Du lịch thác Mây: Kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn
Không chỉ được biết đến là vùng đất còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Mường, mà xã Thạch Lâm (Thạch Thành) từ lâu còn nổi tiếng với thác Mây, dòng thác nguyên sơ, hùng vĩ, nước chảy róc rách suốt bốn mùa và là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách.
Thác Mây xã Thạch Lâm đẹp nguyên sơ, hùng vĩ.
Thác Mây hay còn gọi là thác “chín bậc tình yêu” nằm giữa cánh rừng nguyên sinh đổ xuống từ đỉnh núi Thạch Lâm với độ cao khoảng 100m, với 9 bậc thác gối lên nhau tạo nên những con nước mềm mại như đường lượn sóng của một dải lụa trắng. Tương truyền rằng, xưa kia nơi đây từng là một dòng thác êm ả, trong vắt, hiền hòa. Bỗng dưng vào một ngày có chín nàng tiên bay qua đây và đã dừng chân xuống tắm lại dòng thác này. Khi các nàng tiên đang tắm thì có lệnh của Ngọc Hoàng gọi về, chín nàng tiên vội vã bay về trời để lại chín dấu chân, nó trở thành chín bậc thác và người ta gọi là “chín bậc tình yêu”. Người dân nơi đây bao đời nay vẫn truyền tai nhau rằng những đôi lứa đang yêu nhau cùng lên tắm thác “chín bậc tình yêu” thì tình yêu sẽ ngày càng mặn nồng và nên vợ nên chồng. Ngoài chín bậc thác chính còn có bậc thác cha, thác mẹ và thác con. Hai bên là những cây cổ thụ to luôn tỏa bóng mát xuống dòng thác. Thác Mây có nước quanh năm nhưng sẽ đẹp nhất vào độ tháng 8 trở đi. Khi ấy dòng thác hiền hòa mộc mạc lại nồng nàn như người con gái Mường đang độ xuân thì.
Quanh khu vực thác Mây là quần cư đồng bào dân tộc Mường vì thế, nơi đây còn lưu giữ được một quần thể với hơn 300 nhà sàn truyền thống của người Mường. Trong đó, có một số nhà sàn có tuổi đời hàng trăm năm. Cùng với đó, đồng bào dân tộc Mường ở đây vẫn còn lưu giữ đầy đủ các nét văn hóa người Mường bản địa là cơm đồ, nước vác, nhà gác, lợn thui... cùng nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc của người Mường như: đánh cồng chiêng, hát giao duyên, đánh mảng, ném còn, nhảy sạp... và những món ăn truyền thống đặc sắc đó là xôi nếp nương, gà đồi, thịt trâu lá lồm, cá thính song Ngang, thịt lợn Mường, canh lá đắng, ốc đá, măng đắng. Ngoài ra, đến với danh thắng thác Mây du khách còn có thể mua cho mình đồ kỷ niệm mang đặc trưng của dân tộc Mường như: khăn, túi bằng thổ cẩm, ớt chua, đũa bương, ốc đá, cua đá, thuốc lá nam của đồng bào.
Với vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình cùng hệ sinh thái phong phú đa dạng, xanh mát quanh năm, thác Mây đang là điểm hẹn hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Theo số liệu thống kê, hàng năm, tại thác Mây đón được trên 50.000 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Để đáp ứng nhu cầu khách tham quan, những năm qua, một số hộ dân trong thôn Đăng Thượng đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nâng cấp nhà cửa, phòng nghỉ, khuôn viên; đồng thời, xây dựng các tour du lịch với các hình thức trải nghiệm diễn tấu cồng chiêng, các tiết mục văn nghệ, trò chơi dân gian của đồng bào dân tộc Mường, đưa khách đến tham quan trực tiếp các nghề thủ công truyền thống, nghề dệt thổ cẩm... Ông Nguyễn Văn Thỏa, thôn Đăng Thượng - hộ làm du lịch cộng đồng tại thác Mây cho biết: “Vốn sinh sống gần khu vực thác Mây, nên từ năm 2017 gia đình tôi đã đầu tư cơ sở vật chất để làm du lịch cộng đồng với mong muốn có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống; đồng thời, cũng là để duy trì, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất khang trang, gia đình tôi cũng chú trọng đến việc tạo thêm các loại hình dịch vụ hấp dẫn gắn liền với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường như trưng bày và bán các sản phẩm truyền thống, cho thuê và bán trang phục dân tộc... Nhờ đó, hàng tháng gia đình tôi đón rất đông lượng khách đến tham quan, lưu trú, nhất là vào dịp mùa hè”.
Cũng là một trong những hộ làm du lịch cộng đồng tại thác Mây, ông Nguyễn Văn Tuyệt chia sẻ: “Cùng với các khu, điểm du lịch khác trên địa bàn huyện Thạch Thành, du lịch thác Mây được đánh giá là hấp dẫn suốt 4 mùa, bởi đến đây vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, du khách cũng khám phá được vẻ đẹp thiên nhiên, nghe tiếng nước chảy róc rách như một bản hòa tấu, cũng như khám phá, trải nghiệm những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất này. Phát huy những lợi thế mà thiên nhiên đem lại, gia đình tôi đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng, phát triển đa dạng dịch vụ du lịch và nâng cao chất lượng phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách”.
Hiện nay, tại thôn Đăng Thượng đã có 10 hộ đăng ký làm du lịch cộng đồng, 30 hộ kinh doanh dịch vụ du lịch. Để nâng cao chất lượng phục vụ khách tham quan, ngành du lịch huyện Thạch Thành đã tạo điều kiện cho những người làm du lịch cộng đồng tại đây tham gia các khóa tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng du lịch. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẵn có trong ngành du lịch mà còn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đóng góp tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng giao thông đi vào thác Mây đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, kết nối với các khu, điểm du lịch, hình thành các tour du lịch trải nghiệm, cải thiện nâng cao sản phẩm du lịch. Từ thác Mây du khách có thể đi tham quan các khu, điểm du lịch khác của huyện Thạch Thành theo đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217B, Quốc lộ 45, như: hang Con Moong, đình Mường Đòn, suối nước nóng Vó Ấm, thác Đẹn, Di tích thắng cảnh Phố Cát, thác Voi, chùa Cảnh Yên, chiến khu Ngọc Trạo... Đồng thời kết nối với những khu, điểm du lịch trong tỉnh như Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) và các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Ninh Bình, Nghệ An...
Với vẻ đẹp nguyên sơ còn được lưu giữ, cùng sự quan tâm đầu tư phát triển du lịch ngày càng bài bản, những năm gần đây thác Mây thu hút khá đông khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Thác Mây cũng là tuyến du lịch trọng điểm trong việc kết nối các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện Thạch Thành và tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc mang lại thu nhập ổn định cho đồng bào dân tộc Mường nơi đây và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.