Du lịch thế giới đang 'cao cấp hóa', Việt Nam cần làm gì để tạo ra điểm nhấn?
Ngành du lịch thế giới hiện nay đang trong xu hướng 'cao cấp hóa', tức là tập trung phát triển các ngành dịch vụ lưu trú, ẩm thực, đồ uống cao cấp để thu hút phân khúc khách du lịch có thu nhập cao.
Xu hướng “cao cấp hóa” ngành du lịch
Trước đại dịch COVID-19, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới về cả số lượng du khách, lẫn tổng thu từ ngành.
Nếu năm 2010, số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt con số 5 triệu, thì tới năm 2019, con số này đã tăng 3,5 lần, cán mốc 18 triệu lượt khách. Tương tự, tổng doanh thu từ ngành du lịch năm 2010 đạt 96.000 tỷ đồng, thì sang năm 2019, tổng doanh thu đã tăng lên ngưỡng 755.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát (2020 - 2021), ngành du lịch Việt Nam gần như tê liệt. Cho tới hiện tại, sau hơn 1 năm mở cửa trở lại, ngành du lịch Việt Nam vẫn chưa lấy được “phong độ” như giai đoạn trước dịch.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, ông Liam Cordingley, chuyên gia của Oxford Economics đánh giá, ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều triển vọng tăng trưởng trong tương lai.
Bởi vì, ngành du lịch rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Năm 2019, nó đã đóng góp khoảng 7% vào GDP cả nước. Đây là ngành mang lại nguồn xuất khẩu và ngoại tệ quan trọng, cũng như có một tác động việc làm đáng kể
“Sự phục hồi của thị trường du lịch rất quan trọng đối với nền kinh tế, ước tính của chúng tôi cho thấy chi tiêu cho du lịch sẽ phục hồi về mức của năm 2019 vào năm 2024 và đến năm 2025 sẽ cao hơn 36% so với năm 2019”, ông Liam Cordingley cho biết.
Tuy nhiên, để hồi phục và tạo ra nền tảng cho sự phát triển bền vững, ngành du lịch Việt Nam cần kịp thời “hòa nhịp” vào xu hướng chung của thế giới.
Phân tích sâu hơn về điều này, ông Liam Cordingley cho biết: “Trong thị trường du lịch sau đại dịch, bản thân ngành du lịch và các chính phủ đều công nhận việc tăng chi tiêu du lịch trên mỗi chuyến đi sẽ rất quan trọng đối với sự phục hồi của thị trường - việc phát triển nhiều trải nghiệm cao cấp hơn có thể đóng góp đáng kể vào sự phục hồi của thị trường.
“Không chỉ du khách quốc tế mà thu nhập của người dân Việt Nam cũng ngày càng tăng, tạo cơ hội có một không hai để phát triển các ngành dịch vụ du lịch cao cấp, thu hút các thị trường mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”, ông Liam Cordingley nhấn mạnh.
Ông Liam Cordingley cho rằng, một số ngành dịch vụ du lịch như khách sạn, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế, nhà hàng cao cấp xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, có một ngành mà Việt Nam đang bỏ ngỏ, đó là đồ uống cao cấp, như rượu vang và rượu mạnh.
“Khách du lịch tạo thành một thị trường quan trọng để bán các loại đồ uống có cồn cao cấp tại Việt Nam. Doanh số bán hàng tại các khách sạn, quán bar và nhà hàng hướng đến khách du lịch là chìa khóa thành công của ngành này tại Việt Nam”, ông Liam Cordingley chia sẻ.
Cần tạo ra điểm nhấn trong xu hướng “cao cấp hóa”
Đồng tình với nhận định này, ông Mark Kent, Giám đốc điều hành Hiệp hội rượu whisky Scotland (SWA), cựu Đại sứ Anh tại Việt Nam (nhiệm kỳ 2007 - 2010), Chủ tịch Mạng lưới Hữu nghị Việt Nam - Anh Quốc khẳng định: Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, như truyền thống văn hóa, ẩm thực phong phú, đa dạng. Việt Nam cũng có nhiều danh lam thắng cảnh, Vịnh Hạ Long và các bãi biển đẹp hàng đầu thế giới. Do đó, ngành du lịch Việt Nam sẽ sớm phục hồi như trước dịch.
Dù vậy, ông Mark Kent cho rằng, ngành du lịch Việt Nam không nên quá chú trọng tới các con số thống kê về mặt cơ học, như năm nay đón được bao nhiêu vạn du khách trong và ngoài nước. Bởi, số lượng đông chưa chắc đã tốt.
Ông Mark Kent phân tích: Khách du lịch càng đông càng gây ra áp lực đến hạ tầng và ảnh hưởng tới danh lam thắng cảnh. Thay vào đó, Việt Nam cần hướng đến phân khúc khách du lịch có thu nhập cao, những người sẵn sàng chi tiền để trải nghiệm các dịch vụ cao cấp.
“Ngành du lịch thế giới đang có xu hướng “cao cấp hóa”. Tức là, không thu hút khách du lịch bằng mọi giá, mà phải có sự chọn lọc”, vị cựu Đại sứ chia sẻ thẳng thắn.
Dù vậy, để làm được điều này, ngành du lịch Việt Nam cần phải hiểu xu hướng tiêu dùng của khách du lịch có thu nhập, để tạo ra “điểm nhấn” thu hút họ. Thứ họ cần là chất lượng dịch vụ phải tương xứng với số tiền họ bỏ ra. Khách sạn lưu trú, ẩm thực, đồ uống họ sử dụng cũng phải được nâng cấp xứng đáng.
“Về cơ bản, du khách quốc tế đã đánh giá cao khi đi du lịch tại Việt Nam, nhưng để họ quay trở lại, chi nhiều tiền hơn nữa, thì cần phát triển thêm các trải nghiệm độc đáo, mới lạ để tạo ra điểm nhấn. Từ đó tạo ra sự cộng hưởng thu hút thêm khách du lịch tới Việt Nam”, ông Mark Kent chia sẻ.
Đơn cử, tại Scotland, bên cạnh việc khám phá các tòa lâu đài cổ kính, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, du khách có thể trải nghiệm các lò sản xuất rượu Scotland truyền thống.
Các loại rượu truyền thống của Scotland đã nổi tiếng trên khắp thế giới, đây là một loại đồ uống cao cấp, có chất lượng cao. Khách du lịch khi tới vùng đất không thể bỏ qua trải nghiệm độc đáo này, tất nhiên, giá rượu Scotland không hề “dễ chịu”.
“Tương tự, Việt Nam cũng có các sản phẩm nổi tiếng để tạo ra các dịch vụ cao cấp, hoặc có thể hợp tác với Scotland để đưa một trải nghiệm mới mẻ, như kết hợp một số loại rượu cao cấp của Scotland với nền ẩm thực Việt Nam, để tạo ra các món ăn mới, hoặc các loại đồ uống, cocktail mới. Những điều này đều tạo ra sự trải nghiệm mới lạ cho khách du lịch”, ông Mark Kent nói.