, đồi núi sẽ trở thành món mới trên bàn tiệc du lịch. Đây chính là cơ hội đắt giá để du lịch Tây Nguyên phục hồi, bắt nhịp xu thế, khi sở hữu kho tàng quý giá là hệ sinh thái đa dạng vẫn giữ nguyên nét hoang sơ.
Hệ sinh thái này mở ra dư địa dồi dào cho nhiều loại hình du lịch chất lượng cao đang được ưa chuộng và dự đoán sẽ phát triển “bùng nổ” sau đại dịch như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm và khám phá…
Trong bối cảnh đó, việc phát triển các mô hình du lịch sinh thái đồng bộ (các khu resort cao cấp, khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng khép kín trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, tự nhiên độc đáo) có thể xem là một trong những “chìa khóa” quan trọng để mở cánh cửa du lịch cho vùng đất đại ngàn.
Câu chuyện còn lại là một chiến lược phát triển du lịch thống nhất, với cơ chế thu hút đầu tư tập trung, không dàn trải, thông thoáng và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư lớn về hội tụ. Chỉ có những “cú hích” thiết thực như vậy, du lịch Tây Nguyên mới có khả năng cất cánh.