Du lịch thích ứng kịp thời với thay đổi của thị trường

Đại dịch Covid-19 không những ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội, mà còn ảnh hưởng rất nhiều về nhu cầu tiêu dùng và hưởng thụ. Vì thế, nhu cầu du lịch, lựa chọn điểm đến, sản phẩm, dịch vụ cũng như những giá trị mà du khách muốn nhận được từ chuyến đi sẽ có những thay đổi lớn.

Ngành du lịch Việt Nam đã đặt mục tiêu trong năm 2022 đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến khoảng 400.000 tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu này, ngành du lịch đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, tuy nhiên sẽ rất nhiều thách thức để thực hiện, bởi cung cầu và thị trường du lịch đang thay đổi, trong khi ngành kinh tế xanh Việt Nam đang "ngấm đòn" đại dịch Covid-19.

Nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ là xu hướng mới

Nhu cầu du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ là xu hướng mới

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam nhận định, tới đây, nhu cầu du lịch sau đại dịch được dự báo sẽ tăng lên nhanh chóng để lấy lại cân bằng ngày càng gia tăng; khách du lịch sẽ ưu tiên lựa chọn những điểm đến an toàn về dịch bệnh, nên sẽ có xu hướng đến những nơi riêng tư, có sự cách biệt để hạn chế tiếp xúc đông người.

Đại dịch cũng đã khiến con người nhận thấy rõ hơn giá trị và tầm quan trọng của sức khỏe. Do đó, được nghỉ ngơi, được chăm sóc sức khỏe, thư giãn, phục hồi hoàn toàn sau khi nhiễm bệnh sẽ là một trong những nhu cầu mà du khách chắc chắn muốn hướng tới. Cùng với đó là nhu cầu đoàn tụ, nhu cầu được gặp mặt và kết nối trực tiếp với nhau, cùng nhau nghỉ ngơi và tận hưởng khoảng khắc bên nhau sẽ hết sức có ý nghĩa.

Trước đại dịch Covid-19, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam vẫn được nhận định là thiếu về lượng và yếu về chất. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng. Đại dịch đã gây tác động đến 2,5 triệu lao động trong ngành du lịch với 800.000 lao động trực tiếp.

Trong bối cảnh du lịch cần nhanh chóng phục hồi và bứt phá, hơn lúc nào hết, cầu về phục hồi nhanh chóng nguồn nhân lực du lịch sẽ là áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp. Chưa kể đến việc trong bối cảnh mới này, nguồn nhân lực cần phải thật sự năng động, sáng tạo, phải được đào tạo và bồi dưỡng kiến thức mới, thích ứng với thời cuộc. “Sự chênh lệch cung cầu trong nguồn nhân lực du lịch khi mở cửa sẽ là bài toán nan giải, đòi hỏi nỗ lực rất lớn không chỉ của doanh nghiệp mà cần cả sự tham gia vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội và các cơ sở đào tạo du lịch”- ông Tuấn chỉ rõ.

Về thị trường, đại dịch Covid-19 làm chúng ta nhận ra tầm quan trọng và vai trò của thị trường khách du lịch nội địa. Điều này có thể thấy rất rõ trong mục tiêu của ngành du lịch đặt ra cho năm 2022, lượng khách du lịch nội địa gấp 12 lần lượng khách du lịch quốc tế, trong khi đó, trước đại dịch tỉ lệ này chỉ khoảng 4 - 5 lần.

Ngoài ra, thời gian qua, ngành du lịch phải dựa hoàn toàn vào thị trường nội địa. Sau 4 đợt dịch Covid-19, chúng ta đều thấy được mỗi giai đoạn làn sóng dịch giảm xuống, các điểm du lịch dù mở lại cầm chừng thì nhu cầu du lịch trong nước lại tăng lên. Cũng theo đó, trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, nhu cầu du lịch trong nước chiếm tỉ lệ khá cao, có tới 76% du khách Việt Nam tham gia khảo sát có kế hoạch du lịch giải trí trong nước vào năm 2022, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 38% số có kế hoạch du lịch nước ngoài.

Trên cơ sở nhận định những thay đổi về cung, cầu và thị trường du lịch Việt Nam trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, doanh nghiệp trước hết phải hoàn thiện được quy trình đảm bảo an toàn cho du khách và cho họ thấy yếu tố an toàn đang được đặt lên hàng đầu; xây dựng các tour trực tuyến là sản phẩm sáng tạo và được coi như một hình thức quảng bá, góp phần tạo nên thương hiệu cho điểm đến, mở ra cơ hội đón khách trực tiếp trong tương lai; nỗ lực tìm kiếm những cách tiếp cận mới dựa vào tài nguyên đã có như phát triển các dịch vụ về đêm gắn với tri thức tại các bảo tàng, thư viện, điểm di tích văn hóa, lịch sử...

Những sản phẩm du lịch hướng tới nâng cao sức khỏe đã, đang và chắc chắn sẽ trở thành xu hướng của xã hội hiện đại, đặc biệt là sau đại dịch, vì thế, lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tiếp cận với xu hướng sản xuất xanh, cung ứng dịch vụ xanh, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh của ngành du lịch; các nhà tổ chức tour có thể thiết kế các chương trình giành cho gia đình và nhóm gia đình, lựa chọn các điểm đến, các dịch vụ an toàn và phù hợp với nhiều đối tượng trong gia đình từ người cao tuổi đến trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, các bậc phụ huynh.

Về nguồn nhân lực, cần đổi mới ngay từ trong chương trình đào tạo, đổi mới trong tuyển dụng nguồn nhân lực du lịch; tận dụng chính nguồn nhân lực địa phương là một trong những cách hiệu quả để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh trước mắt.

Mặt khác, với định hướng cho tương lai gần của ngành du lịch, có thể nhận thấy thị trường nội địa đang và sẽ là thị trường chủ chốt, quan trọng đối với sự phục hồi và phát triển của du lịch nước nhà. Chính vì thế, cần tập trung phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng, phù hợp với thị hiếu của khách nội địa, đa dạng hóa phương thức truyền thông, tiếp cận phù hợp với từng độ tuổi và đối tượng khách.

Đối với thị trường khách quốc tế, các địa phương cần tập trung điều chỉnh thị phần. "Đây là thời điểm tốt nhất để định hình, điều chỉnh lại thị trường khách quốc tế, hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường khách quốc tế nhất định dẫn đến bị động khi thị trường khách đó sụt giảm bởi các yếu tố khó đoán định"- ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nêu thêm, việc định hướng điều chỉnh lại thị trường khách quốc tế trước hết vẫn tập trung vào vài thị trường nhất định và duy trì ở mức vừa phải; thứ hai xúc tiến các thị trường khách mới tiềm năng hoặc còn đang chiếm thị phần nhỏ nhưng có cơ hội mở rộng thị phần. Mục tiêu cuối cùng là để tạo thế tương đối cân bằng và ổn định giữa các thị trường khách, không phụ thuộc và dựa hoàn toàn vào bất kỳ thị trường khách quốc tế nào.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/du-lich-thich-ung-kip-thoi-voi-thay-doi-cua-thi-truo-ng-174319.html